Càng về cuối năm càng lo xe quá tải!

Càng về cuối năm, nỗi lo xe chở quá tải trọng lại gia tăng. Tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải còn diễn biến phức tạp, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT,…

Mới đây, tại Đồng Tháp, xe chở gạo 27 tấn làm sập cầu Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vốn chỉ cho phép xe có tải trọng không quá 5 tấn lưu thông.

Vụ việc một lần nữa cho thấy, cuộc chiến với xe quá tải vẫn chưa thể đến hồi kết nếu không có sự chung tay, ý thức từ phía người lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Từ giữa năm 2022, lực lượng chức năng trên toàn quốc bắt đầu bước vào đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải có thể nói là quyết liệt nhất từ trước tới nay.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an tổ chức vào chiều 24/10 vừa qua cho thấy, qua 03 tháng thực hiện cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó, xử lý 47.224 trường hợp vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ; xử lý 112.337 trường hợp vi phạm về tốc độ trên đường bộ…

Bên cạnh đó, lực lượng công an còn vận động hơn 25.000 doanh nghiệp, 2.030 nhà máy, 5.545 chủ bến bãi, 3.792 xưởng cơ khí sữa chữa ô tô, 190.489 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế… 

 

Ảnh; danviet.vn

Dù vi phạm được xử lý nghiêm, làm răn đe phòng ngừa chung, thế nhưng vì nhiều lý do, thời gian gần đây, khi thời điểm cuối năm cận kề, tình trạng xe quá tải lại có dấu hiệu tái diễn. Điều này, không chỉ làm các tuyến đường xuống cấp nhanh chóng mà để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các công trình xây dựng, đôi khi là cả tính mạnh người đi đường.

Vụ xe chở gạo quá tải gây sập cầu kênh Xẻo Quít, tại tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra cách đây một tuần là hồi chuông cảnh báo về tình trạng xem thường pháp luật. Thông tin ban đầu, rạng sáng nay 2-11, tài xế Trần Minh Tuấn (31 tuổi) lái xe tải biển số Tiền Giang chở gần 30 tấn gạo và hàng hóa lưu thông qua cầu Xẻo Quýt trọng tải 5 tấn, dài 28m, rộng 3,3m, bắc qua kênh Nhất ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khiến cây cầu bị gãy.

Vụ việc này, khiến nhiều người, bức xúc...

- Nếu lưu thông trên đường quá tải vậy thì nguy hiểm cho mình và mọi người xung quanh. Cầu nông thôn hiện tại khoảng 8 tấn, mấy đường tỉnh anh đi giờ khoảng 8 tấn thôi.

- Công tác tuần tra không tốt, xử lý của mình cũng không có nghiêm nữa, chung chi thì bỏ qua, nếu muốn xử lý dễ ẹc hà, tại vì khung xử lý của mình nhẹ quá, cầu khu vực nông thôn thực tế câu chuyện nó lại diễn ra khác vậy nè bán tải trọng vẫn có người ta thừa biết câu cầu đó quá không được nhưng  kiểu ỉ y, lỡ vô rồi nên đi luôn.

Thực tế còn rất nhiều phương tiện chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, phản ánh, nguyên nhân do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trên tuyến này có khoảng 10 cây cầu, tải trọng khoảng 5 tấn. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh có hướng đầu tư, thay thế vì hệ thống cầu nay cũng lâu rồi, 20 năm rồi….

Duy trì và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của tỉnh Đồng Tháp, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Tỉnh khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng.

Tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình, để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thùng xe, làm cơ sở để lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; tổng hợp các xe có kích thước thùng xe vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam, để xử lý theo quy định.

Nói về giải pháp xử lý xe quá tải chạy ở các cầu nông thôn, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Cầu nông thôn mặc dù có kiểm tra tải trọng và cấm bảng hết nhưng nếu người lái xe không có ý thức như vậy thì phải xử lý nghiêm làm răn đe, sắp tới thì những cầu nào yếu thì khuyến cáo những địa phương có giải pháp về kỹ thuật, ví dụ khung cổng cầu để các phương tiện nào vừa đủ khổ thì đi. Quan trọng nhất là ý thức của người tài xế, về pháp luật tăng cường mức độ xử lý phạt, hành vi cố tình làm ảnh hưởng tới công trình giao thông…

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, việc chở quá khổ, quá tải là một vấn nạn trong vận tải hàng hóa, đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa khắc phục được: Để lại hệ lụy rất nghiêm trọng, đặc biệt là mất an toàn giao thông. Việc cơi nới xe cao lên làm trọng tâm thay đổi nên rất dễ bị lật gây tai nạn, có thể đè lên các xe khác đang lưu thông. Cùng với đó, hệ thống phanh, lái bị hạn chế, thậm chí mất tác dụng. Tải trọng lớn đè lên các trục khiến đường giao thông dễ bị phá nát…

Còn theo ông Nguyễn Mai Bộ, Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thì cho rằng: "Lâu nay chúng ta vẫn để cho những xe hoán cải đó được đăng kiểm, có nghĩa là cho người ta một cái chìa khóa ra đường, buông lỏng quản lý trong việc đó, thậm chí là có tiêu cực. Đây là lỗi của ngành đăng kiểm, lỗi của thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông, đây là câu chuyện thực thi pháp luật. Phải đăng kiểm, cho trở lại nguyên trạng như thiết kế ban đầu của xe đấy".

Nhằm siết chặt quản lý tải trọng xe thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục rà soát hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, có phương án sửa chữa, khắc phục nếu hư hỏng; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động song song với việc sử dụng cân xách tay.

Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, TTGT, các Sở, ngành, UBND cấp huyện để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp...; Lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.

 

ảnh: thanhnien.vn

Nỗi lo xe quá tải ngày cuối năm

Có thể nói, vấn nạn xe vượt tải trọng đang trở nên nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy, không chỉ gây xuống cấp nhiều con đường mà việc mà làm hư hại nhiều công trình giao thông, đe dọa đến tính mạnh người tham gia giao thông.

Bởi qua phản ánh của nhiều báo, đài cho thấy, một số chủ xe đi đăng kiểm xong về nhà lắp ghép, cơi nới thùng xe. Vì vậy, vấn đề là cần xử phạt nặng, nghiêm. Vượt tải đến mức độ nào đó phải tịch thu xe thì người lái xe và đơn vị vận tải mới không dám vi phạm.

Thực tế cho thấy, sau thời gian “mạnh tay” xử lý của lực lượng CSGT, tình trạng xe ôtô cơi nới thành, thùng xe để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng có giảm, nhưng vẫn còn tái diễn. Do vậy, ngoài thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mạnh thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là ý thức lái xe.

Nhiều chuyên gia cho rằng, “cuộc chiến” với xe quá khổ, quá tải là một chặng đường rất dài và gian khổ. Nếu chỉ có riêng lực lượng Công an, Thanh tra GTVT sẽ không đủ để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Trong khi đó, người dân lại chưa được thấy nhiều nỗ lực của chính quyền các địa phương trong quản lý doanh nghiệp vận tải, bến bãi vật liệu, công trình xây dựng.

Thực tế thì chính quyền địa phương có đầy đủ lực lượng, chế tài để quản lý và nâng cao hiệu quả ngăn chặn xe quá khổ, quá tải từ trước khi lăn bánh ra đường. Nhưng công tác này ở nhiều nơi dường như vẫn bị bỏ ngỏ…

Trước hàng loạt sai phạm gần đây của đăng kiểm viên và các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiều công văn chấn chỉnh, chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm tại các địa phương thực hiện nghiêm việc đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện. Thực hiện việc kiểm định đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận cho những phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông.

Điều quan trọng là, duy trì các đợt điểm xử lý vi phạm về xe cơi nới thùng, chở quá tải và xử lý đến nơi tình trạng bảo kê, bao che để xe nạn xe quá tải được giải quyết, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, và các tuyến đường không phải sửa trước, phía sau lại xuống cấp…