Các dự án bao gồm Quốc lộ 1 từ nút giao An Lạc đến ranh tỉnh Long An, quốc lộ 13 từ nút giao Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến Vành đai 3, đường trục Bắc Nam từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành và dự án cầu đường Bình Tiên.
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) để tìm hiểu thêm:
PV: Xin chào ông Lê Quốc Bình, ông đánh giá như thế nào về việc Sở GTVT TPHCM tổ chức lấy ý kiến để triển khai 5 dự án BOT trên đường hiện hữu sau khi NQ98 có hiệu lực?
Ông Lê Quốc Bình: Theo tôi đây là nỗ lực rất lớn của Sở GTVT TP.HCM khi đã tôn trọng ý kiến các chuyên gia, các nhà đầu tư, tư vấn...
Quá trình lấy ý kiến này là việc cần phải làm thường xuyên để có thể có những dự án mang tính khả thi và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
PV: Trở lại với 5 dự án BOT hạ tầng giao thông sẽ triển khai lần này, đâu là điểm mấu chốt dẫn đến sự thành công của các dự án này?
Đầu tiên hết là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tiếp theo là các nhà tư vấn phải làm sao nghiên cứu đánh giá đề xuất các dự án có tính khả thi về tài chính mới thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Tiếp theo là làm sao tạo ra được cơ chế để người dân đồng thuận với các phương án thu phí hoàn vốn vì đây là những dự án BOT thu phí trên nền đường cũ nên việc quan tâm đến lợi ích của người dân lưu thông trên tuyến là đặc biệt quan trọng
PV: Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nhức nhối, vậy theo ông với 5 dự án này TP.HCM cần làm gì để giải bài toán giải phóng mặt bằng?
Ông Lê Quốc Bình: Bắt buộc phải tách thành dự án giải phóng mặt bằng riêng vì chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mới có thể làm được công tác giải phóng mặt bằng.
Không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm nhận công việc này và nếu như thành phố đưa giải phóng mặt bằng vào dự án PPP thì sẽ không có nhà đầu tư nào tham gia.
Kinh nghiệm từ Vành đai 2, Vành đai 3 rồi Luật Đất đai mới … tất cả đã tạo nền tảng cả cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn để có thể triển khai nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và bắt tay thực hiện dự án.
Do đó, tôi nghĩ rằng với những tín hiệu mới về bảng giá đất, Luật đất đai mới, cơ chế thu hồi đất…thì sẽ giúp giải quyết nhanh hơn rất nhiều so với các năm trước đây.
PV: TP.HCM cần đưa ra các yêu cầu như thế nào đối với các nhà đầu tư để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư vừa đảm bảo cho các dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ?
Ông Lê Quốc Bình: Khắt khe là 2 từ mà tôi muốn đề cập tới. TPHCM muốn tổ chức đấu thầu thành công và đảm bảo các nhà đầu tư có thể triển khai được dự án theo đúng tiến độ cam kết thì từ ngay từ bước lựa chọn đầu tiên phải rất khắt khe để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, trình độ.
Nếu chúng ta đưa ra đề bài quá dễ dãi thì hậu quả sẽ là những nhà đầu tư không bảo đảm năng lực trình độ và nhất là khả năng huy động vốn để thực hiện dự án. Khi đó cả thành phố lẫn nhà đầu tư sẽ rơi vào cảnh tranh chấp, nhùng nhằng trong khi công trình mà người dân mong đợi lại không có.
PV: BOT và bây giờ là BOT trên đường hiện hữu vốn dĩ là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, thậm chí là bức xúc. Vậy cần làm gì để đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, chính quyền thành phố nhưng vẫn đảm bảo quyền thụ hưởng của người dân, tránh những bức xúc như đã từng xảy ra?
Ông Lê Quốc Bình: Đơn giản nhất là hãy để người dân có quyền lựa chọn , nếu muốn đi nhanh thì phải trả phí, còn đi chậm thì không cần tốn tiền. Đi đoạn đường dài thì trả đủ phí, đi ngắn thì trả phí ít hơn, khi được quyền lựa chọn thì họ sẽ không bức xúc nữa.
Việc này giống như là có muốn mua 1 ly cafe đá để uống hay không là quyền của mình, nếu không thích uống cafe đá nữa thì mình uống nước suối. Đơn giản là vậy thì người dân sẽ không bức xúc nữa.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!