Chợ chiều cuối năm

Từ lâu, trong tâm thức của người Việt, chợ Tết đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu mỗi độ Xuân về. Đây luôn là nơi đông đúc, huyên náo nhất vào cuối năm khi người người, nhà nhà đi mua sắm Tết.

Cô Mai Lan, người dân ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhớ như in ký ức về chợ Tết Long Hồ một thời phồn thịnh. Ngày đó, hàng hoá, bánh mứt ở chợ nhiều vô kể, được chở về từ Sài Gòn - Chợ Lớn hoặc mang từ Cần Thơ sang.

Những ngày 28-29 Tết, chợ đông nghịt, người ta phải chen chúc nhau để mua sắm. Chợ bán đến tận khuya, tiểu thương phải luôn tay, luôn chân để kịp bán hàng.

"Tết nhứt làm gì làm phải đi chợ nghen, nhiều khi hồi đó tích cóp cả năm trời để cuối năm mua sắm đó. Nhớ lại thấy bồi hồi quá tại dịp này chợ đông đúc lắm, vui nhất trong năm. Thấy cái gì cũng muốn mua, quần áo mới nè, bánh mứt, bao nhiêu sản vật địa phương là ta nói tề tựu lại hết. Hồi đó nghèo, nhưng mà cũng ráng cho nhà cửa dư dả thì năm mới sung túc chớ".

Ảnh nh họa: Hanoimoi

Dạo ấy, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp chưa có. Tất cả mặt hàng như bánh mứt, hạt dưa, quần áo mới, phong bao lì xì… dùng cho ngày Tết, người ta đều tìm thấy ở chợ chiều cuối năm.

Ồn ả nhất, tấp nập nhất phải kể đến chợ hoa Tết. Chiều 29-30 Tết, xe tải, ba gác máy…. Nối đuôi nhau chất hàng lên xuống. Bà con ai cũng tranh thủ mua hoa về trang hoàng nhà cửa thật bắt mắt, tươm tất.

Nếu như ngày trước, mai vàng, tắc trái, cúc vàng là những loại được ưa chuộng nhất, thì ngày nay, đáp ứng thị hiếu và khả năng kinh tế của người dùng, nhiều nhà vườn đã nghiên cứu, mang đến các loại hoa kiểng độc lạ hơn cho người dân chơi Tết…. 

Nông dân nổi tiếng - Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím ở TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nhận xét: "Năm nay cúc mâm xôi rất hút, sẽ trượt giá lên khoảng 30%... Kế đó là hoa đồng tiền, rồi cúc Đài Loan,.. Đó là những dòng hoa khó mua, do năm nay người nông dân sản xuất rất ít. Năm nay, tui có nghiên cứu cho ra một loại hoa, chưa từng có trên thị trường, tạm gọi là Hoa xác pháo, rất độc đáo, nhìn là mê!"

Mang đặc trưng của ền sông nước, chợ hoa ền Tây xưa nay vẫn vậy, vẫn thường bố trí dọc theo các bờ sông, kinh rạch. Hàng ngàn loại hoa đua nở, khoe sắc thắm sáng rực cả bờ sông Cổ Chiên đáp ứng nhu cầu du xuân, chụp ảnh của người dân và du khách.

Anh Lê Quốc Trường, nhà vườn từ Đồng Tháp mang hoa kiểng đến bán tại chợ hoa Vĩnh Long chia sẻ:

"Năm nào cũng xuống chợ hoa Vĩnh Long bán để giới thiệu mặt hàng hoa mới cho người dân Vĩnh Long biết. Ai cũng thích cái đẹp, du khách tới cũng hướng dẫn cho người ta đi, tránh sao đừng gãy đổ hoa của mình được rồi, cứ chụp hình thoải mái chứ không có gì hết".

Không thể thiếu trong các sạp hàng cuối năm là dưa hấu, dù dưa hấu giờ đây bán quanh năm, nhưng đi chợ Tết để mua một cặp dưa hấu về chưng bàn thờ gia tiên là thói quen cố hữu không thay đổi của người dân.

Hối hả bỏ dưa hấu vào bao cho khách, ông Võ Văn Tân, tiểu thương bán dưa tại chợ Vĩnh Long phấn khởi cho biết:

"Dưa Hắc Long, Mặt trời đỏ, với dưa vàng mật, rồi dưa Mai An Tiêm hồi xưa. Bán nhỏ lẻ cỡ chục tấn à, lẹ lẹ hết hàng, đặng về ăn Tết".

Ảnh nh họa: Hanoimoi

Năm nào cũng vậy, hàng trăm mặt hàng trái cây, nông sản của các tỉnh ền Tây như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… sẽ cập bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM. Dù có nhiều đổi thay nhưng nơi này luôn là nơi có không khí chợ Tết mang nét xưa độc đáo bậc nhất Sài Thành.

Vẫn là những dãy nhà cổ được xây từ thế kỷ XX dù được cải tạo, song người ta vẫn tìm thấy nét đặc trưng của Bến Bình Đông xưa tại đây. Nổi danh với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, người dân đến chợ Bình Đông mà neo đậu, mua bán đa dạng từ thực phẩm cây kiểng cho đến hoa xuân.

Giữ thói quen như mấy chục năm qua, cô Ngọc Mai, người dân quận 8 cho biết dù bận rộn đến mấy cũng tranh thủ đi chợ cuối năm, không chỉ là mua sắm mà còn để gặp gỡ người thân, bạn bè, cùng tận hưởng không khí Tết đến, xuân về.

"Giờ cái gì cũng hiện đại, đặc biệt là sau đại dịch đó, cô thấy người ta đặt mua hoa, kiểng online giá rẻ hơn, ít có chịu chen chúc chỗ đông người. Với kinh tế khó khăn, người ta tiết kiệm mà! Nhưng bản thân Cô, Cô vẫn chen ra Bến này đặng mua bông, vừa có không khí Tết, vừa ủng hộ nông dân trồng hoa".

Nếu như hai năm đại dịch, chợ Tết có vẻ đìu hiu, trầm lắng thì nay, cái rộn ràng, náo nức vốn có đã trở lại, cho thấy sự phục hồi về kinh tế, nhịp sống bình thường mới đầy kì vọng.

Dẫu thời gian có trôi bao lâu, chợ Tết xưa và nay có biến chuyển thế nào thì vẫn là nơi chứa đựng những giá trị văn hoá bất biến, nơi mỗi người tận hưởng một khoảng thời gian đặc biệt và gửi gắm bao ước mơ, hi vọng về một năm mới đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn.