Cơ hội trong bối cảnh thế giới đối mặt với bài toán thiếu lương thực, thực phẩm

Trước những biến động của thế giới, giá lương thực, thực phẩm ở nhiều nước phát triển tăng phi mã, hàng chục nước đã cấm xuất khẩu lương thực, thực phẩm, đây được xem là cơ hội để ĐBSCL tận dụng thời cơ tăng tốc xuất khẩu.

ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng, nơi sản xuất chính nông sản của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng,trong bối cảnh khan hiếm thực phẩm trên thế giới như hiện nay sẽ là cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản của vùng châu thổ.

Tiềm năng và lợi thế xuất khẩu được thể hiện rõ qua năng lực sản xuất của từng địa phương. Tại An Giang, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết sản lượng lúa cả năm của địa phương này đạt trên 4 triệu tấn. Do giá vật tư tăng nhanh, dự báo một số người bỏ ruộng nhưng không nhiều.

Hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền đến người dân nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Sản xuất lúa cũng là thế mạnh của Đồng Tháp. Kế hoạch gieo trồng lúa của tỉnh cả năm là 491.000ha, với sản lượng trên 3,2 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm nay, Đồng Tháp đã xuất khẩu trên 136.000 tấn, với kim ngạch 71,2 triệu USD.

Trong tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng, địa phương này cũng đã tăng cường triển khai các mô hình sản xuất "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm"; mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến xuất khẩu các mặt hàng lúa gạo chất lượng.