Điều đặc biệt và độc lạ tại ngôi chợ này đó là chỉ tập trung trao đổi, buôn bán đông đúc duy nhất vào sáng chủ nhật những ngày còn lại trong tuần chợ vẫn hoạt động bình thường nhưng rất ít tiểu thương và người mua.
Theo người dân, chợ Vĩnh Thắng còn được gọi với cái tên khác chợ đầu lộ Xáng Cụt. Đến nay chẳng còn ai nhớ được chợ hình thành từ bao giờ và vì sao lại có văn hóa buôn bán thú vị như vậy. Họ chỉ biết rằng, từng có một chợ Vĩnh Thắng rất hoang sơ, cứ thế theo thời gian chợ tồn tại và phát triển cho đến ngày nay:
“Chợ này có từ lâu lắm rồi, ngày xưa đơn sơ lắm, bây giờ mới đông thôi. Vị trí chợ này ngày xưa là một trũng, do bom đạn chiến tranh để lại nhiều hố. Sau này chính quyền quy hoạch rồi bơm cát xây bờ kè như bây giờ. Chứ ngày xưa chợ ở đằng kia, xa lắm mà buôn bán trong mấy ngôi nhà lá đơn giản vậy thôi. Bây giờ thì vui hơn ngày xưa nhiều chứ ngày xưa thì buồn lắm".
Nếp văn hóa họp chợ vào mỗi sáng chủ nhật dần dà ăn sâu vào thói quen của người bán, người mua. Cứ thế đều đặn chủ nhật hàng tuần, từ khi còn tờ mờ sáng, ghe thuyền của những tiểu thương ở các tỉnh lân cận cập bến tấp nập, mang theo hàng hóa và sản vật ền quê để chuẩn bị cho một buổi gặp nhau cuối tuần.
Chợ Vĩnh Thắng chỉ hoạt động từ khoảng 3 giờ đến 8 giờ là tan chợ. Vì thế, để chọn mua những thứ ngon và chất lượng nhất thì cần đến chợ từ lúc trời chưa sáng.
Ông Trần Văn Hiệp một tiểu thương ở Sóc Trăng đến chợ buôn bán cho biết. “Tôi ở Sóc Trăng, ở nhà 3 giờ bắt đầu đi đến chợ là 5 giờ. Buôn bán tới khoảng tầm 8 - 9 giờ là tan chợ. Ở đây một tuần bán một lần thôi, chỉ bán ngày chủ nhật thôi chứ ngày thường vắng không ai bán gì. Tiểu thương tỉnh khác nhiều lắm: Bến Tre, Cà Mau…Giờ là ít rồi đó vào vụ tết là mấy người tỉnh khác đến nhiều lắm.”
Bởi nét độc đáo chỉ bán vào buổi sáng ngày cuối tuần nên nhiều người thường gọi chợ Vĩnh Thắng với tên khác là chợ phiên chủ nhật. Chợ phiên chủ nhật ở xứ Gò Quao độc lạ nức tiếng gần xa với nhiều đặc sản ngon, bổ, rẻ và đặc biệt là các loại khô.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ tại thành phố Rạch Giá, dù cách chợ Vĩnh Thắng khoảng 70km nhưng vẫn thường xuyên tới lui chợ phiên này để tìm mua khô. Bởi theo bà Hạnh thì khô tại đây rẻ và rất chất lượng:
“Lâu lâu chị xuống đây mua một lần. Mua về để dành nhà ăn từ từ. Hồi trước xuống đây là đi nhà bà con, xong có người giới thiệu đi chợ này nên mới biết. Mua khô ở chợ này là ăn từ lần đó tới giờ, mỗi lần hết là chạy xuống đây mua, còn không thì nhờ ba con mua dùm gửi lên Rạch Giá.”
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, một tiểu thương Hậu Giang buôn bán tại chợ gần 20 năm, chợ Vĩnh Thắng nổi tiếng với nhiều loại khô bắt nguồn từ các thương lái ở Sông Đốc, Cà Mau chở ghe đến bán.
Tuy nhiên khoảng gần vài năm trở lại đây, những chuyến ghe từ vùng “đất mũi” đã không còn cập bến chợ phiên xứ Gò. Thay vào đó là những thương lái ở các tỉnh thành khác chở khô đến bán. Dù là thế nhưng cái loại khô vẫn giữ được nguyên chất lượng cùng với giá thành phải chăng khi xưa.
“Chợ này nổi tiếng về khô, thấy người ta đi mua khô là nhiều, khô bày bán dưới hành lang bờ sông đó. Do hồi đó có tàu, còn bây giờ tàu không ghé nữa, giờ còn bạn hàng bán không à. Bạn hàng lấy khô ở Sóc Trăng, Bạc Liêu về bán, chứ đâu còn tàu khô ở Sông Đốc đâu”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Ngoài các loại khô, chợ Vĩnh Thắng còn bày bán đa dạng với nhiều hàng hóa gia dụng như nồi niêu, chén dĩa, thau rổ…cho đến các loại quần áo, vải vóc và đặc biệt là những sản vật được đánh bắt từ tự nhiên mang hương vị đồng quê với giá cả cực kỳ phải chăng.
Bà Lê Thị Sáng một tiểu thương tại chợ cho biết, khu vực hành lang bờ sông là nơi các tiểu thương tỉnh khác đến bày bán, còn phía trong quanh khu vực nhà lồng sẽ chuyên bán những mặt hàng đồng quê được các tiểu thương bản địa đánh bắt đem ra bày bán.
Thoạt nhìn qua sạp hàng của bà Sáng người mua sẽ dễ dàng bị thu hút bởi những con cá, con tôm càng tươi, sống và khó mà từ chối mua. Bà Sáng bộc bạch. “Tôm sông này đặt lú. Tôi cân cho mối 100 ngàn rồi bán cho khách cũng 100 ngàn. Mấy con tôm lớn này chỗ khác người ta bán giá 130 ngàn mà tôi bán thì bán theo giá cân mối không à. Cũng như mấy đồ này mình kiếm được, ông nhà tôi đi kiếm rồi mình cũng bán nới giá chút đỉnh cho dễ bán.”
Theo thời gian, những ai đến với chợ Vĩnh Thắng không chỉ vì nhu cầu mua, bán mà còn là thói quen văn hóa trong nếp sống của những con người nơi đây. Họ đợi chờ, mong ngóng đến ngày cuối tuần để ra chợ gặp gỡ nhau và hít thở bầu không khí nhộn nhịp ở khu chợ này.
Tiếng cười đi cùng tiếng nói trong không gian của khu chợ, cho tôi cảm nhận được sự giản dị và chân thành của những con người hào sản tại nơi đây. Đến 9h, những sạp hàng phía bờ sông dần thưa thớt theo những chuyến thuyền khuất bóng về xa.
Người bán, người mua chào nhau bằng những lời tạm biệt và không quên hứa hẹn cho lần gặp tiếp theo với những chuyến ghe không chỉ có hàng hóa mà còn là nghĩa tình.