Cần Thơ với khát vọng “kinh tế đêm”

“Kinh tế ban đêm” được xem là một trong những giải pháp quan trọng tăng sức hút du lịch. Tại TP Cần Thơ, mô hình này đang được triển khai với hoạt động thí điểm đầu tiên là tuyến phố đi bộ Ninh Kiều.

 Tối ngày 30/4/2022, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều đã chính thức ra mắt, hoạt động phục vụ khách địa phương và khách du lịch. Hàng ngàn người dân đã đến tham quan.

Đến nay, số lượng du khách và người địa phương đến tuyến phố vẫn duy trì ở mức trên 1 ngàn người/đêm. Toàn tuyến nằm trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều với chiều dài khoảng 700 mét.

Được chia làm 3 khu vực: Mua sắm, ẩm thực, và biểu diễn Đờn ca tài tử phía trên công viên Ninh Kiều. Từ tháng 5 đến tháng 7, các hoạt động trên tuyến phố sẽ diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần, từ 18h đến 22h.

Tùy theo tình hình thực tế có thể tăng lên 02 ngày trong tuần là thứ 7 và Chủ nhật. Đây là tín hiệu sáng, mang đầy kì vọng làm điểm nhấn để Cần Thơ tiến hành các bước tiếp theo cho đề án “phát triển kinh tế ban đêm”...

Ông Trần Quốc Thành, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng tuyến phố đi bộ Ninh Kiều cho biết: 'Sau ngày ra mắt, vào các hoạt động gì còn hạn chế sẽ tiếp tục hướng dẫn khắc phục, làm sao đảm bảo điều kiện tốt nhất để người dân, du khách đến tham quan.

Đảm bảo tuyến phố cũng là điểm nhấn, điểm du lịch của Ninh Kiều, của thành phố Cần Thơ gắn kết với công viên Ninh Kiều, cầu đi bộ thành nguyên chuỗi hoạt động, sau này gắn kết thêm với hoạt động khu kinh tế đêm'.

Trong những năm qua kinh tế ban đêm ở Cần Thơ đã hình thành dựa trên nhu cầu và tập trung ở 03 hoạt động chính là: Các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ; ngoại lệ các tụ điểm Karaoke- quán bar… hoạt động tới 3h sáng và kinh doanh siêu thị - thời trang - mỹ phẩm. Nhưng TP Cần Thơ nhìn nhận, hiện nay TP vẫn chưa có khu vực kinh tế đêm tập trung đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm của du khách và người dân.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đã đầu tư để phát triển một số dịch vụ vào ban đêm như du thuyền tại bến Ninh Kiều, chợ đêm Tây Đô, chợ đêm Trần Phú nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu “tiêu tiền” của khách du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Phong  - Giám đốc công ty Tân Đại Phong - đơn vị đấu thầu thành công khu chợ đêm ẩm thực tại đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho rằng, một con phố đi bộ Ninh Kiều chưa gánh nổi “sứ mệnh” giữ chân du khách.

"Thay đổi mô hình chợ đêm thành tuyến phố du lịch thì mới phát triển kinh tế. Tuyến phố này đa dạng các sản phẩm như là: Hàng lưu niệm, đặc sản, ăn uống giải khát để cho khách người ta có cái điểm mà mua.

Như các nước phát triển thì họ có cả một trung tâm mua sắm ban ngày tại các tuyến phố đó để du khách đến mua sắm, vui chơi giải trí, checkin…

Muốn làm được điều đó thì đòi hỏi các gian hàng phải cố định trên vỉa hè, không dì dời vô ra, bởi các mặt hàng đó bán rất chậm, muốn phát triển có thương hiệu thì phải có tính chất bền vững', ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, Cần Thơ muốn đạt kết quả như kì vọng thì cần quan tâm đến yếu tố sau: 'Nếu Bến Ninh Kiều, Nhà lồng Cổ, chợ đêm Ninh Kiều được chọn thí điểm thì phải đầu tư cho tốt.

Nếu chúng ta để ý thì thấy cảnh quang đẹp dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ hiện nay đang bị cắt khúc. Nếu được đầu tư từ chợ nổi Cái Răng đến Bình Thủy và ở nới đó có những điểm có không gian cho kinh tế đêm như: Phố đi bộ, hoạt động ngoài trời và thu hút kinh tế tư nhân sẽ tạo động lực cho kinh tế đêm.

Việc này không chỉ có ý chí mong muốn thì có được mà phải có nguồn lực đầu tư, hạ tầng chung công cộng thì nhà nước phải dành 1 khoảng đầu tư chính đáng, còn lại người dân hoặc tư nhân họ có lợi ích ở đây thì họ sẽ đầu tư.

Chính nguồn đâu tư này tạo ra không gian cho kinh tế đêm phát triển tốt. Kinh tế ban đêm không chỉ là hoạt động kinh tế mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa trải trí trong đó nên nó phải có những hoạt động vui chơi, ăn uống lành mạnh tạo ra giá trị tốt hơn.

Còn nếu là vui chơi không lành mạnh thì đó sẽ là thách thức'.