"Chả biết đây là công viên hay là cái gì..."

Nằm ở trung tâm thành phố, vị trí đắc địa giữa hai hồ như công viên Thống Nhất, là một trường hợp hiếm có. Sự đặc biệt của công viên này thể hiện ở hai thứ: Công viên bị chắn kín mít bởi hàng rào thép; Có người vào bị thu vé, người thì không.

Người đi bộ nghĩ gì về cách mà công viên đang hoạt động? PV VOV Giao thông trò chuyện với bác Trần Văn Hùng, một cư dân ở phố Vân Hồ 3, quận Hai Bà Trưng.

 

Toàn bộ chu vi công viên Thống Nhất bị chắn kín mít bởi hàng rào thép, bụi cây.

Cháu chào bác, không biết là bác có thường xuyên vào công viên Thống Nhất không?

Ngày nào tôi cũng đi hai lần, buổi sáng và buổi chiều.

Mục đích của bác khi vào đây là gì ạ?

Tôi đi tập thể dục thôi.

Bác có nhận thấy, hiện nay, việc ra vào cổng có lúc thu tiền, lúc thì không thu. Như bác đi tập thì không, còn người khác vào tham quan, khách du lịch ở tỉnh khác đến thì lại thu?

Tôi vào cửa tự do nên chẳng có khúc mắc gì. Nếu hỏi thì nên hỏi những người thu tiền ở đây.

Vậy nếu Hà Nội thực hiện mô hình công viên mở cửa tự do, bỏ hết hàng rào, bác thấy thế nào?

Theo tôi, nếu làm được thế thì quá chuẩn. Tại vì, kinh tế ở đây vẫn là lặt vặt, cò con, nuôi cán bộ hoặc gì đó. Rào thế này nó mất cảnh quan, trông tù túng quá. Mà chả có gì tầm cỡ cả, giờ phải hỏi xem rào để bảo vệ cái gì, hay cho nó đẹp. Phải xác định xem cái cổng này để làm gì, là kiến trúc hay công năng, hay là xây bất cứ cái gì cũng phải có bờ tường? Nếu sau này, làm gì công ích, vì cộng đồng thì nên dỡ bỏ đi cho đỡ vướng mắc.

Vậy là bác hoan nghênh việc này?

Làm được thì rất tốt. Hỏi tôi thì thực ra cũng rất may là tôi có 14 năm sinh sống bên châu Âu, tôi biết rõ nhiều công viên.

Vậy bên nước ngoài, họ làm công viên ra sao?

Họ làm cũng hệt như mình, nhưng không bao giờ họ rào lại, mà mở tự do. Vào đấy không phải mua vé, anh thích dịch vụ nào riêng như cưỡi ngựa, bắn súng, ăn uống, tàu lượn thì anh trả tiền riêng. Chứ còn vào cổng mua vé, người ta sẽ cảm thấy gợn gợn.

Đó là một rào cản đúng không ạ?

Đúng rồi, ví dụ có khách ở TP.HCM, Cao Bằng, Lạng Sơn ra chơi cũng phải mua vé. Mua có 4.000 đồng/người. Chẳng đáng, mua làm gì, xấu hổ ra. Nhiều người sẽ hỏi sao không thu hẳn 40.000 đi.

Phải nói thật là nó rất tủn mủn, mình nên thống nhất, một là thu hẳn cao lên, hai là tốt nhất là không thu. Vả lại, đây là cái nơi rèn luyện, nếu để công viên có dịch vụ kinh doanh, tham quan tầm cỡ thì hãy thu, chứ trong này chẳng có gì mà tham quan, không có di tích lịch sử.

Trong này quả là cũng không có công trình nào đặc biệt.

Có gì đâu mà tham quan. Ông thu tiền đi bộ à. Những người ở đây như tôi thì vào chỉ đi tập. Chứ còn sinh viên ví dụ nó lẫn lộn mặc quần short các thứ, có đứa lại bị thu. Sinh viên nghèo thì thu làm gì.

Bác tâm huyết với vấn đề này quá!

Không phải, tôi chỉ nói về thực trạng trong xã hội thôi. Mình nên mở cửa, còn kinh doanh phải ra kinh doanh. Ví dụ cái nhà thuyền này bây giờ họ mở dịch vụ giờ vào thoải mái, dịch vụ xứng đáng thì họ trả tiền.

Anh để ý ở đây, nếu cứ để cây, rào như thế này, người đi qua còn chả biết đây là công viên hay là cái gì. Để tự do, có người ra người vào í ới, nó vui hơn chứ.

Cháu cảm ơn bác!

Trải qua hơn 60 năm hoạt động, công viên Thống Nhất đã và đang xuống cấp nhiều hạng mục như cổng, rào, đường nội bộ, ghế đá, nhà chờ, khu vui chơi cho trẻ em. Cùng với chủ trương cải tạo, nâng cấp, công viên rộng 50 héc-ta này được chính quyền Hà Nội dự kiến sẽ chuyển mô hình từ công viên kín sang công viên mở. Hàng rào bao quanh công viên nằm trên 4 tuyến phố sẽ được dỡ bỏ.

Người dân sẽ vào cửa tự do, người đi đường được ngắm cảnh quan xanh mát mà không bị vướng tầm mắt, bên cạnh đó, các khu vực bên trong công viên cũng sẽ thoáng đãng, sạch đẹp và tránh hiện tượng phát sinh tệ nạn tại những góc khuất.

Những người đi bộ như bác Hùng đang mong mỏi từng ngày công viên Thống Nhất mở cửa tự do, trở thành nơi sinh hoạt, giải trí cộng đồng hấp dẫn và an toàn hơn nữa.