Cận Tết lại phập phồng pháo nổ tự chế

Dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng với sự tò mò, thiếu hiểu biết, nhiều thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi học sinh đã mày mò, tự học cách chế pháo nổ trên mạng để rồi phải đổi lấy bằng sức khỏe và tính mạng của mình.

Chỉ cần gõ từ khóa “vật liệu chế tạo pháo nổ” trên Google, trong 33 giây đã cho ra 13 triệu kết quả. Trong đó, phần lớn là hướng dẫn cách chế tạo và hàng loạt sản phẩm như: dây cháy chậm, lưu huỳnh, giấy cuộn, bột KClO3, … chào hàng. Có hẳn Hội “Đam mê chế pháo” trên mạng xã hội Facebook, rao bán thuốc pháo đã pha chế sẵn. Điều này cho thấy, việc tìm và mua vật liệu chế tạo pháo dễ dàng như mua rau, công tác kiểm soát của ngành chức năng cũng không theo nổi tốc độ “quảng cáo” mặt hàng này. Chính vì quá dễ dàng nên mới có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến pháo nổ tự chế mỗi lần gần Tết.

Mới đây nhất, ngày 6/12, tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra một vụ tai nạn do pháo nổ tự chế nhưng rất may không ảnh hưởng tính mạng. Theo thông tin ban đầu, em N.Đ.D. (14 tuổi, ngụ xã Bình Sơn) đã lên mạng internet xem hướng dẫn cách chế tạo pháo rồi đặt mua một số hóa chất về pha trộn theo hướng dẫn. Sau đó D. đem pháo tự chế vào trường, trong giờ giải lao D. rủ một số bạn học ra bãi đất trống gần đó để đốt thử, lúc này pháo bất ngờ phát nổ làm em bị thương ở tay.

Ngày 7/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa Đồng Hới (Quảng Bình) cấp cứu kịp thời 4 học sinh gặp tai nạn do pháo nổ. Theo người nhà cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do các em tự tìm hiểu và chế pháo theo hướng dẫn trên YouTube. Trong quá trình làm không cẩn thận dẫn đến pháo phát nổ, gây bỏng.

Đến ngày 15/12, cũng tại Quảng Bình, công an xã Phúc Trạch đã phát hiện và ngăn chặn 1 học sinh 13 tuổi, trú tại thôn 1 đang có hành vi chế tạo pháo nổ. Các vụ việc trên cho thấy, tình trạng học sinh mua nguyên liệu tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng rộ lên đáng báo động, nhất là trong giai đoạn những ngày giáp Tết.

Đề cập đến câu chuyện này, ông Trần Văn Lộc, ngụ tại tỉnh Hậu Giang hoang mang: “Pháo nổ là chết, trên tivi đăng tin pháo nổ làm chết với bị thương nhiều lắm, nguy hiểm lắm. Tôi cũng có nói con cháu là không được chế tạo pháo, chết chóc và bị thương thường xuyên”.

Pháo nổ tự chế bị lực lượng chức năng tịch thu

Nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là lứa tuổi học sinh vẫn tò mò lên MXH tìm kiếm những clip dạy chế pháo và mua vật liệu trôi nổi về để chế pháo nổ. Lợi dụng điều này, nhiều hội nhóm kín trên MXH cũng rầm rộ tổ chức các hoạt động mua bán, dạy cách chế tạo pháo tại nhà. Tuy nhiên, người chế tạo thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng.

Đa số người chế tạo pháo đều tiếp xúc gần trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Bác sĩ Lương Văn Chương, công tác tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Thường đốt pháo thì hay cầm tay phải, mà tay phải lại là tay chính, đốt pháo chưa kịp vứt quả pháo ra thì nổ bị thương. Lúc đó bác sĩ sẽ cố gắng để hồi phục bàn tay nhưng chỉ được một phần nào thôi vì sức công phá của pháo là rất nặng”.

Dạo quanh trên MXH, xuất hiện hàng loạt hội nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Những nhóm này thu hút đông đảo thành viên tham gia bằng cách chia sẻ video hướng dẫn hoặc chào mời sản phẩm với lời cam kết “an toàn và hiệu quả”. Tùy từng kích cỡ, loại pháo sẽ có các mức giá nguyên liệu khác nhau dao động từ 80.000 đồng đến 500.000 đồng. Để nh chứng cho chất lượng pháo, tay nghề làm pháo, nhiều kênh còn quay video thực hiện nổ pháo ngoài trời để thu hút người xem. Vì tiền mà các đối tượng này sẵn sàng vi phạm pháp luật.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết: “Trừ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất pháo thì những cá nhân, tổ chức khác không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán pháo. Hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo cái quy định tại điều 11, Nghị định 144 năm 2021, với số tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng”.

Lâu nay, nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế lại xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do các em học sinh tò mò và học theo các video hướng dẫn trên mạng xã hội. Những vụ tai nạn này không chỉ gây thương vong mà còn khiến nhiều người hoang mang, dù đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng. Bởi vậy, phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cần chung tay tăng cường cảnh báo, bảo vệ các em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn này.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa Đồng Hới (Quảng Bình) cấp cứukịp thời 4 học sinh gặp tai nạn do pháo nổ ngày 7/12.

Nguy hiểm đã được cảnh báo, khuyến cáo cũng đã được đưa ra, nhưng “cứ đến hẹn lại lên”, những sự việc đau lòng liên quan đến pháo tự chế vẫn khiến người ta phải lo lắng. Bàn về câu chuyện này, phóng viên Kim Loan có bài viết: “Đừng để cận Tết lại phập phồng pháo nổ tự chế”. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi sau đây.

Tò mò, hiếu động, nhưng thiếu hiểu biết… đó là nguyên nhân sâu xa của những vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ tự chế trong thời gian qua ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi học sinh. Dường như năm nào, báo đài cũng tuyên truyền, nhà trường cũng nhắc nhở, thế nhưng, hễ cứ đến Tết, không nơi này thì cũng nơi kia, những câu chuyện đau lòng khi các em học sinh tự tìm hiểu và chế tạo pháo theo hướng dẫn của các clip trên mạng xã hội khiến nhiều trường hợp phải trả giá đắt vẫn cứ xảy ra. Nhẹ thì xay xát, nặng thì mất mạng. Nhan nhãn những sự việc xảy ra nhưng dường như không đủ sức thuyết phục những đứa trẻ “không chịu lớn” này.

Mạng xã hội phát triển, công nghệ số đến với mọi nhà, lẽ ra, các em phải tận dụng nền tảng số cho việc học tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thay vì mất nhiều thời gian vô ích trong việc tìm kiếm, theo dõi những video clip độc hại của mạng xã hội.

Nói đến đây, không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của người lớn trong gia đình đối với việc quản lý, giáo dục, định hướng cho các em. Chính sự buông lỏng của người lớn là nguyên nhân khiến các em sa đà vào mạng xã hội để rồi tìm kiếm và làm theo những video clip chế tạo pháo nổ tràn lan, thiếu kiểm soát. Cá biệt, có trường hợp phát hiện nhưng thiếu ngăn chặn dẫn đến việc các em vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tai nạn do tự chế pháo, làm thiệt hại về tính mạng. Không chỉ nhắc nhở mà các bậc cha mẹ cần phải sát sao các nội dung mà con mình tìm kiếm bằng thiết bị thông nh, quản lý chi tiêu tài chính để đề phòng con em mình mua hàng độc hại trên mạng.

Chiếc “áo giáp” bên ngoài trong công tác phòng, chống pháo nổ tự chế cuối năm là các cơ quan chức năng. Các đơn vị quản lý cần tăng cường việc kiểm tra, xử phạt của đối với các vi phạm về pháo nổ. Đồng thời, công tác “làm sạch” thông tin trên không gian mạng về pháo nổ cũng phải được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ; kịp thời gỡ bỏ các clip hướng dẫn cách tự chế pháo nổ; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện hành vi chế tạo pháo nổ trái phép.

Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng cần gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.

Hậu quả do pháo tự chế ai cũng biết rõ. Ngăn chặn những “ ngòi nổ” này, rất cần sự chung tay phối hợp từ nhiều phía để mỗi mùa Tết về lại không còn nỗi lo phập phồng pháo nổ tự chế.