Cần thiết giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cuối năm

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá gần 10 tháng đã đạt hơn 620 tỷ USD và thặng dư thương mại (xuất siêu) gần 8 tỷ USD, song nguy cơ thâm hụt cán cân cán cân thương mại trong thời gian tới là rất lớn.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, XK đang phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của lạm phát cao ở một số thị trường đối tác lớn của VN, nhiều mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu - vốn có thế mạnh trong XK như dệt may, da giày, đồ gỗ, lâm sản, gốm sứ… có sự suy giảm đáng kể.

Không ít DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng, thậm chí bị hủy đơn hàng đã ký trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do cắt giảm tiêu dùng bởi áp lực lạm phát của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu 10 tháng năm nay, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình cho rằng, cơ hội xuất siêu của cả năm nay và các năm tới là hoàn toàn có thể đạt được:

"Ngành nông nghiệp đóng góp trực tiếp cho sự tăng trưởng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu với dự báo là kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt tới con số 50 tỷ đô la Mỹ, thậm chí là hơn. Và con số này cũng đã đóng góp trực tiếp cho đảm bảo được thặng dư thương mại ở mức cao như của Việt Nam trong năm nay, giảm sức ép đối với đồng tiền Việt Nam".

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đó là khẳng định của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận cho hoạt động thương mại quốc tế như hiện nay. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương nhấn mạnh:

"Đặc biệt là trong bối cảnh biến động tỷ giá, thì nó có ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó là nhu cầu tiêu dùng của những thị trường đó cũng có sự thắt chặt… thì việc chúng ta đạt mức xuất siêu như vậy thì cũng là một yếu tố rất là tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".

Ảnh: VnEconomy

Dưới góc độ chuyên gia tài chính, GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa của xuất siêu trong tạo nguồn dự trữ về ngoại tệ, tạo dư địa cho điều hành chính sách:

"Nếu như các nguồn dự trữ này không tốt thì chúng ta sẽ khó có được công cụ để chúng ta đảm bảo rằng chúng ta giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta nhìn thấy dự trữ ngoại tệ tốt thì chúng ta mới duy trì được giá đồng tiền Việt Nam và tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các đồng ngoại tệ, thì đấy là điều quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô".

Đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm thị trường và đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của nhiều thị trường xuất khẩu, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Định Trọng Thịnh cho biết:

"Việc kết nối giữa các thương vụ, sứ quán với các hiệp hội và các doanh nghiệp ngành nghề đã làm cho các doanh nghiệp nắm chắc hơn, sâu hơn các thị trường truyền thống; Đồng thời tìm được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu…Vì thế tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta vẫn rất cao mặc dù rất nhiều thị trường truyền thống của chúng ta đang gặp những khó khăn".

Mặc dù nhận định tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn đạt hai con số và tiếp tục có xuất siêu trong năm 2022 này, song trước những dấu hiệu suy giảm xuất khẩu những tháng cuối năm, và dự báo tiếp tục lạm phát cao ở một số thị trường đối tác lớn, ngành Công Thương nhấn mạnh sẽ tăng cường, chú trọng vào việc phổ biến các cam kết FTA - nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP hay EVFTA đến các doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước.