Tại ĐBSCL, An Giang là một trong những địa phương đầu tiên xác định đưa Ẩm thực vào chiến lược khai thác du lịch. An Giang là vùng có nhiều món ăn nổi tiếng gắn với lịch sử cộng đồng, như: Bánh bò thốt nốt, xôi phồng Chợ Mới, bánh xèo núi Cấm, tung lò mò Châu Phong, gà đốt Ô Thum, cháo bò Tri Tôn.
5 năm trước, ngon núi Tà Pạ của địa phương này chỉ là nơi hoang du, phục vụ khai thác đá. Nhưng từ khi các phum, sóc dưới chân núi mở quán bán món ăn đặc sản của người Khmer, áp dụng công thức chế biến “đặc quánh” chất bản địa đã đưa Tà Pạ - Soài Chek trở thành địa điểm du lịch ẩm thực được đông đảo du khách lựa chọn trong 2 năm qua.
Anh Chau Sóc Nương, hộ kinh doanh quán ẩm thực dưới chân núi Tà Pạ, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết: Khi thực khách ăn, họ muốn trải nghiệm hương vị của nơi khởi nguồn. Hiện giờ Tri Tôn đang “nổi” lên các món ăn: Gà đốt, ếch nướng, cháo bò, đu đủ đâm. Mà đặc biệt khách đến đây đều muốn trải nghiệm các món ăn làm từ thịt bò vì thịt bò ở vùng Tri Tôn rất thơm và ngọt thịt. Quán mình tuyển phục vụ toàn bộ là người Khmer, giúp đỡ khách thuê trang phục truyền thống Khmer và hỗ trợ chụp hình làm kỷ niệm, nên khách rất thích.
Kế đến là Cà Mau, sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, trong 10 món ăn lọt tốp “tinh hoa vùng đất mũi” thì có 4 món nằm trong nhóm 100 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam, đó là: Cua Năm Căn, Tôm khô Cà Mau, Mật ong rừng U Minh và Lẩu mắm U Minh. Vùng đệm của cánh rừng U Minh Hạ thơm lừng hương bông tràm hiện nay là điểm được nhiều du khách lựa chọn để trải nghiệm cảm giác chinh phục những tổ ong mật sánh vàng, ngọt lịm.
Anh Phạm Duy Khanh – Hộ kinh doanh du lịch tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: Khách có thể đi bộ hoặc ngồi dưới thuyền để thấy rất nhiều tổ ong và nghe người thợ gác kèo ong giải thích thêm về cách thức gác kèo giữ ong. Khi đó, khách hào hứng muốn thử một lần đến cận kề bên ổ ong để biết cái cảm giác hồi hộp sắp sửa “đánh trận” với hàng ngàn con ong. Và sau đó nữa là ngồi lại dưới tán rừng để ăn những tổ ong mật mình vừa thu hoạch được thì cảm tưởng của khách rất hớn hở, vui vẻ.
Tất các địa phương trong vùng ĐBSCL đều có nền ẩm thực rất phong phú, mỗi món đều có thể gắn với hoạt động trải nghiệm từ đánh bắt – sơ chế nguyên liệu – thưởng thức món ăn, như: ba khía Rạch Gốc (Cà Mau), nước mắm Phú Quốc (Kiêng Giang), bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Khoai lang mắm sống (Vĩnh Long), bánh tằm Ngan Dừa (Bạc Liêu), nem Lai Vung (Đồng Tháp), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), bánh hỏi mặt võng (Cần Thơ). Đặc biệt, vùng đất này nổi tiếng với những món bánh dân gian, được truyền tay qua nhiều thế hệ, làm nền tảng để các địa phương thường xuyên tổ chức sự kiện hội chợ ẩm thực.
Hiệp hội Du lịch Ẩm thực thế giới định nghĩa, Food Tourism là loại hình du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng gắn với ẩm thực thông qua quá trình thưởng thức những món ăn và thức uống. Điểm đến của Food Tourism là để khám phá nghệ thuật nấu nướng, thưởng rượu, đi hội chợ ẩm thực và trổ tài thi thố nấu ăn.
ĐBSCL có thừa nguyên liệu và danh mục món ăn để “bùng nổ” Food Tourism. Tuy nhiên, lượng khách đổ về vùng này vẫn còn “khiêm tốn”, chỉ ở khoảng trung bình 37 triệu lượt/năm. Phạm vi Food Tourism tại ĐBSCL còn rất hẹp, chủ yếu phục vụ khách địa phương mà chưa thu hút nhiều ở phân khúc khách vãng lai và quốc tế.
Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), trong cơ cấu chi tiêu của một chuyến du lịch, du khách sẽ chi khoảng 25% ngân sách cho việc ăn uống. Nơi nào ẩm thực đặc sắc, càng làm tăng thương hiệu và hình ảnh cho địa phương.
Để tăng mức độ hấp dẫn cho Food Tourism, mấy năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã sưu tầm và phục dựng các lễ hội, hội thi dân gian liên quan đến trình diễn và chế biến ẩm thực. Gìn giữ các làng nghề có truyền thống chế biến đặc sản ẩm thực, giúp đỡ các nghệ nhân giữ gìn và nâng cao tay nghề, đào tạo thêm những nghệ nhân mới trong nghệ thuật ẩm thực.
Bà Đào Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Cần Thơ cho biết: Hằng năm, ngành văn hóa đưa nhiều loại hình di sản vào trình diễn và giới thiệu cho khách tham quan. Đây là dịp để các nghệ nhân trình diễn chế biến các món ăn mà chính họ đã gìn giữ. Từ đây, du khách tham gia được thưởng thức và được trải nghiệm trình diễn với nghệ nhân trong lĩnh vực ẩm thực.
Để xây dựng được thương hiệu ẩm thực mạnh của ĐBSCL, một điều quan trọng là phải chú trọng và đẩy mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyên truyền mạnh mẽ, đào tạo văn hóa ứng xử cho người bán, người phục vụ để giữ hình ảnh đẹp về ẩm thực. Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng: Phải tuyên truyền cho được tính chất món ăn: đây là một món ăn độc đáo, bổ dưỡng, không hóa chất… Giữ gìn được chất gốc của món ăn thì khi đó thương hiệu của chúng ta với thật sự vang dội. Để thương hiệu bền vững thì luôn luôn coi trọng chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần hỗ trợ truyền thông để tiếng tăm các món ăn ĐBSCL vang xa hơn nữa.
Tháng 7/2023, Cục Du lịch quốc gia vừa thông qua đề án: “Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt”. Ðây là chương trình nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực đa dạng của Việt Nam thông qua câu chuyện biến tấu nguyên liệu địa phương nấu triệu món ăn trên toàn quốc như một niềm tự hào quốc gia. Chương trình khuyến khích du khách trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương, từ đó xây dựng “bản đồ ẩm thực” đa dạng, tạo dựng cộng đồng ẩm thực địa phương tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đây là động lực để Food Tourism phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Những năm gần đây, hầu hết các tỉnh/thành vùng ĐBSCL đều xác định, Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Dù xu thế du lịch có liên tục thay đổi nhưng Ẩm thực vẫn là lựa chọn cốt lõi của du khách. Hương vị, lợi ích dinh dưỡng, cách chế biến, trình bày món ăn là “combo” hoàn hảo phản ánh sắc nét đời sống bản địa để giữ chân du khách.
“Lột xác Food Tourism”
Food Tourism được đánh giá là có tuổi đời non trẻ nhưng lại có sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với ngành du lịch, là động lực cho phát triển du lịch. 20 năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển thành công loại hình này, đơn cử như: Pháp, Mỹ, Indonesia, Thái Lan. Cũng ngần ấy thời gian, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã nỗ lực phát triển Food Tourism làm thương hiệu riêng.
Tuy ĐBSCL có nhiều hoạt động khai thác các yếu tố thuộc về văn hóa ẩm thực để thu hút khách du lịch nhưng chỉ thường được lồng ghép trong các hoạt động xúc tiến du lịch chung. Và nhất là chưa theo hệ thống đồng bộ. Từ thực tế ấy, các địa phương ĐBSCL cần có lộ trình, giải pháp cụ thể để tiến hành quy hoạch và phát triển lĩnh vực Ẩm thực.
Đầu tiên, địa phương phải làm tốt công tác bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực. Gìn giữ các làng nghề có truyền thống chế biến đặc sản ẩm thực, đào tạo thêm những nghệ nhân mới trong nghệ thuật ẩm thực. Nên xem người đầu bếp là nghệ sĩ. Đây là điều mà đất nước Nhật Bản đã làm thành công với món sushi. Tiền đề cho cách làm này là mở rộng chính sách công nhận nghệ nhân ẩm thực và quảng bá mạnh mẽ những nghệ nhân đó, dù họ chỉ là người nấu ăn đường phố.
Nên gia tăng nét mỹ thuật trong ẩm thực, lâu nay, tiêu chí “mỹ thuật” vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là hạn chế lớn cho việc khai thác văn hóa ẩm thực để phát triển hoạt động du lịch. Lẽ tất nhiên, khâu bày biện đẹp, tự khắc du khách sẽ muốn ăn.
Cần kết hợp văn hóa ẩm thực với đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật truyền thống của người dân vùng ĐBSCL. Việc kết hợp văn hóa ẩm thực với đờn ca tài tử là tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh.
Phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên về ẩm thực. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở vùng ĐBSCL vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Đào tạo là để nguồn nhân lực không những phục vụ tốt trong khâu chế biến mà còn truyền tải được văn hóa bản địa liên quan đến ẩm thực địa phương đến với du khách.
Cuối cùng là tăng cường xúc tiến quảng bá cho ẩm thực và văn hóa ẩm thực của vùng. Lâu nay ẩm thực Nam Bộ luôn là nguồn cảm hứng vô tận để sách, báo, phương tiện truyền thông, điện ảnh… khai thác với công nghệ ngày càng tiến bộ và Format chương trình ấn tượng. Tuy nhiên, Nhà nước cần đầu tư kinh phí nhiều hơn cho hoạt động quảng bá để Food Tourism ĐBSCL có điều kiện “toả sáng” trong sự lựa chọn của du khách.