Cần tiếp tục 'gỡ khó' cho vận tải thủy

Nhiều tháng qua, các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa lại vướng phải những rào cản về thủ tục đi lại giữa các địa phương, mỗi nơi mỗi quy định khác nhau

“Hồi trước chị chạy (chở) xi- măng, sau này chị mới chạy bột cá ở ngoài Hà Nội chở vô. Bắt mình test, bao nhiêu người thì phải test hết bấy nhiêu người. Không test thì không cho qua. Cái đó thì mình cũng đồng ý. Mình muốn test mẫu gộp cho đỡ tốn chi phí vì như xà lan chị đi 5 người là tốn hết 1 triệu mấy, mình chịu hết. Mà chạy hết 24 tiếng, đi chỗ khác là phải test nữa rồi, thêm 1 triệu mấy nữ, làm hoài luôn”, chị Trình Thị Ngọc Kiều – thuyền trưởng đã có gần 30 năm kinh nghiệm ở Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết.

Sau 2 tháng xà lan phải tạm ngưng hoạt động thì nay chị Kiều tiếp tục bôn ba cùng sóng nước. Chị cho biết cách đây 2 tháng, chị quyết định tạm neo bến vì chi phí xét nghiệm trong quá trình di chuyển giữa các địa phương quá cao, nhưng nếu tiếp tục nghỉ ở nhà thì lại không có thu nhập trang trải chi phí.

Chị Kiều không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khi tham gia hoạt động vận tải thủy trong những ngày này. Anh Trần Thiện – Quản lý mảng kho vận của Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Mỹ Hòa, một công ty chuyên cung cứng và vận chuyển vật liệu xây dựng ở tỉnh Kiên Giang cho biết: Công ty của anh có 40 phương tiện với năng lực vận tải hàng tháng trung bình từ khoảng 35 ngàn đến 40 ngàn tấn, nhưng từ khi dịch dịch bệnh bùng phát đến nay, số lượng phương tiện hoạt động đã giảm khoảng 40%. Để chia sẻ gánh nặng với anh em thuyền viên vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc, công ty đã thỏa thuận chi trả 70% trên tổng chi phí xét nghiệm. Dù vậy vẫn có không ít thuyền viên đã xin tạm nghỉ vì lo ngại về vấn đề sức khỏe. 

“Test nhiều lần quá thì thứ nhất là họ thấy ảnh hưởng, thứ 2 họ cũng sợ nên thời gian đầu nếu mình được 60% phương tiện di chuyển thì sau đó khoảng 1 tháng thôi, một số anh em đã xin ngừng chạy để đảm bảo sức khỏe. Nếu tình hình này cứ tiếp tục thì việc duy trì hoạt động của hệ thống phương tiện bên đây chắc sẽ bị ảnh hưởng, nó không còn được 60% nữa mà sẽ giảm xuống chừng 40% hoặc 30%, là mức tệ nhất’, anh Trần Thiện lo lắng.

Thực tế khi áp dụng giãn cách xã hội, các địa phương đã thiết lập các chốt chặn ở cả đường bộ lẫn đường thủy nội địa để kiểm soát chặt người ra, vào địa phương; qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nếu có tình huống phát sinh. 

Tuy nhiên chính điều này cũng đã tạo ra không ít rào cản với các doanh nghiệp vận tải. Với đặc thù của vận tải đường thủy nội địa, nhiều chuyến hàng từ khi rời cảng xuất phát đến khi cập cảng, thời gian phải dài hơn 3 ngày, trong khi theo quy định, thuyền viên phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có hiệu lực trong 72 giờ. 

Chính vì vậy, nhiều thuyền viên có giấy xét nghiệm nhưng không được công nhận vì đã quá hạn. Để đáp ứng yêu cầu của địa phương, lực lượng này phải chủ động lên bờ, tìm thuê phương tiện di chuyển một quãng đường rất xa để đến nơi xét nghiệm, điều này lại làm phát sinh thêm chi phí và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. 

Đáng chú ý, ở một số nơi, thời gian qua cũng chưa  có cơ sở xét nghiệm dịch vụ cho thuyền viên. Nói về những bất cập trong quy định giấy xét nghiệm COVID-19, anh Thiện thẳng thắn kể về những bất cập mà doanh nghiệp mình đã gặp phải: "Thông thường thì hàng sẽ nhận ở trong Kiên Lương (Kiên Giang). Trong đó thuyền viên đã được test rồi. Khi đi ra các chốt của An Giang, chốt gần nhất là Tri Tôn, thì mất tầm 4 – 5 tiếng thôi nhưng lại phải test lại lần nữa. Chi phí sẽ tăng thêm lần nữa. Ra khỏi An Giang, mình giao hàng chẳng hạn như Đồng Tháp hay cánh Long An đi thì khi về tới An Giang, mình lại phải test nữa. Chi phí rất cao".

 

Cùng chung cảnh ngộ, anh Dương Phú Khải- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khai Thiên Tân chuyên phân phối xi-măng khu vực ĐBSCL, nhiều tháng nay cũng lao đao vì phải liên tục cập nhật quy định vận tải đường thủy nội địa của các các địa phương vì mỗi nơi lại có những quy định riêng, điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng vì vướng phải quy định “mỗi nơi mỗi khác”, cách đây không lâu tàu của anh phải chạy liên tiếp từ huyện này sang huyện khác gần 1 tháng ròng mà vẫn không thể tìm được nơi giao hàng. 

Anh Khải bức xúc: “Các địa phương mang nặng yếu tố chấp hành mệnh lệnh hành chính, sợ trách nhiệm, sợ kỷ luật chứ không quan tâm đến ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp. 

Mỗi một tỉnh làm một kiểu, trong tỉnh, mỗi huyện làm một kiểu, trong huyện, mỗi xã làm một kiểu. Như anh phải xử lý thông tin, ĐBSCL có 13 tỉnh, trong đó có hàng trăm huyện, mình phải xử lý thông tin, cập nhật đến địa bàn nào phải theo phép của địa bàn đó thì mới làm việc được. 

Hầu như anh phải đọc quy định của các địa phương cả ngày lẫn đêm để biết đường mà xử lý cho nên rất nhiều khó khăn”.
Anh Khải cho biết thêm, đến nay, đại dịch đã khiến cho doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng, từ 70% - 80%. Các định phí không thay đổi thậm chí công ty còn phải chi thêm cho việc xét nghiệm COVID-19. Có giai đoạn khoảng 1 tháng từ giữa tháng 8 đến ngày 15/9, mọi hoạt động của Công ty gần như đã đóng băng. Dù không thu được lợi nhuận nhưng doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo trả lương cho thuyền viên, người lao động. 

Để tháo gỡ những “vướng mắc” trên, anh Khải đề xuất: Toàn quốc nên thống nhất một phương án trong giao tiếp làm ăn cũng như trong giao tiếp sinh hoạt. Cái đó thì Thủ tướng có thể quy định cho tất cả các tỉnh để người ta áp dụng theo, phải thống nhất từ trên xuống dưới. Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Anh nói cái phí quản lý đường bộ nè, các thuế phí của Nhà nước cũng phải xét lại, suốt 4 – 5 tháng không hoạt động thì phải được ễn những cái đó. Về thuế, nhà nước cũng cần hỗ trợ. Có nghe Chính phủ nói sẽ hỗ trợ nhưng hỗ trợ như thế nào? Các ngân hàng cũng có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sống thì kinh tế mới hoạt động được. 

Là nơi tiếp nhận, lắng nghe ý kiến và đồng hành vì quyền lợi các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải thủy, Hiệp hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên vì khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, đây sẽ là lực lượng quan trọng góp phần khôi phục, phát triển kinh tế. 

Ông Đặng Xuân Hy – Thư ký Hiệp hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam nêu quan điểm: ‘Bây giờ các đơn vị phía Nam thì chỉ mới có 3 địa phương là Long An, Tiền Giang và An Giang đã ưu tiên cho lực lượng vận tải nói chung và vận tải thủy nói riêng. Cần có vaccine để phủ cho anh em. Thế nhưng các địa phương khác cũng hơi khó khăn có thể do nguồn. Khi trở lại tình hình mến thì vận tải thủy cũng là một khâu rất quan trọng. Nếu thiếu về thủ tục y tế thì sẽ cản trở cho phát triển vận tải”.

Phải khẳng định vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa là phương thức vận tải rất hiệu quả vì chi phí thấp lại thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng. 

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì loại hình vận tải này lại càng có nhiều ưu điểm do lực lượng lao động ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư. Hiểu rõ những vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định: luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.

Về phía các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT- Nguyễn Văn Thể, mong rằng các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp an tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa; đồng thời cân nhắc sớm phân bổ nguồn vaccine cho lực lượng lao động trong lĩnh vực này để họ an tâm, góp phần khôi phục kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

---

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.