Nhiều chuyên gia, người dân mong dự thảo luật này được đẩy nhanh, sớm trình Quốc hội để người dân không thiệt thòi. Vì so với thực tiễn hiện nay, luật đã quá lạc hậu.
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đi vào cuộc sống 15 năm nay, những quy định về mức chịu thuế đã lạc hậu so với mức trượt giá và tăng lương cơ bản.
Mức tăng lương cơ bản gần đây nhất là 30%, nhưng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập vẫn không thay đổi. Cụ thể như, mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, là không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng cho rằng:
"Mức quy định thuế khởi điểm để tính Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay quá thấp, vì hiện nay với mức chịu thuế thu nhập cá nhân thì người dân chưa đủ sống mà phải nộp thuế cái gì? Còn mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân cũng quá thấp, vì hiện nay, một người sống ở TP.HCM phải nuôi thêm ít nhất 1-2 người, chưa kể nếu có cha, mẹ già. Tôi đề nghị mức tối thiểu để tính thuế thu nhập cá nhân phải nâng cao hơn so với hiện nay".
Nói về về sự bức thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến:
"Nói đến thuế thu nhập cá nhân đã được ban hành từ năm 2007, đến nay đã khá lâu rồi. Chúng ta vẫn chỉnh sửa gần nhất đến năm 2020. Rõ ràng, rất cần thay đổi, thời gian thay đổi chúng tôi cho rằng cần thay đổi lâu rồi. Trước thu nhập của người dân, các chi phí thực hiện trong xã hội, nhu cầu thay đổi luật về thuế, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh và mức chi phí cho người phụ thuộc càng bức xúc, khi mức này quá thấp.
Khi thay đổi luật, chúng ta cần thay đổi từ tư duy làm thuế, không phải chỉ sửa đổi một số điều. Có nghĩa chúng ta làm lại toàn bộ từ đầu. Đầu tiên là ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân, cần xem xét toàn diện từ mức sống trung bình khá từng thời điểm người dân đang sống mới tính thuế".
Theo Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Phụ trách pháp lý thuộc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM, mức tính thuế thu nhập cá nhân được phân làm 7 mức là quá dày đặc và chưa phù hợp với thực tế.
Ở bậc 7, với thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng trở lên, người dân phải chịu thuế thu nhập cao nhất 35%. Đây là mức thuế rất cao, vì sau khi trừ thuế thu nhập, nguồn thu còn lại phải lo nhiều việc trong cuộc sống như: Mua nhà cửa, việc học hành của con cái và tái đào tạo của cá nhân v.v...
"Mức thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng không phải là quá cao, và khá phổ biến trong thị trường lao động hiện nay. Nhiều doanh nghiệp than phiền là rất khó tuyển lao động chất lượng cao, khi mức tính thuế thu nhập đến 35% càng làm cho việc tuyển dụng khó khăn hơn. Chúng tôi đề nghị khi sửa luật nâng mức chịu thuế thu nhập cao từ 150 triệu đồng/tháng trở lên".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện mức thuế có 7 bậc là quá nhiều và gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần:
"Hiện mức thuế có 7 bậc, quá nhiều, lắt nhắt, gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần. Nên giãn ra 4-5 bậc thôi. Và trong xu thế chung của thế giới hiện nay, mức thuế suất cao nhất đang có vấn đề. Các quốc gia xung quanh chúng ta hiện nay chỉ khoảng 22-25%. Còn chúng ta là 35%. Bên cạnh đó là chi phí vãng lai, chi phí dịch vụ không còn phù hợp nữa. Chúng ta nên cân nhắc cho thỏa đáng".
Ở lĩnh vực bất động sản, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, hiện nay, quy định Thuế Thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản tính trên doanh thu là chưa hợp lý và cào bằng.
Theo quy định này, người bán bất động sản, lời hay lỗ đều tính thuế 2% trên tổng số tiền chuyển nhượng nhà, đất. Điều này gây thiệt thòi, khi người bán lỗ vẫn đóng thuế, còn Nhà nước thất thu thuế với người lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Văn Được cho biết, trước đây, cơ quan chức năng đã thấy sự bất hợp lý này và có quy định cách tính thuế 20% đối với thu nhập (lợi nhuận) từ chuyển nhượng bất động sản, nhưng sau đó ngưng.
"Tôi cho rằng nên phải quay lại phương án tính thuế trước đây, luật nên quy định tính thuế trên thu thập thực tế. Có nghĩa là khi có thu nhập thì người dân mới nộp thuế. Trước đây, cơ quan chức năng không thực hiện được phương pháp tính thuế nêu trên vì chúng ta không quản lý được thu nhập của việc mua, bán này, hay chưa có công cụ để yêu cầu người mua bán kê khai đúng, đủ giá trị nhà, đất. Bây giờ, cơ quan nhà nước có nhiều công cụ để quản lý được giao dịch, công cụ để quản lý thu nhập. Cơ quan chức năng giám sát được việc kê khai đó có hợp lý hay không".
Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6/2025 và đến năm 2027 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều chuyên gia thuế, người dân mong dự thảo luật này được đẩy nhanh việc lấy ý kiến, xem xét, sớm trình Quốc hội để người dân không thiệt thòi. Vì so với thực tiễn hiện nay, luật đã quá lạc hậu.