Cầu bộ hành bị lãng quên, thành tụ điểm ăn chơi xả rác

Dù được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân Thủ đô nhưng do nhiều yếu tố khác nhau những cây cầu vượt bộ hành đang dần bị “ngó lơ”.

Trước cổng Bệnh viện K Tân Triều, mặc dù cách cầu bộ hành không xa, nhưng nhiều người vẫn chọn cách luồn lách qua dòng phương tiện để băng qua đường 

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 70 cầu vượt đi bộ được đầu tư, khai thác ở các nút giao cắt và khu vực gần bệnh viện, trường học, nơi có mật độ giao thông đông đúc nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào sử dụng lại không nhận được sự quan tâm của người dân như kỳ vọng, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thời gian qua các công trình này không được phát huy hết công dụng vốn có.

Theo ghi nhận của PV tại nhiều khu vực có đặt cầu bộ hành vẫn xảy ra tình trạng người dân đang “ngó lơ” sự tồn tại của cây cầu này để vô tư di chuyển dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngay trước cổng bệnh viện K, dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó không xa nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vẫn đi bộ sang đường

Trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (đường Cầu Bươu, huyện Thanh Trì), chưa đầy 15 phút, dễ dàng bắt gặp hàng trăm trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vô tư băng qua đường ngay giữa dòng xe cộ, bất chấp hiểm nguy có thể ập tới.

Dù cầu bộ hành được xây dựng cách đó không xa nhưng tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bất chấp nguy hiểm băng qua đường diễn ra thường xuyên. Chị Ngọc Hoa (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho rằng: “Đi lên cầu thang bộ xa và lâu hơn nên đi luôn dưới đường như vậy cho nhanh”.

Tình trạng người đi bộ "ngang nhiên" sang đường giữa dòng xe cộ tấp nập diễn ra phổ biến
---

Người dân đi bộ sang đường mặc cho cho các phương tiện khác đang di chuyển với tốc độ cao dẫn đến xung đột giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Ngô Văn Hữu (Phủ Lý, Hà Nam) - bệnh nhân tại bệnh viện K chia sẻ: "Cầu này rất thuận tiện cho người đi bộ, tôi vừa có thể vận động một chút mà lại đảm bảo an toàn cho cả người già cũng như bệnh nhân. Chứ dưới đường rất nhiều xe tải to, vào giờ tan tầm thì đông lắm tôi không thể vẫy tay xin sang đường được”.

Giữa buổi trưa hè, cầu vượt này còn trở thành nơi nghỉ ngơi tránh cái nắng của người bệnh và người nhà bệnh nhân
---
Người ở trên "ngắm" người ở dưới đi bộ qua đường
Chân cầu vượt thì trở thành nơi vứt rác, chủ cửa hàng ăn thì tận dụng làm nơi rửa bát đũa.
Cầu vượt trên đường Hoàng Quốc Việt, có người thấy đường vắng liền chạy nhanh qua đường

Mặt khác, thời gian gần đây cây cầu vượt đi bộ tại nút giao Mai Dịch (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) và cầu vượt trước cổng Học viện An Ninh (đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội)  đang dần biến thành tụ điểm vui chơi về đêm của nhiều bạn trẻ.

Vào mỗi buổi tối, hai cây cầu vượt này lại xuất hiện đám đông tấp nập đến tụ tập. Không gian của cầu bị tận dụng cho các hoạt động vui chơi, ca hát và thậm chí cả ăn uống.

Khu vực này tập trung nhiều trường đại học như Đại học Quốc gia, Thương mại, Sư phạm, Học viện Báo chí và tuyên truyền… Bạn Minh Thư (sinh viên trường ĐH Thương mại) chia sẻ: “Buổi tối mình thường lên cầu ngồi chơi cùng bạn bè hóng gió và ngắm xe cộ qua lại. Sinh viên như chúng mình thì lên đây là lựa chọn tiết kiệm nhất so với quán cafe hay rạp chiếu phim”.

Các đám đông này ngồi lê lết trên cầu, chiếm dụng cả lối đi, khiến cho việc di chuyển của  những người đi bộ gặp nhiều khó khăn. Chị Dung (người dân sinh sống trên đường Hồ Tùng Mậu) bức xúc chia sẻ: “Đi thể dục tôi rất ngại qua cây cầu này. Các bạn thanh niên thường xuyên tụ tập ăn uống, đánh bài, hát hò, thậm chí còn tổ chức sinh nhật,...không còn lối cho người đi bộ. Nhiều hôm nhìn lên cầu thấy đông quá nên tôi đi dưới đường luôn”.

Đây được xem là điểm hóng gió và ngắm thành phố về đêm quen thuộc của rất nhiều bạn trẻ và đôi khi còn rơi vào tình trạng “hết chỗ” để ngồi
Nhiều người xem nơi đây thành địa điểm ăn uống, đàn hát, tất cả vô tư ngồi kín mặt cầu, gây mất trật tự ảnh hưởng đi lại của người dân
Sự xuất hiện của quá đông các bạn trẻ khiến “những vị khách chân chính” của cây cầu có phần e dè khi có nhu cầu sang đường

Người dân gần cầu đi bộ cho biết những nhóm thanh thiếu niên này tụ tập đông người có khi từ lúc chập tối đến 3 - 4h sáng. Tiếng ồn từ các hoạt động ca hát, nói chuyện ầm ĩ kéo dài cả đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống, an ninh trật tự của khu vực xung quanh.

Biển cấm được treo trên cầu nhưng các bạn trẻ dường như mặc kệ, vẫn ăn uống tụ tập từ chập tối tới đêm.
---
Rác thải từ đồ ăn, thức uống bị vứt bừa bãi khắp nơi, từ trên cầu đến khu vực dưới chân cầu. Những hộp xốp, lon nước, túi ni lông, và các loại rác thải khác xuất hiện ngày một nhiều, khiến cho cầu vượt cho người đi bộ từ chỗ sạch đẹp, khang trang trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu, mất mỹ quan đô thị.

Trước thực trạng trên, ngoài tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh của người đi bộ, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt những hành vi vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Có như vậy, cầu vượt bộ hành mới thực sự được sử dụng đúng mục đích, đúng chức năng.