Xóm làng gọi ông với cái tên thân thương là Chà Cụt và quý mến, ngưỡng mộ ông ở tinh thần dám nghĩ dám làm. Một chân chống nạn, vậy mà Chà cụt đã lần lượt rửa phèn những mảnh ruộng xứ mình để làm kinh tế thu nhập 300 triệu/năm.
Nguyễn Phích là xã đặc biệt khó khăn của vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỷ lệ hộ nghèo hơn 8,3%... đây là những thông tin đầu tiên về địa phương ở Đất Mũi mà ông Hồ Minh Quyền - Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 10 vừa cung cấp cho chúng tôi.
Ông Quyền nói, ở cái vùng nằm giữa sông Trẹm và sông Cái Tàu này vẫn là nơi báo động về tình trạng xâm nhập mặn, làm nông nghiệp thì bị tràn, ngập úng. Cho nên, để sống được ở Nguyễn Phích thì ngoài chọn được mô hình, còn cần thêm cả tư liệu sản xuất, sinh kế và cần cả những tấm gương đi đầu.
Và ở đây, nhiều người xem ông Chà Cụt là một tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo: “Vùng đất này nhiễm phèn nặng từ xưa đến nay nên rất khó canh tác, sau này để trồng được cây, ông Chà đã phải cố gắng rất nhiều mới được. Như việc làm cỏ, làm đất rất cần sự siêng năng, nên ngày nào ông Chà cũng lo làm cỏ rác, vườn tược cây trồng mới được như ngày hôm nay. Ông Chà cũng chấp hành tốt hết các quy định, hoạt động trong Hội Cựu chiến binh cũng nhiệt tình”.
Nói về cuộc đời mình, vị thương binh hạng 2/4 kể mạch lạc. Ông Nguyễn Văn Chà đi bộ đội, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia từ năm 1985, thuộc lực lượng Công binh của Sư Đoàn 330. Đến năm 1987, trong một lần hành quân ông, Chà không may đạp trúng mìn mất đi 1 chân và nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Sau gần 3 năm điều trị ông trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật gần 80%. Thời điểm này, ông Chà gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dưới sự vun đắp của nhiều người, ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Hương.
Gia đình ông Chà ở huyện Cái Nước ít đất sản xuất, nên vợ chồng ông qua vùng rừng U Minh khai hoang, lập nghiệp. Ông được Nhà nước cấp khoảng 7 hecta đất tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Đất rừng ngày ấy hoang hóa, cuộc sống rất cơ cực.
“Thời đó cả nước còn nghèo khổ, thương binh không được hưởng chế độ như bây giờ. Sau gần 3 năm trời ở trong trại điều dưỡng, rồi về Sở Thương binh nằm, lãnh lương của bộ đội hồi đó chỉ mười mấy nghìn đồng, cuộc sống sinh hoạt sau khi giải ngũ cực kỳ khó khăn.
Ngày đó vợ chồng tôi đi phát mướn, cấy mướn, hái đọt chọai, đốn sậy mướn nói chung là làm mướn đủ thứ để kiếm tiền. Tối tối 2 vợ chồng đi giăng câu, bắt cá, hết việc thuê mướn lại làm lúa, cưa củi bán mua gạo ăn. Muốn bán củi phải chèo xuồng qua bên thị trấn Thới Bình bán, bán ở đây không ai mua”, ông Chà chia sẻ.
Ban đầu, ông Chà cùng vợ đào từng gốc cây, ban từng gò đất, lấp các lung trũng để có đất trồng lúa. Sau đó, tiếp tục đào đắp diện tích đất còn lại trồng rừng. Với quyết tâm của vợ chồng người thương binh, mảnh đất phèn dần được “thuần hóa”, cho thu nhập ngày càng cao. Gia đình ông hiện có khoảng 5 hecta đất trồng keo lai và tràm tươi tốt, tận dụng bờ bao chung quanh, ông trồng chuối. Ông Chà Cụt còn tìm tòi học hỏi mô hình trồng măng quanh nhà để có thêm thu nhập.
Ngoài ra, vợ ông còn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ giúp gia đình kiếm đồng ra đồng vào. Cũng nhờ đó, mỗi năm gia đình ông Chà có nguồn thu hàng trăm triệu, kinh tế ngày càng vững vàng. Nhìn người đàn ông cụt 1 chân hăng say lao động khiến xóm giềng không khỏi nể phục.
Ông Nguyễn Văn Chà vui vẻ khoe: “Hai bờ chuối mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Trồng chuối không bỏ đi thứ gì, lá chuối, bắp chuối đều bán được. Gia đình kết hợp trồng chuối với làm ruộng, trồng tràm,…mỗi năm cũng có nguồn thu cỡ 300 triệu đồng”.
Từ một gia đình nghèo khó, đến nay, hộ ông Nguyễn Văn Chà đã vươn lên thuộc diện khá giàu. Một chân chống nạng nhưng ngày vẫn đi tỉa lá chuối, làm cỏ, thu hoạch măng. Với những nỗ lực của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, tham gia tốt các phong trào ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chà đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen và bằng khen.
Năm 2022, ông Chà được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen vì có thành tích là người có công tiêu biểu, điển hình trong học tập, lao động sản xuất, vượt khó vươn lên trong cuộc sống giai đoạn 2017 -2022.
Đặc biệt, vào tháng 7/2024, ông vinh dự là một trong bốn người có công của tỉnh Cà Mau được chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự ghi nhận, biểu dương tấm gương tiêu biểu của người thương binh “tàn nhưng không phế” vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Những tấm gương như ông Chà đã và đang ngày đêm làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước. Trong ông lúc nào cũng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất người quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.