Cẩn thận với trái cây gắn mác ngoại, giá rẻ

Không chỉ ở siêu thị, mà ngay cả các chợ từ thành thị đến nông thôn hay sàn thương mại điện tử…. đều có bán trái cây ngoại nhập đa chủng loại và xuất xứ từ nhiều nước. Tuy nhiên, chất lượng trái cây gắn “mác” ngoại này mới là vấn đề đáng quan tâm.

Có cầu ắt có cung, trái cây nhập khẩu dần lấn át trái cây trong nước. Không phải nhu cầu tiêu dùng quá lớn mà lượng nhập về phải nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ, giá trái cây nhập khẩu hiện nay rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng 1 kg đã “thỏa mãn” túi tiền và kích thích tiêu dùng. Nhưng lo ngại sâu xa của thị trường này là liệu trái cây có phải là loại nhập khẩu thực sự hay chỉ gắn “mác” hàng ngoại bán với giá “hạt dẻ”?

Đến chợ Đề Thám ( phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), khu chợ nổi tiếng mua bán các mặt hàng nông sản, trái cây cao cấp nội, ngoại nhập. Ngoài các cửa hàng “xịn xò” chuyên bán các mặt hàng hạng nhất, nhập khẩu thì người tiêu dùng cũng dễ dàng bắt gặp những xe hàng hay kệ trái cây ven đường với đủ loại hoa quả như: nho mỹ, táo Mỹ, táo Fuji Nam Phi, cherry, cam Ai Cập, dưa lưới Đài Loan, kiwi, lựu Peru. Khách hàng cũng dễ dàng mua 1kg nho móng tay hàng Mỹ giá 180.000 đồng/kg hay nho đỏ Trung Quốc giá 100.000 đồng/kg.

Nói về xuất xứ của những loại trái cây này, bà L.T.M– một tiểu thương bán trái cây tại chợ Đề Thám, phường an Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết: Chợ này bán hàng nhập là có thật, nói dối người tiêu dùng để làm gì. Ví dụ như nhập từ Trung Quốc đi, nhưng nó cũng có nhiều hạng. Hàng nhất là mắc tiền, còn hàng rẻ tiền là loại cù cặn, rớt giá của nó. Do người tiêu dùng ham rẻ hay mắc thôi chứ người ta bán rất rõ ràng, hàng ngon và hàng dở riêng biệt.

Đã đến lúc nông dân Việt cần áp dụng khoa học để sản xuất trái cây vừa sạch, ngon, đẹp để cạnh tranh với hàng ngoại

Cũng theo bà M thì thị trường nhập khẩu trái cây chủ yếu đến từ Trung Quốc và Thái Lan. Thị hiếu tiêu dùng nằm ở sự quyết định của khách hàng, do khách hàng chọn loại đắt tiền hoặc loại rẻ bèo để đổi lấy sự tương ứng về chất lượng sản phẩm, “tiền nào của nấy”.

Ở nơi dễ dàng mua trái cây ngoại nhập giá rẻ là trước cổng bệnh viện, hàng loạt xe hàng bán đủ loại trái cây như: Bòn bon Thái, nho Mỹ, táo Mỹ, lê Hàn Quốc giá cao nhất 55.000 đồng/kg. Chưa biết ăn có bổ dưỡng không, nhưng trước mắt vẫn thấy “nghi ngờ”, hàng rẻ dĩ nhiên khó mà ngon. Bà L.T.M– một tiểu thương bán trái cây cho biết: Trước cửa bệnh viện đừng nên mua, bởi gì họ mua hàng này cái họ nói là hàng kia, mua hàng giá rẻ về bán lại vưới giá “trên trời dưới đất”. Nên không đáng tin đâu.

Hiện nay, trái cây nhập khẩu “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam và có mặt hầu hết tại các chợ truyền thống mà đặc biệt siêu thị là nơi tiêu thụ mạnh nhất mặt hàng này. Điểm chung của trái cây nhập khẩu là dù bán ở thị trường nào, giá cả cũng đều khá rẻ. Lùi về thời điểm trước đây vài năm, một 1kg Cherry có giá gần 1 triệu đồng thì hiện nay siêu thị chỉ bán từ 250.000 - 450.000 đ/kg.

Chưa hết, mặt hàng trái cây nhập khẩu có giá rất “sốc” như: Táo Fuji Nam Phi 39.000-45.000 đ/kg, cam Ai Cập 49.000 đ/kg, dưa lưới Đài Loan 50.000-55.000 đ/kg, kiwi 80.000-100.000 đ/kg, nho đen Mỹ 85.000-90.000 đ/kg, lựu Peru 169.000 đ/kg…

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá bán trái cây ngoại nhập ngày càng rẻ là bởi hầu hết sản phẩm trái cây được các nước xuất qua Việt Nam hiện nay không bị đánh thuế. Thủ tục nhập khẩu đơn giản nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tự đứng ra nhập khẩu về bán và phân phối. Một điều không thể phủ nhận, hàng nhập có hình dáng bắt mắt nên kích thích thích tiêu dùng.

Theo chuyên gia, hầu hết cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng. Khách hàng có thể chú ý ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trồng với quy trình nào, có biến đổi gen hay không, nhập khẩu từ nước nào. Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định. Dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong có thể bị chuyển hóa.

Có thể thấy, trái cây nhập khẩu giá rẻ vừa tạo tính cạnh tranh cho trái cây trong nước cũng vừa gây áp lực lên thị trường trái cây nội địa. Việc tiêu dùng trái cây nhập khẩu trở nên phổ biến sẽ giành lấy hết thị phần của trái cây trong nước. Chính vì điều này, nhà nông cũng cần phải áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để sản xuất ra nông sản vừa sạch, vừa đẹp, vừa ngon để lấy lại vị thế của thị trường trái cây Việt. Doanh nghiệp xúc tiến cũng phải tranh thủ những cơ hội để thị trường biết đến trái cây Việt nhiều hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm nh bạch (AFT) cho rằng: Khi có chứng nhận và công nhận đạt chuẩn rồi anh phải tiếp cận thị trường. Nếu ta không tiếp cận thì thị trường không thể nào biết tới sản phẩm của ta. Có rất nhiều cách, trong đó, tham gia hội chợ là cách dễ nhất.

Hiện nay, nhu cầu trái cây nhiệt đới ở các nước trên thế giới rất lớn đòi hỏi cần phải phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng công nghệ cao và phải có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Từ đó, có những quy hoạch cụ thể về các công trình hạ tầng, tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho toàn vùng thay vì làm manh mún từng địa phương như thời gian qua.

Do đó, mỗi địa phương trong khu vực có cùng thị trường về cây ăn trái cần liên kết để có sự hợp tác và chia sẻ lẫn nhau đảm bảo cùng có lợi và tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.