Chuyển động thị trường: 5 tháng, xuất khẩu dệt may bay cả tỷ USD

5 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng dệt may xuất khẩu có mức giảm mạnh nhất với hơn 1,66 tỷ USD. Từ giữa tháng 3, liên tiếp các doanh nghiệp dệt may đều bị hủy, dừng, tạm ngừng các đơn hàng...

Đồng bạc xanh có xu hướng tăng giá

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tin tức trong nước và quốc tế

# Tại Mỹ, chỉ riêng trong tháng 4, tiền gửi ngân hàng đã tăng thêm 865 tỷ USD - nhiều hơn kỷ lục từng được ghi nhận trước đó, dẫn tới nguy cơ lạm phát có thể gia tăng. 

# Giá bất động sản tại Singapore tăng mạnh trong tháng 5, trong đó số lượng căn hộ mới được bán tăng 75% so với tháng 4, nguyên nhân là do người mua quen dần với việc sử dụng công nghệ thực tế ảo để xem nhà.

# Lo ngại về một làn sóng lây lan Covid-19 lần thứ hai ở Mỹ và Trung Quốc đã giúp đồng bạc xanh USD gia tăng sức mạnh so với các loại tiền tệ chủ chốt khác. Cụ thể, tỷ giá hôm nay ở mức 23.241 VND/USD.

# Với kinh tế trong nước, dù xuất khẩu chịu không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng tính từ đầu năm đến 15/6, Việt Nam vẫn xuất siêu lượng hàng hóa trị giá 3,75 tỷ USD. 

# Trong đó, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay tăng 764% về lượng và tăng 587% về kim ngạch, đạt 570 ngàn tấn, tương đương 234 triệu USD. 

# Xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có tín hiệu khả quan, khi 2 tấn vải thiều Bắc Giang xuất sang Nhật đã được bán hết với giá từ 180-270.000 đồng/kg. Khách tiêu dùng tại Nhật Bản đánh giá tốt về sản phẩm này.

# Cũng trong hôm nay, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) tổ chức công bố lô xoài đầu tiên, với 30 tấn quả tươi, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xoài xuất khẩu là giống xoài tượng da xanh có trọng lượng từ 0,6-1,1 kg. 

Sắc xanh chiếm ưu thế trên toàn thị trường

Thị trường chứng khoán

Cổ phiếu châu Á ít thay đổi trong ngày 22/6 do thị trường chịu sức ép về số ca mắc mới dịch Covid-19 tăng kỷ lục tại Mỹ và Brazil. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1% trong khi chỉ số Topix diễn biến đi ngang. Chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc không thay đổi nhiều trong phiên giao dịch. 

Tại thị trường trong nước, dù diễn biến chung của thị trường trong phiên đầu tuần khá bình lặng, nhưng sóng vẫn nổi lên ở nhiều mã đơn lẻ như nhóm phân bón, một số penny và đặc biệt là cổ phiếu CTD. Chốt phiên, VN-Index tăng 2,72 điểm, lên 871,28 điểm; UPCoM-Index tăng 0,34 điểm, lên 56,68 điểm; chỉ có HNX-Index giảm 0,63 điểm, xuống 114,72 điểm.

Điểm nhấn trong phiên giao dịch với sắc xanh chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Các Bluechips VNM, VHM, MWG bứt phá mạnh cùng với sự khởi sắc của một vài cổ phiếu ngân hàng CTG, VCB, TCB giúp thị trường duy trì mức tăng. 

Nhóm cổ phiếu phân bón cũng là một trong những điểm sáng thị trường hôm nay với các mã DPM, DCM, VAF đều được kéo tăng kịch trần, BFC +6,3% lên sát trần 13.500 đồng/CP, LAS +4,5% lên 7.000 đồng/CP. 

Một lĩnh vực khác cũng cho thấy sự đồng thuận trong phiên hôm nay là nhóm ô tô. HAX, SVC tăng tương ứng 2.5% và 3.5% trong khi VEA tăng mạnh 4.7%, vượt khỏi nền giá trước Covid-19, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về thông tin cổ tức và kế hoạch niêm yết sàn HOSE. 

Theo nhận đinh của Công ty CP Chứng khoán SSI, mặc dù duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch tuy nhiên biên độ tăng của VN Index không đáng kể khi lực cung liên tục gia tăng khi có giá tốt. Mức cao nhất trong ngày ghi nhận của chỉ số là 872.94 điểm, chỉ cao hơn 0.5% so với tham chiếu.

Lực cầu đóng vai trò hỗ trợ chỉ số khỏi các nhịp điều chỉnh trong phiên, nhưng chưa tích cực đẩy mạnh khi thị trường tăng giá trở lại. Tâm lý thận trọng được giải thích bởi vận động của các chỉ số chứng khoán châu Á. 

Xuất khẩu dệt may trong 5 tháng qua đã sụt 1,66 tỉ USD so cùng kỳ (Ảnh: Thanh Niên)

5 tháng, xuất khẩu dệt may bay cả tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng dệt may xuất khẩu có mức giảm mạnh nhất với hơn 1,66 tỷ USD.

Từ giữa tháng 3, liên tiếp các doanh nghiệp dệt may đều bị hủy, dừng, tạm ngừng các đơn hàng. Để khắc phục khó khăn, giảm tổn thất, các doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, trang phục y tế. Tuy vậy, giá trị từ việc chuyển hướng hoạt động không nhiều.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong nửa cuối năm 2020 vẫn còn nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam. Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô công ty MBS nêu thực tế, ngành dệt may trong nước vẫn chưa thể hưởng lợi nhiều ngay lập tức từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) bởi ngành dệt may chủ yếu chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản như gia công. Để tận dụng cơ hội, cần có chiến lược cải thiện chất lượng thay vì tập trung số lượng: 

"Chúng ta tăng về số lượng mà chất lượng không có thì rất khó đối với Việt Nam. Chúng ta cần là giá trị gia tăng trong sản phẩm chứ bây giờ gia công thô thì lợi nhuận chẳng được bao nhiêu".

Về phía các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm lực tài chính không đủ để có thể tự chủ trong việc sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Một chính sách, một khu công nghiệp để tạo ra sự chủ động về nguyên phụ liệu cho ngành may mặc là điều mà bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam cho rằng rất cần thiết để tạo ra những bước tiến dài hơi cho ngành công nghiệp này: 

"Chính vì thế mà một chiến lược và cũng như một khu công nghiệp để phục vụ các nguyên phụ liệu cho sản xuất là rất cần thiết để chúng ta cần có chính sách phù hợp. Thứ hai nữa là doanh nghiệp của chúng ta cần phải tham gia các chuỗi liên kết chuỗi liên kết trong nước ngoài nước tham gia các tổ chức xúc tiến thương mại trung gian như Hiệp hội rồi các trung tâm xúc tiến để chúng ta có thể nắm bắt thông tin cũng như cập nhật được đào tạo, tập huấn phục vụ cho nguồn nhân lực mới để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường".

Trước những cơ hội và thách thức như vậy, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng:

"Để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải. Nếu chúng ta không có vải từ Việt Nam thì lợi ích của ngành dệt may Việt Nam sẽ chẳng mang lại gì cho sự phát triển của ngành dệt may trong thời gian tới".

Bước qua một giai đoạn hoạt động cầm chừng do đại dịch, có thể thấy ngành dệt may Việt Nam cần có sự chuẩn bị bài bản, căn cơ từ cả chính sách và nỗ lực của hiệp hội, doanh nghiệp để có thể phục hồi và đón đầu, tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại./.