Chú Phát, gần nửa thế kỷ sửa xích lô giữa Sài thành

Gần 50 năm qua, chú Hồ Tấn Phát gắn bó với nghề sửa xích lô, loại phương tiện đang ngày càng vắng bóng ở Sài Gòn. Hiện, với chú việc sửa xích lô không phải vì cơm áo gạo tiền, mà vì niềm vui khi còn được sửa, lắp ráp từng chiếc xe và đặc biệt là cái tình dành cho xích lô.

Gần 50 năm qua, chú Hồ Tấn Phát gắn bó với nghề sửa xích lô, loại phương tiện đang ngày càng vắng bóng ở Sài Gòn. Hiện, với chú việc sửa xích lô không phải vì cơm áo gạo tiền, mà vì niềm vui của bản thân, niềm vui khi còn được sửa, lắp ráp từng chiếc xe và đặc biệt là cái tình dành cho xích lô.

Những năm sau này, người ta tìm đến tiệm sửa xích lô của chú Phát nhưng không phải để sửa, họ đến đặt hàng, đặt làm những chiếc xích lô để trưng bày trong các nhà hàng, khách sạn, các quán cà phê… 

Sài Gòn - TP.HCM, ngày giữa tháng 9, nắng mưa đan xen và dòng người thì vội vã.

Mọi thứ của Sài Gòn cứ thế nhịp nhàng chuyển động, hết tháng đến năm, đến một ngày người ta chợt chạnh lòng tiếc nuối bởi vài điều cũ xưa đã chẳng đủ sức để vẹn nguyên hình hài

Và hôm nay, tôi chọn nhắc về hình ảnh chiếc xích lô giữa phố thị ngày mới, kể về chú Hồ Tấn Phát, người đàn ông tuổi độ 70 với gần 50 năm gắn bó với nghiệp sửa xích lô.

Sau vài bận kiếm tìm tưởng chừng bỏ cuộc, tôi may mắn gặp chú Phát vào một ngày Sài Gòn nắng cháy, trong một con hẻm nhỏ của quận 5. Thời điểm đó, trước mắt tôi là một người đàn ông lớn tuổi, nét mặt phúc hậu, đầu đội nón kết màu vàng, áo ba lỗ, quần thun cũ sờn đang loay hoay, cặm cụi “chữa lành” chiếc xích lô cũ.

Gần 50 năm qua, chú Hồ Tấn Phát gắn bó với nghề sửa xích lô.

Sau vài câu chào hỏi, chú Phát không chút nao núng trải lòng về hành trình đã qua. Chú kể về cách mình đến với nghề sửa xích lô như một duyên phận chẳng thể lắc đầu: "Sau năm 75 tình trạng thất nghiệp nhiều đời sống khó khăn, mình ra vỉa hè kiếm sống, mình ra sửa xe đạp, vá xe, sau này xích lô rộ lên nhiều quá nên mình chuyển qua làm. Thu nhập của nghề sửa xích lô nó thường xuyên hơn sửa xe đạp, vá xe".

Theo lời chú Phát, những năm 80, 90 của thế kỷ trước nghề sửa xích lô rất thịnh. Thời điểm đó xe buýt, xe taxi chưa xuất hiện, người người nhà nhà đều chọn xích lô hay xe lam làm phương tiện vận chuyển, đi lại.

Chú Phát hồi tưởng với ngữ điệu rất hân hoan: "Xích lô đạp là phương tiện gần như thông dụng nhất ở tất cả các bến bãi và chợ, gần như anh em thợ không đủ để cung ứng cho xe hư, 1 ngày gần 2000 xe của. TP.HCM thay nhau hư thì thợ không thể nào đáp ứng được, mỗi điểm thợ đều có 4 5 anh thợ phụ, làm từ sáng đến chiều, thời điểm đó kiếm tiền được nhất".

Mỗi nghề mỗi nghiệp, gắn bó với nghề sửa xích lô từ năm 1978, đến nay tròm trèm cũng hơn bốn lần mười năm, vài ba lần chuyển chỗ, khách lúc đầy lúc vơi nhưng sau cùng, chú Phát vẫn chọn gắn bó với nghề, chú kể về những buồn vui kỷ niệm: "Nói buồn thì ngồi ngoài đường mưa nắng phải chịu, còn cũng nhiều kỷ niệm khó quên, lúc mình mới chuyển nghề học lóm tay nghề chưa thạo việc, vừa học vừa sửa, khách mắn vốn nhưng vẫn vui vẻ đến sửa".

Thời gian trôi, người thợ trầy trật ngày nào nay trở thành người thợ cả lành nghề, nhưng điều gì đến cũng đến, vì những thay đổi của chính sách, thời cuộc, phương tiện xích lô bị thu hồi, người hành nghề chạy xích lô được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nghề của chú theo đó cũng có những chuyển biến theo chiều hướng bất lợi.

Chú Phát bùi ngùi nói: "Ngày hôm nay, bắt đầu xe buýt ra, taxi ra, xe ôm công nghệ ra, anh này coi như thua trắng rồi".

Người với nghề gắn bó lâu ngày cũng sinh tình, chú Phát xem nghề sửa xích lô như một người bạn, một mối nhân duyên chẳng thể tách rời, là chỗ dựa để tạo sinh kế gia đình trong một quãng dài quá khứ, chú kể về nghề mình gắn bó với nhiều sự biết ơn: "Đứa con gái, đứa con trai ra trường có vợ có chồng hết rồi, cũng nhờ nghề này mà nuôi tụi nó ăn học, đây cũng mừng vì mình chọn đúng nghề nghiệp đúng thời điểm".

Chú Phát giờ ở ngưỡng 70, đã trải qua rất nhiều đổi thay của Sài Gòn, kinh qua những thăng trầm thời cuộc, nếm đủ ngọt bùi đắng cay của đời người, từ cái buổi xích lô phủ đầy đường sá, đến ngày phố mới chỉ lác đác vài xe, chú không tiếc vì mình đã bớt việc, chỉ tiếc vì sự dần mất hút của chiếc xích lô, cố gắng mấy cũng chào thua hai chữ “thời gian”:

"Nói chung giờ nếu nghề này vẫn tiếp tục mình cũng không còn sức, dừng cũng được rồi, có điều nghề truyền thống này, thành phố mất hút chiếc xích lô thì mất nét đẹp, bà con quen mắt, không còn cũng tiếc", chú Phát chia sẻ.

TP.HCM năm 2024, tiệm sửa xích lô của chú Phát đã đóng cửa, nhưng không đồng nghĩa người thợ cả ngày nào đã chọn ngơi tay. Trước căn nhà cấp bốn trong con hẻm nhỏ quận 5, chú Phát vẫn ngày ngày cặm cụi, say sưa cùng chiếc xích lô cũ, với hàng hà những linh kiện cấu thành, chú vẫn sẵn sàng ráp một chiếc xích lô hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu của ngày mới, đó có thể là đơn hàng của một công ty du lịch, một vị khách Việt kiều muốn mang chiếc xích lô chất Việt ra ngoài biên giới.

Sau tất cả, chú Hồ Tấn Phát vẫn một lòng với nghề sửa xích lô dù thời cuộc có nhiều đổi khác, chú vẫn đặt hết tâm vào nơi mình muốn giữ, trong ánh mắt của chú, tôi nhìn ra, chưa một lần chú muốn bỏ cuộc trước thời gian.  

SỐNG Ở SÀI GÒN: Buồn – vui chuyện ở trọ

Phần lớn, ai vào. TP.HCM học tập, làm việc, trước khi mua một căn nhà mà chẳng có thời ở trọ. Cứ vậy, bao buồn vui ở “đất khách quê người” cũng bắt đầu, để bỗng chốc căn phòng rộng chừng chục mét vuông thành mái nhà, những con người xa lạ dần trở nên thân thương lạ kỳ. 

Một thập kỷ sống ở. TP.HCM, tôi vẫn luôn nhận mình là 'đứa nhà quê lên tỉnh' và 'ở trọ thành phố' để học cách lớn lên, trưởng thành, để ăn ở với người, với đời… Phố hoa lệ và nhộn nhịp đến đâu thì nhà trọ cũng là một phần không thể thiếu. Những cư dân ở trọ lặng lẽ tô nên những nét vẽ cho bức tranh phố thị thêm phần sinh động, đa chiều…

Còn nhớ cách nay 10 năm trước, tôi - 1 cậu sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố theo đuổi ước mơ con chữ, hành trang mang theo lỉnh kỉnh sách vở, vài bộ quần áo cùng một khoản tiền ba mẹ tích góp được sau 1 vụ mùa. Tôi nâng niu giữ gìn như thể đó là hành trang và là gia tài duy nhất để tôi bước vào đời.

Căn gác trọ nơi tôi chuyển đến nằm cạnh bên khu công nghiệp, nơi đây có rất nhiều anh chị em công nhân sinh sống. Phần vì gần nơi làm việc, phần thì giá rẻ hơn so với những nơi khác. Vài năm trước, con đường bê tông cũ đã được mở rộng, láng nhựa thênh thang.

Vài căn nhà tầng khang trang bắt đầu mọc lên. Nhưng xen lẫn giữa sự mới mẻ đó là đôi ba gian nhà ba gian, cấp 4 đã phủ màu rêu. Rìa khu trọ còn có sự hiện diện bởi dăm ba luống rau cải, rau lang xanh mướt được những bà già chăm chút bên lề đường, trên một khoảng  đất trống mà chủ nhân chưa kịp dựng nhà.

Chủ nhà là 1 cô người Nam Định vào Sài Gòn từ năm 1954. Ngôi nhà cấp 4 được cô chia thành 3 phần: phía trước mặt tiền cô cho người thuê để kinh doanh đồ điện tử; phía giữa là gia đình cô ở; phía cuối là cô cho tôi thuê, kết nối là 1 dãy hành lan dài, bề rộng chừng 2m. Bằng chất giọng ền Bắc ân cần cô hỏi tôi đủ điều, dăn dò tôi đủ thứ khi sống xa nhà.

Bất chợt gặp cảm giác thân thương giữa phố xá ồn ào. Cô nói: cô không lấy tiền cọc trọ như nhiều chủ trọ khác, cũng không có một cam kết ràng buộc ở đi nào trong hợp đồng thuê trọ. Chừng nào ở không thấy vui thì đi. Cọc chỉ thêm trói buộc những niềm vui. Chỉ thế, căn trọ cũ kỹ đủ hấp lực níu chân tôi dừng lại.

Cư dân lao động bám phố, nhọc nhằn nhất là hành trình thuê trọ và cực nhất là gặp những chủ trọ khắt khe với nhiều quy định do họ tự đặt ra: về sau 22 giờ đêm thì ở ngoài cổng; cấm bạn bè đến chơi; người thân ở quê lên phải báo trước, ở lại một đêm cũng phải lên phường khai báo lưu trú… Thật may mắn khi tôi ở thành  phố 10 năm, chưa một lần chuyển trọ. Chắc do duyên với nơi này. Nhưng cũng có người 1 năm phải chuyển trọ tận 2-3 lần.

Đa phần trong số lần rời đi ấy vì lý do khách quan. Vui, buồn xen lẫn. Có chủ trọ, hễ canh đến giờ trưa và tối là lại tuần tra đi “nhận mặt” từng đôi dép, giày trước mỗi cánh cửa phòng trọ. Chỉ cần thấy đôi dép lạ, bất chấp lý lẽ, vị chủ nhân ấy sẽ làm ầm lên, thậm chí cao giọng đuổi khách đi.

Hẳn nhiên, những chủ trọ như thế không nhiều nhưng ấn tượng để lại không mấy tốt đẹp. Cũng có chủ trọ sẵn sàng chia sẻ gói mì tôm, quả trứng gà khi đi làm về muộn. Có người cùng gởi lời chúc đến nơi ở mới vui vẻ và công việc hanh thông khi căn trọ của họ bị thấm dột vào ngày mưa mà chưa thể tìm ra cách khắc phục…

Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó câu chuyện, rằng người ở trọ mới là người sở hữu nhiều cơ hội trải nghiệm nhất. Không chỉ mỗi lần trọ mỗi căn nhà khác nhau mà còn được thưởng thức những món ẩm thực có vị khác biệt ở trên từng khu phố khác nhau.

Trong những giọt mồ hôi nhọc nhằn của ngày chuyển trọ, người ta thường nghĩ đến góc nhìn tích cực ấy để tìm thêm cho mình niềm vui và động lực. Dù đôi khi, người ta vẫn thầm nhủ, hẳn chủ nhân của góc nhìn ấy chưa nếm trải hết vị nhọc nhằn của những cư dân lao động thu nhập thấp.

Thích nghi với nơi ở mới luôn là điều đương nhiên phải trải qua nhưng trước khi rời một nơi trọ nào đó để ra đi, ai trong chúng ta vẫn thường có vài đêm mất ngủ. Cảm xúc phải rời xa một nơi mình từng gắn bó, cho dù mình ở đó bao lâu và chỉ là ở trọ thì vẫn chẳng khác gì phải rời căn nhà yêu thương của mình, bởi nơi góc nhỏ an yên đó, suốt 365 ngày trong một năm mình đã từng cùng đi qua những buồn vui.

Đôi lúc tôi thầm nghĩ, những cuộc rời đi, chuyển trọ của cư dân lao động trong thành phố này dù mang gam màu thực tế của cuộc sống với muôn vàn nỗi lo kinh tế nhưng ít nhiều có chút thú vị. Cuộc sống không tẻ nhạt một phần nhờ những cuộc dịch chuyển đó, những căn trọ cũ đón chủ nhân mới cũng sẽ được trang trí mới mẻ hơn.

TP.HCM vẫn luôn hướng tới sự phát triển, đổi mới. Nhưng thành phố cũng bao dung dành riêng trong lòng mình một góc nhỏ cho cuộc sống nhộn nhịp của cư dân ở trọ. Những năm tháng thanh xuân đời mình, tôi và bao nhiêu cư dân sống ở thành phố phố khác sẽ còn nhiều cuộc dịch chuyển nữa, đến rồi đi, vòng tuần hoàn gặp gỡ rồi chia ly cứ thế lặp lại nhiều lần.

Trong những không gian trọ chật hẹp ấy, cũng như nhiều người, tôi sẽ góp nhặt những niềm vui, coi đó là kỷ niệm khó quên với nơi này. Tôi cũng sẽ lại sẵn sàng cho những cuộc rời đi, cũng có thể là rời khỏi thành phố này để đến 1 nơi khác hoặc đến với một xóm trọ nào đó trong lòng thành phố này, chờ đợi và đón nhận niềm vui, sự an yên trong những góc nhỏ đầy ắp yêu thương và ấm áp tình người.  

TIN YÊU

# Tối 22/9, Công an. TP.HCM cho biết, trong ngày 312 công an các xã, phường, thị trấn trên khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp với Đoàn Thanh niên vận động thanh thiếu niên, người dân tham gia bóc gỡ các quảng cáo bẩn trên các tuyến đường.

Hơn 8.600 người dân bóc gỡ gần 31.000 quảng cáo bẩn. Ảnh: Sài Gòn Online

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024). Các quảng cáo bẩn bị gỡ bỏ bao gồm tín dụng đen, hút hầm cầu, lắp wifi, sửa cửa cuốn dán trái phép trên 300 tuyến đường.

# Số lượng hồ sơ nhà đất hiện nay tại. TP.HCM đã vượt qua con số 9.000 hồ sơ. Số liệu thống kê trước đó từ ngày 1 - 27.8, cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng cộng hơn 8.808 hồ sơ. Trong đó, có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

UBND TP.HCM giao Cục Thuế TP.HCM khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1.8 theo quy định pháp luật tính thu nghĩa vụ tài chính, thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất).

# Mới đây, không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh Tp.Hồ Chí Minh năm 2024 (GRECO 2024) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với các Sở, ngành tổ chức đã chính thức khai mạc tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM.

Đây là một trong những hoạt động nổi bật thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 sẽ diễn ra ngày 25/9. Việc tổ chức GRECO 2024 là một trong những hành động thiết thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội trao đổi, giao lưu với doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế trong việc xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ban tổ chức GRECO 2024, thông tin, GRECO 2024 quy tụ 200 doanh nghiệp với khoảng 300 gian hàng, trưng bày gần 8.000 sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ xanh và các giải pháp phát triển bền vững.