Cần giải pháp cho tình trạng sụt lún tại ĐBSCL

Trong 10 năm (2012 - 2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm), đặc biệt tại một khu vực ven biển...

Thời điểm này, khi nhớ lại vụ sạt lở, sụp lún đất xảy ra lúc rạng sáng ngay khu vực gia đình sinh sống cách đây gần 3 tháng, bà Trần Thị Tím, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vẫn chưa hết bàng hoàng bởi mọi thứ diễn ra quá nhanh.

Vụ sạt lở đã lấn sâu vào đất liền khoảng 5m, làm mất hơn 100m2 đất, ảnh hưởng tới 5 căn nhà liền kề: Tôi la lên, cái tôi ẫm đứa cháu nội một đứa ẩm trên tay, đứa thì tôi kéo, lúc đó nó còn ngủ. Tôi kéo, tôi la làng lên thì tôi chạy ra tới đây thì đằng sau đưa ra sông luôn đó.

Sạt lở, sụp lún đất diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ làm thiệt hại về tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sống khi chia cắt giao thông, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn, nguy hiểm. Có đi qua những tuyến đường dân sinh bị đứt gãy vì sạt lở đất, có nhìn thấy những vách tường nứt, đổ, đất, đá ngổn ngang mới hiểu hết nỗi khổ của người dân nơi này.

Tại tỉnh Tiền Giang, vào đầu tháng 8 người dân sinh sống ven đường Huyện lộ 54C chạy men theo bờ Tây sông Ba Rài xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy cũng thất thần vì sạt lở.  Căn nhà có diện tích 60m2 của gia đình anh Lê Tấn Nhựt đổ sụp hoàn toàn xuống sông trong đêm.

Anh Lê Tấn Nhựt cho biết: Cách đây khoảng 1 tuần thì nó có dấu hiệu rạn nứt nhỏ, tôi có báo với UBND xã Hội Xuân. Lãnh đạo xã có cho cán bộ xã đến để khảo sát và vận động gia đình di dời, dọn dẹp. Đây là Cơ sở sửa chữa cơ khí, tạo kế sinh nhai của gia đình, giờ nó rớt xuống sông hết trơn.

Người dân sống trong cảnh phấp phỏng lo sợ

Tình trạng sụt lún đất tại vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn, tác động xấu đến sản xuất, đời sống người dân. Ðiều đáng lo ngại là tốc độ sụt lún đất vùng ĐBSCL ngày càng nhanh hơn. Năm 2019, các kết quả khảo sát ghi nhận, tốc độ sụt lún ở một số nơi của vùng lên đến 5,74 cm/năm, cao từ 3-4 lần, có nơi hơn 10 lần mực nước biển dâng.

Ðiều này cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần chủ yếu là do sụt lún đất, còn tác động của nước biển dâng rất ít. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, phần lớn diện tích của đồng bằng này sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ 21.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban kinh tế trung ương, cho biết: ĐBSCL là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới (một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng.

Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ).

Nghiên cứu gần đây thực hiện trên toàn vùng ĐBSCL, tốc độ sụt lún ở Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang khoảng 1,5cm/năm, tức trong 20 năm tới lún xuống khoảng 30cm, đó là chưa tính đến yếu tố gia tăng như khai thác nước ngầm hay tiếp tục đô thị hóa, tạo sức nén gây sụt lún nhanh hơn. Một số vấn đề khác không chỉ nằm ở trong ranh giới thành phố mà ngập lụt ở hạ lưu ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng các vấn đề ở thượng nguồn.

Lý giải nguyên nhân các đô thị trong vùng ĐBSCL thường xuyên bị ngập, ở góc độ chuyên môn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, giải thích: “3 nhóm vấn đề từ trên xuống. Nước biển dâng, thực tế là có những vấn đề chúng ta gây ra nó lớn hơn. Chúng ta tự làm sút lún đồng bằng nhanh hơn nước biển dâng cho nên giải quyết được cái nhóm vấn đề nội tại là giải quyết được khá nhiều vấn đề. Trong đó là chúng ta đã xây dựng được sức khỏe, sức chống chịu của đồng bằng.

Như vậy, đồng bằng nó sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn với những tác động từ bên ngoài. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ cần những giải pháp khác ở phía thượng nguồn mà chúng ta giải quyết được vấn đề nội tại là sức khỏe đồng bằng sẽ đi lên”.

Tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở đồng bằng Sông Cửu Long (ảnh: Thanhnien.vn)

Sụt lún, ngập lụt không còn là câu chuyện riêng của địa phương nào mà là của toàn vùng ĐBSCL. Để khắc phục tình trạng này không phải là chi nhiều tiền cho các công trình xây dựng, mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực chung tay của từng địa phương trong sự liên kết chặt chẽ.

Biến đổi khí hậu cùng với những tác động của con người khiến vùng ĐBSCL, nơi được mệnh danh là trù phú phải đối mặt với nhiều thách thách, từ câu chuyện sạt lở, sụt lún, ngập úng đến ô nhiễm…Tất cả đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Đã đến lúc cần có những giải pháp, những hành động quyết liệt và căng cơ hơn để ứng phó. 

***

Có thể nói, sụt lún, sạt lở là những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay khi nhắc đến câu chuyện biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Theo các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân chính gây ra vấn đề sụt lún tại đây, gồm: bơm hút nước ngầm; cố kết tự nhiên; thiếu hụt trầm tích do các đập thượng nguồn; việc xây dựng đô thị dẫn đến tăng tải trọng tĩnh, dễ gây sụt lún.

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, các địa phương trong vùng cần ứng dụng các giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị để tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng xanh sẽ bồi đắp lại lượng nước ngầm thiếu hụt, góp phần hạn chế sụt lún đất trong tương lai…

Thống kê của ngành chức năng, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 2 triệu giếng khoan, với 550 nghìn giếng khai thác nước tập trung, khoảng 80% số người dân nông thôn sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt kết hợp sản xuất. Mực nước ngầm ở hầu hết các tầng chứa nước đều giảm trung bình từ 20-40 cm/năm và hiện mực nước ngầm vùng ĐBSCL giảm từ 12-15 m so với năm 1995. Ðiều này làm tốc độ sụt lún đất toàn vùng diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn.

Để hạn chế tình trạng này, cần giảm bơm hút nước ngầm, tìm các nguồn nước thay thế. Có giải pháp quy hoạch, phân bố dân cư hợp lý để tránh tình trạng quá tải. Cùng với đó, cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Còn về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học trữ lượng, chất lượng nước ngầm của vùng để có kế hoạch bảo vệ, sử dụng hiệu quả.

Đồng thời, cần thiết phải có nghiên cứu tính toán kỹ càng trong quy hoạch khai thác cát, có cơ chế giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động khai thác cát nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sự ổn định của lòng sông. Công tác dự báo cũng cần được nâng cao, chuẩn bị nhiều kịch bản thích ứng thì khi ấy chúng ta mới giải được bài toán hạn chế sụt lún, sạt lở đất.

Mặc dù ĐBSCL đang khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn lạc quan, nếu thực hiện đúng Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 Chính phủ và Quy hoạch tích hợp sẽ giúp vùng đất chín rồng phát triển thuận thiên, bền vững, trong tương lai.