Chuyên gia Trung Quốc: Làm đường sắt cao tốc, Việt Nam đừng phá hủy núi non, sông hồ

Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Công nghiệp Chiết Giang, có trụ sở tại Hàng Châu, được thành lập vào năm 2012. Đây hiện là trung tâm nghiên cứu về Việt Nam đầu tiên được thành lập tại một trường đại học tổng hợp có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và Chiết Giang – một tỉnh phát triển ở ền Đông nước này tới Việt Nam ngày càng nhiều, nhất là khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, là một trong những lý do khiến trung tâm được thành lập và không ngừng lớn mạnh.

Phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Giáo sư Thành Hán Bình

PV: Cảm ơn Giáo sư đã dành cho phóng viên VOV buổi trò chuyện ngày hôm nay. Là một trong những người đứng ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đầu tiên có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc hiện nay, xin Giáo sư cho biết trung tâm được ra đời trong hoàn cảnh nào?

Giáo sư Thành Hán Bình: Trung Quốc theo đuổi toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nhân Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đầu tư. Trong số đó, thương nhân Chiết Giang có mặt khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là ở Việt Nam. Nguyên nhân chính khiến họ sang Việt Nam đầu tư là vì họ thấy Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, có nhiều điểm tương đồng. Điều này nảy sinh một vấn đề. Họ không hiểu nhiều về Việt Nam. Họ cần sự hỗ trợ.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam. Trường chúng tôi còn có Viện Nghiên cứu Doanh nhân Chiết Giang Toàn cầu, đóng vai trò hỗ trợ cho trung tâm. Tức là trong các doanh nhân Chiết Giang trên toàn cầu, chúng tôi đã thành lập riêng một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, đến nay đã được hơn 10 năm.

Trung tâm của chúng tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu về kinh tế, xã hội và nhân văn của Việt Nam, trọng tâm là kinh tế-thương mại và quan hệ kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Tôi cũng xin được tiết lộ là mới đây chúng tôi đã đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ. Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ được tuyển sinh. Các nghiên cứu sinh của chúng tôi sẽ được tìm hiểu về Việt Nam, Đông Nam Á cũng như hợp tác kinh tế-thương mại và giao lưu nhân văn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây sẽ là một trọng tâm tiếp theo của chúng tôi.

PV: Thời gian gần đây, kinh tế Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, ngày càng có nhiều các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Ông đánh giá ra sao về xu hướng này?

Giáo sư Thành Hán Bình: Điều này cho thấy Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội cạnh tranh giữa các nước lớn. Việt Nam đã tiếp nhận số lượng lớn chuỗi công nghiệp từ Trung Quốc, nên kinh tế và việc làm của Việt Nam rất khởi sắc.

Thứ hai là Việt Nam, giống như Trung Quốc, theo đuổi chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế, điều này rất quan trọng. Với tiền đề này, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phát triển.

Việt Nam chủ trương toàn cầu hóa kinh tế, đổi mới mở cửa, làm bạn với tất cả các bên, chứ không riêng bên nào. Việt Nam đang trong thời kỳ cửa sổ và đã tận dụng được không gian này, nên tình hình kinh tế rất tốt. Nếu tiếp tục theo hướng này, Việt Nam vẫn sẽ phát triển. Tất nhiên cũng còn một số vấn đề, nhưng khi thay đổi được mọi thứ sẽ tốt lên. Nhìn chung, tôi cho rằng, Việt Nam đã tận dụng được thời kỳ cửa sổ và cổ tức chiến lược.

Thành công kinh tế của Việt Nam chắc chắn liên quan đến môi trường kinh doanh. Hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam là tốt, thể hiện các mặt tích cực và tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Thứ nhất là ưu đãi cho các nhà đầu tư. Thứ hai là sự ổn định về chính sách, tức có thể mang lại lợi nhuận cho đối tác. Các khoản đầu tư sẽ mang lại việc làm và thuế cho Việt Nam. Đây là sự cùng thắng.

Việt Nam đã làm rất tốt điều này, không phân biệt đối xử và ưu đãi cho doanh nghiệp, trong khi chính sách duy trì ổn định. Chúng tôi nghiên cứu và thấy chính sách này luôn như vậy, chỉ tốt lên chứ không xấu đi. Do vậy, các nhà đầu tư thấy có tiền để kiếm và muốn tiếp tục đầu tư, tăng đầu tư tại Việt Nam.

PV: Theo ông, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu gì và do đâu?

Giáo sư Thành Hán Bình: Tôi cho rằng, trong 40 năm đổi mới mở cửa, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất rõ rệt, có thể nói là chưa từng có. Nó được phản ánh ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng cao. Việt Nam mong muốn trở thành cường quốc tầm trung trên thế giới. Mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được.

Thứ hai, tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam đã tăng lên. Điều này có được nhờ vào trình độ kinh tế, phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân. Đây là kết quả tổng hợp khiến ảnh hưởng của Việt Nam trên thế giới được nâng cao.

Thứ ba, Việt Nam đã ký kết các hiệp định hợp tác thương mại với nhiều nước, trong đó có Liên nh Châu Âu (EU) và làm bạn với tất cả các nước. Điều này khiến Việt Nam trở thành một bên rất được ưa chuộng hiện nay. Đây là những điều mà chúng ta đều có thể nhìn thấy được.

Còn một điều nữa là mức sống của người dân được cải thiện. Thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên, đất nước trở nên giàu có và hùng mạnh.  

Vậy có được những điều này là do đâu? Nguyên nhân chính nằm ở sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối đúng đắn mà các bạn tuân thủ. Con đường này là gì? Là toàn cầu hóa kinh tế, đổi mới mở cửa, vẫn là đổi mới mở cửa. Giống như Trung Quốc, đổi mới mở cửa đã giúp Việt Nam mạnh lên và người dân giàu lên. 

PV: Báo cáo Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra hai mục tiêu 100 năm. Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và nhiều sự kiện quan trọng khác thường xuyên nhắc tới việc “Đại hội XIV sẽ là kỳ đại hội đánh dấu Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Vậy theo Giáo sư, trong quá trình này, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức nào?

Giáo sư Thành Hán Bình: Tôi nghĩ cơ hội là rất rõ ràng. Cơ hội chính là cạnh tranh nước lớn, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội, bởi Việt Nam có thể chơi với cả hai bên, do vậy có thể được hưởng lợi từ cả hai phía. Đây là cơ hội rất tốt.

Thứ hai là mặc dù kinh tế toàn cầu hiện nay đang đi xuống, nhưng điểm sáng lại nằm ở Đông Á, nhất là Đông Nam Á. Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức hồi tháng trước đã đề cập đến sự tự cường kinh tế. Đây là khẩu hiệu được ASEAN đưa ra. Ngoài ra, còn có sự kết nối, toàn bộ ASEAN kết nối và duy trì khả năng tự cường kinh tế. Theo tôi, đây là cơ hội. Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này.

Vậy thách thức ở đâu? Thách thức vẫn liên quan đến cạnh tranh nước lớn. Điều này đang khiến Việt Nam khó xử. Vậy nên làm gì? Theo tôi, có thể xem xét hệ thống BRICS. Hiện đã có 10 nước, gồm cả Indonesia và Thái Lan sắp tham gia. Trên thực tế, đây là một cơ hội tốt, vì trong cơ chế này có quốc gia sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia hay quốc gia có đông dân như Ấn Độ. Đây là hệ thống của các nước đang phát triển, cá nhân tôi nghĩ, Việt Nam nên xem xét tham gia.

Tôi rất lạc quan về triển vọng phát triển trong tương lai của Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là chính sách của bạn không được thay đổi, hãy giữ nguyên như hiện tại.

Chính sách này là gì? Thứ nhất là toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam. Các bạn nhất định phải mở cửa.

Thứ hai là cạnh tranh nước lớn. Điều này có rủi ro nhưng lại là cơ hội cho Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam nên theo đuổi “ngoại giao cây tre” bằng mọi giá, hãy giữ cho tốt định vị của mình và đặt mình làm trung tâm.

Thứ ba, với tư cách là một đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc phải luôn kiên trì phục vụ nhân dân, đặt nhân dân lên hàng đầu.

Một số hình ảnh hoạt động và giới thiệu về Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Công nghiệp Chiết Giang

PV: Bẫy thu nhập trung bình là điều mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều cần phải vượt qua. Trung Quốc đi trước Việt Nam trong vấn đề này, vậy có những kinh nghiệm nào Việt Nam có thể học hỏi?

Giáo sư Thành Hán Bình: Kinh nghiệm đó là thịnh vượng chung (cùng giàu) mà Trung Quốc đưa ra trong quá trình hiện đại hóa. Thịnh vượng chung rất quan trọng, nó có thể phá vỡ bẫy thu nhập trung bình. Bẫy thu nhập trung bình chặn bước chúng ta phát triển và sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề, trong đó có chênh lệch giàu nghèo.

Giờ đây, bạn đã không còn thấy ăn xin ở Trung Quốc đại lục nữa, vì chúng tôi có cả một cơ chế đảm bảo an sinh cho họ. Nếu họ thực sự không có tiền, chính phủ sẽ giúp họ.

Thế nào là thịnh vượng chung? Đó là đánh thuế của người giàu và cân bằng để đưa đến tay người nghèo. Ở Trung Quốc, chúng tôi đã làm điều đó như thế nào? Hãy để tôi lấy ví dụ từ chính mình. Chẳng hạn tôi tham gia một hoạt động có thu nhập, tôi sẽ phải nộp thuế lần đầu đối với số tiền này. Cuối tháng, tôi lại đóng thuế thu nhập lần hai.

Sau đó, cộng dồn thu nhập cả năm, tôi lại nộp thuế lần ba. Điều này trước đây không có, nhưng bây giờ là ba lần nộp thuế. Vậy số tiền này sẽ đưa cho ai? Sẽ đến tay người nghèo. Đây gọi là “thịnh vượng chung”.

Cách làm này chúng tôi mới bắt đầu thực hiện, được gọi là phân phối sơ cấp, phân phối cấp hai và phân phối cấp ba, tức là thu thuế ba lần và hướng về người có thu nhập thấp.

Để làm được điều này Trung Quốc sử dụng dữ liệu lớn, tất cả thu nhập của bạn sẽ không thể thoát dù chỉ một xu. Nếu bạn không nộp, tốt thôi, bạn sẽ bị đưa vào danh sách đen. Một khi đã vào danh sách đen, bạn sẽ không thể làm được gì. Trung Quốc có rất nhiều cách để xử lý.

PV: Xây dựng đường sắt cao tốc đã được xác định là một trong những quyết sách và công trình quan trọng trong kỷ nguyên mới. Vậy Việt Nam cần chú ý những gì khi xây dựng thưa Giáo sư?

Giáo sư Thành Hán Bình: Đường sắt cao tốc là biểu tượng của sự vươn mình, cất cánh của một đất nước. Không có đường sắt cao tốc thì không thể vươn mình.

Đường sắt cao tốc sẽ giúp đi lại nhanh chóng, thuận tiện và xanh. Ở Việt Nam, có lần tôi đi tàu từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, mất tới hàng chục tiếng đồng hồ. Nhưng tôi đi tàu từ Hàng Châu đến Bắc Kinh, chỉ mất có hơn 4 giờ, khác gì bay. Điều mà Việt Nam hiện còn thiếu chính là cao tốc hóa đường sắt Bắc – Nam.

Vậy các bước tiếp theo là gì? Trong quá trình xây dựng, sẽ có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Chẳng hạn, làm thế nào để thu hồi đất, để người dân di dời một cách tự nguyện.

Ngoài ra, hãy cố gắng hết sức để không phá hủy các điểm xanh, như núi non, sông hồ. Đừng phá hủy chúng, hãy giữ nguyên vẹn. Tôi nhớ, để bảo tồn một danh lam thắng cảnh, chúng tôi từng chuyển đường tàu đi vài km. Hay để giữ một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, chúng tôi đã tránh nó. Với di tích văn hóa hay hang động, cũng nên cố gắng bảo tồn, bởi đây là các tài nguyên không thể tái tạo, là kho báu lịch sử.

Một điều nữa là giá vé phải phù hợp với túi tiền của người dân, đừng đặt quá cao. Nếu quá cao, người dân sẽ thấy thà đi xe máy còn hơn. Chính phủ là phục vụ cộng đồng, đường sắt cao tốc là dịch vụ công cộng, không thể chỉ nghĩ đến kiếm tiền, thậm chí còn phải trợ cấp. Trung Quốc chúng tôi đang làm như vậy, nhà nước sẽ chịu phần trách nhiệm này. Không thể kiếm tiền cho bằng được, nếu thế thì không còn là phục vụ người dân nữa. Điều này đặc biệt quan trọng.

Về vị trị các ga tàu, chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm và bài học về điều này. Đừng đặt các ga ở quá xa trung tâm thành phố. Quá xa sẽ rất bất tiện.

Ngoài ra, còn phải giữ cả tàu truyền thống để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp khác nhau. Một số nhóm người, như người cao tuổi về hưu hay trẻ em nghỉ hè, họ không cần vội. Đi tàu chậm, họ có thể thưởng thức phong cảnh đất nước. Hay những người có thu nhập thấp, họ chưa thể chi trả cho tàu cao tốc. Với những người vội, để kịp thời gian và công việc, họ có thể chọn đường sắt cao tốc. Hãy để cả hai, để người dân có sự lựa chọn.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!