Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn

Với chính sách tăng lương cơ sở 30% áp dụng từ 1/7/2024, cùng với việc chỉ số giá từ năm 2020 đến nay vượt hơn 12%, nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương chịu thiệt thòi.

Do đó, theo các chuyên gia, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc đảm bảo phù hợp với thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương chịu thiệt thòi. (Ảnh: Thanh niên)

Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Vân đang có con nhỏ cho biết, hiện thu nhập 1 tháng của chị khoảng 15 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh nuôi 1 con thì chị vẫn thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân.

Theo chị Thanh Vân, lương có tăng theo từng năm nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ” thì vẫn không phù hợp với người lao động sinh sống tại các thành phố lớn:

"Mức được giảm trừ của cơ quan thuế bây giờ hiện là đang thấp, Nền kinh tế hiện nay phát triển nên các chi phí đi theo của tôi cũng đang tăng. Ví dụ, nuôi một trẻ nhỏ bây giờ với mức giảm trừ hiện giờ là 4,4 triệu , trong khi đó mức hiện tôi đang chi trả để nuôi 1 em nhỏ bây giờ là đang không đủ so với mức thực tế tôi bỏ ra".

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương và tiền công của người nộp thuế.

Bà Lương Thị Thu, Công ty Đại lý thuế Tâm Việt cho rằng: thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thu của người làm công ăn lương nên mức giảm trừ gia cảnh thấp như vậy không thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam:

"Hiện nay có nhiều đơn vị đang áp dụng mức lương khoán. Nhưng khi người lao động cố gắng phấn đấu để có thu nhập tăng cao hơn thì lại nghĩ đến ngưỡng phải nộp thuế cao hơn, cho nên người lao động sẽ làm không hết năng lực, cái khả năng của họ cũng như tâm lý của họ không nhiệt huyết trong công việc…"

Ảnh: Lao động

Theo quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng từ năm 2018, khi đó, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Trong khi mức lương cơ sở đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm cách đây 6 năm, kèm theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cùng nhiều mặt hàng tăng giá. Do đó, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp đời sống hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

Bởi mức giảm trừ này được duy trì từ năm 2020, trong khi những năm vừa qua, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng, thậm chí có những mặt hàng tăng nhanh hơn cả tăng thu nhập. Tuy nhiên đến nay luật thuế này vẫn chưa sửa mà phải đợi đến tháng 10/2025 mới có thể trình Quốc hội có ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quốc hội xem xét sửa đổi sớm nội dung này. Bởi nếu tháng 5/2026 thông qua thì tới năm 2027 mới áp dụng, đây là điều bất cập và lỗi thời:

"Từ khi Luật thu nhập cá nhân ra đời cho đến thời điểm này, số tiền chúng ta so sánh khác nhau hoàn toàn. Trong khi lương tăng, mặt bằng giá cả tăng. Chúng ta lấy một “vật ngang giá chung” là vàng chẳng hạn, thấy tăng giá kinh khủng nhưng thuế thu nhập cá nhân vẫn dậm chân tại chỗ khiến cho người chịu thuế phải chịu thiệt thòi. Bởi với mức thu nhập hiện nay, với mức tiền đấy không phải là cao nhưng phải nộp thuế. Chúng ta cần xem xét để sửa cho phù hợp với tình hình hiện tại. Nếu chúng ta để thêm một vài năm nữa nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục kéo dài tình trạng bất hơp lý hiện nay”.

Để người nộp thuế cá nhân, nhất là những người làm công ăn lương bớt thiệt thòi, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn Hậu Giang kiến nghị, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và áp dụng càng sớm càng tốt:

"Phải nâng làm sao cho phù hợp để tăng từ từ mức sống của người dân mỗi ngày mỗi tốt hơn, như thế thì mới đúng mục đích của Chính phủ kiến tạo đời sống người dân. Tôi cũng hy vọng rằng, nếu chưa phù hợp thì đề xuất các cơ quan chuyên môn sắp xếp làm sao tăng mức giảm trừ gia cảnh làm sao cho phù hợp chứ không thể tăng lương mà đóng thuế thu nhập cao, giảm trừ gia cảnh thấp thì cũng không phù hợp với đời sống thực tế người dân. Mong muốn làm sao hài hòa, Chính phủ kiến tạo phải song hành như thế thì đời sống của người dân mới từng bước nâng lên được".

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ vào những yếu tố liên quan đến điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế… chứ không chỉ dựa vào mức tăng của CPI.  

"Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng thì tôi nghĩ mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng theo mức lương cơ sở cho phù hợp vì hiện nay người dân, công chức viên chức có con em học hành, chi phí, thậm chí cha mẹ già cần chăm sóc. Do đó, Bộ Tài chính tới đây sửa Luật thuế thu nhập cần có tính toán có mức trừ gia cảnh cho các đối tượng theo mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn".

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn./.