Chuối khô Trần Hợi vào vụ Tết

Thời điểm này, không khí sản xuất tại làng nghề Trần Hợi đã bắt đầu sôi động. Chuối khô được thương lái thu mua, vận chuyển lên các tỉnh vùng trên bán cho các lò sản xuất bánh, kẹo phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Cà Mau là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn đứng hàng thứ 2 khu vực ĐBSCL với hơn 5.400 hecta, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu tại chỗ đã giúp cho làng nghề ép chuối khô hoạt động thuận lợi suốt mấy chục năm qua và xây dựng được thương hiệu đặc sản.

Trong số các địa bàn hình thành nghề ép chuối khô của Cà Mau, nổi tiếng nhất là xã Trần Hợi với các ấp: 10A, 10B và 10C. Mùa vụ chính của nghề ép chuối bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Đến làng nghề bào lúc này, hàng nghìn lao động đang ép chuối hối hả bất chấp thời tiết mưa dầm kéo dài.

Anh Trần Duy Thanh, chủ cơ sở ép chuối khô tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết, trước đây, người dân sản xuất chuối bằng thủ công nên rất vất vả và phụ thuộc hoàn toàn vào nắng trời. Những năm gần đây, nhờ có lò sấy công suất 350kg chuối ép/mẻ đã giúp cho làng nghề phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm chuối sấy ép ra lò đẹp đều màu, dẻo đều thịt và chất lượng như nhau.

Đặc biệt là cung cấp đủ sản phẩm chuối khô cho các cơ sở sản xuất mứt, kẹo chuối trong và ngoài tỉnh dịp Tết.

Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất được  khoảng 7 tấn sản phẩm, mỗi tuần cung cấp cho khách hàng khoảng 2 tấn với mức giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, đạt doanh thu từ 36 - 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và trả lương cho nhân công, cơ sở lãi khoảng 15 triệu đồng. Riêng 3 tháng cận Tết, cơ sở làm ra khoảng 50 tấn.

“Tôi đầu tư 3 máy, một đợt ra được 12 tấn nguyên liệu. Mình ép phụ thuộc nắng trời thì chỉ bán mấy tháng cuối năm như tháng 10,11,12 thôi. Còn đầu tư máy sấy thì bán được quanh năm và chất lượng sản phẩm tốt lắm. Nhiệt độ sấy lý tưởng nhất là 45 độ”, anh Thanh cho biết.

Sản lượng chuối khô do làng nghề Trần Hợi làm ra khoảng 400 tấn/năm, theo giá cả hiện tại, tổng giá trị sản phẩm tạo ra khoảng 6 tỷ đồng.

Quy trình sản xuất chuối khô bắt đầu từ việc chọn ra những quả chuối tươi chín muồi ngon lành nhất, đem lột bỏ vỏ, phơi nắng một ngày, sau đó cho vào khuôn, ép mỏng. Khuôn được thiết kế hình tròn với đường kính từ 20 đến 30cm.

Mỗi lần ép từ 3 đến 5 trái chuối tùy theo chuối lớn hoặc nhỏ để tạo ra những ếng chuối ép mỏng bằng với vòng tròn của khuôn ép. Ép xong, chuối được xếp đều lên giàn lót bằng bằng lưới hoặc vỉ tre, vỉ trúc để phơi 2 ngày (với điều kiện nắng tốt) mới cho ra sản phẩm bán được.

Hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị sấy, việc sản xuất chuối khô có phần dễ dàng hơn và bảo quản được lâu. Khi sử dụng lò sấy, người làm chỉ mất khoảng 10 tiếng là xong mẻ chuối, rút ngắn hơn nửa thời gian so với phơi nắng, qua đó cung cấp cho thị trường những sản phẩm chuối khô mẫu mã đẹp.

Bà Hồ Kim Hạnh, chủ cơ sở ép chuối khô xã Trần Hợi cho biết: “Có nhãn mác đầy đủ cái mình đưa hàng vô siêu thị và thì mình tiêu thụ rộng rãi, tới tận Hà Nôi đặt hàng nhiều lắm. Có nghề này rồi dân ở đây có việc làm ổn định, khỏi phải ly hương đi làm ăn xa”.

Hiện làng nghề ở Trần Hợi có 2 loại chuối, loại sấy bằng lò có bao bì được bán với giá 40.000 đồng/kg, chuối khô phơi nắng có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg.

Làng nghề chuối khô xã Trần Hợi có khoảng 150 hộ làm nghề ép chuối, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Nếu làm nhanh, đạt sản lượng, mỗi ngày lao động ép chuối sẽ được trả công 150 ngàn đồng. Sản lượng chuối khô do làng nghề làm ra khoảng 400tấn/năm, theo giá cả hiện tại, tổng giá trị sản phẩm tạo ra khoảng 6 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Kiều Tiên, lao động ép chuối tại xã Trần Hợi cho biết: “Vào mấy tháng này thì một ngày tôi ép ví chuối trái ra 15 vĩ chuối khô, một vĩ được trả công 40 nghìn đồng. Trước đây, hết mùa là mình phải chuyển sang nghề khác. Còn từ khi làm nghề ép chuối là lãnh tiền liền, mỗi ngày làm 8 tiếng là trên 200.000 đồng/người”.

Làng nghề chuối khô xã Trần Hợi có khoảng 150 hộ làm nghề ép chuối, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Hiện làng nghề ở Trần Hợi có 2 loại chuối, loại sấy bằng lò có bao bì được bán với giá 40.000 đồng/kg, chuối khô phơi nắng có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg. Từ khi sản phẩm chuối khô Trần Hợi được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền thì mặt hàng nông sản này được nhiều mối lái tìm đến đặt mua để làm bánh kẹo, chủ yếu đến từ Bến Tre, Đồng Tháp, TP.HCM.

Tháng 7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối khô xã Trần Hợi do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu. Thời gian qua, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ các xưởng sản xuất xây dựng thương hiệu chuối khô.

Hiện có một cơ sở có sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đề nghị các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất hiệu quả hơn.