Cảm nhận vào thu...

Mùa thu Hồ Gươm khiến lòng người xao xuyến bởi vẻ đẹp dịu dàng và êm đềm như một bài thơ nhiều cảm xúc. Mùa thu Hà Nội không ồn ào, nhẹ nhàng đến, nhẹ nhàng đón đưa lòng người tới niềm vui khoan khoái một sáng yên bình hay một ngày nắng đẹp.

 BÊN DÒNG THỜI GIAN

Anh về Hà Nội đi anh

Cà phê gác phố Hàng Hành cùng em

Hoặc về Thủy Tạ ăn kem

Xong rồi mình ghé chợ đêm lòng vòng

Người ta có thể e sợ cái se sắt của mùa đông, ám ảnh những cơn mưa phùn bất tận của mùa xuân, dè dặt cái oi nồng của mùa hạ, nhưng không ai không yêu cho kì được sự lả lơi, phong tình của mùa thu trên những cây lộc vừng, cây cơm nguội, cây hoa sữa của xứ sở ngàn năm tuổi:

"Chị thích làm đẹp cho đời. Thích mọi người và những ai đến Hồ Gươm sẽ có những bức ảnh mà chị chụp với tất cả tâm huyết của mình để họ thấy yêu thêm Hà Nội".

"Đẹp nhất của thủ đô. Nơi thoáng mát, mọi người đều đến đây để suy ngẫm".

"Không gian vui, có Hồ Gươm, Tháp Rùa, tôi thích đạp xe lên đây để hưởng thụ không gian ấy".

"Vui vẻ không khí trong lành".

"Rất bình yên rất tình cảm và mọi người nhìn thấy nhau đều có những chào hỏi tôn trọng nhau".

Ảnh: Kênh 14

Ai cũng biết hồ Gươm được coi là biểu tượng của Hà Nội. Nhưng nhiều người không biết rằng vào mùa Thu, hồ Gươm sẽ trở nên quyến rũ và quyến rũ hơn. Lúc này cây xanh ven hồ bắt đầu thay lá, khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ, điệu đà soi bóng xuống mặt hồ, nắng không còn chói chang mà nhẹ nhàng chạm vào từng cảnh vật, hòa cùng phong cảnh đẹp như những xúc cảm của nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà:

"Mỗi mùa thu về ở Hồ Gươm mình thấy thay đổi mọi thứ, từ hàng cây, lá bắt đầu chuyển vàng. Về cả không khí mặt hồ ở rất khác. Ở hồ là không gian rất rộng để chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường thì với ngày trời Thu ra hồ sẽ thấy bối cảnh thay đổi rất nhiều.

Đặc biệt là không khí. Mọi người sẽ thấy trời trong như thế nào, có những ngày hơi xù một chút sương xuống buổi sáng thì đấy là những cảm xúc của mình. Đặc biệt là với những người chụp ảnh như mình thì mình rất rung động vì thay đổi thời tiết như thế làm mình có cảm hứng chụp ảnh hơn rất nhiều".

Ảnh: Kênh 14

Mùa thu kéo những người đang ở Hà Nội sống chậm lại, nói năng chậm lại, nghĩ ngợi chậm lại, đi đứng cũng chậm lại. Mùa thu Hà Nội không ồn ào, cứ nhẹ nhàng đến, nhẹ nhàng đón đưa lòng người tới niềm vui khoan khoái một sáng yên bình hay một ngày nắng đẹp bên Hồ:

"Tôi đi nước ngoài nhiều, tôi vẫn nhớ Hà Nội. Điều đầu tiên tôi nhớ là Hồ Gươm tháp Rùa tôi mang theo trong trái tim tôi".

"Bờ Hồ có nhiều kỷ niệm với tôi, với bạn bè và với người dân của Hà Nội. Cái này đã đi vào bài hát rồi".

"Thu Hà Nội là mùa mà mình hay chia sẻ với mọi người là một mùa mà rất nhiều người trong đó có mình là không muốn đi làm, chỉ muốn ngồi với bạn bè chỉ muốn đi chụp ảnh chill chill theo mùa thu Hà Nội. Tôi nghĩ đây là mùa mà bất cứ ai đi xa Hà Nội đều nhớ nhất về mùa thu".

Có lẽ, sẽ còn hàng ngàn “tình yêu” nho nhỏ, giản dị mà mỗi người đã đến và dành cho thủ đô yêu dấu. Bởi mùa thu Hà Nội có những nét đằm thắm, lãng mạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, làm người đi xa mãi nhớ nhung da diết… Đợi đến mùa thu để yêu thêm Hà Nội…

“Ai là thủ phạm” (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội (Ảnh: dulichgiaitri.vn)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Từ nhiều năm nay, cứ đến tháng Tám, các nhà hát dựng lại kịch của Lưu Quang Vũ để tưởng nhớ một nhà viết kịch tài năng. Những kịch bản của ông đều đã trên dưới 40 năm nhưng ngày  nay dựng lại vẫn hấp dẫn vì có tính văn học, các vấn đề xã hội là những căn bệnh của xã hội nên kịch không hề cũ.

Nhớ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ kể cho chúng ta câu chuyện viết kịch của một người tài hoa đã sống hơn nửa đời mình ở Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, cứ đến  tháng Tám, các  nhà hát dựng lại  kịch của ông  để tưởng  nhớ một nhà viết kịch tài năng. Trong chuyến đi công tác, bất ngờ gia đình ông bị tai nạn giao thông trên dường 5 ngày 28/ 8/1988. Vụ tai nạn tai nạn đã cướp đi sinh mạng của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh  và bé Lưu Quỳnh Thơ.

Trước khi viết kịch, Lưu Quang Vũ là nhà thơ. Ồng làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học vào bộ đội ông sáng tác nhiều hơn và bắt đầu có thơ đăng báo. Năm 1968, 20  bài thơ đầu tay chọn in chung vào tập Hương cây - Bếp lửa trong đó có nhiều bài về Hà Nội cho đến hôm nay đọc vẫn rất xúc động như: Trên cầu Long Biên, Máy nước đầu ngõ, Vườn trong phố…

Năm 1980, Lưu Quang Vũ  viết vở kịch đầu tiên Sống  mãi tuổi 17 khi ông 32 tuổi, kịch bản được  Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và công diễn rất  thành công. Sự xuất hiện của ông như một luồng gió mới thổi vào sân khấu kịch.

Tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985, kịch bản Tôi và chúng ta do Đoàn kịch nói Hà Nội dàn dựng đã giành được huy chương vàng. Nhưng kết thúc hội diễn, vở được diễn ngày ba xuất, liên tục trong ba tháng, điều chưa từng xảy ra với sân khấu kịch nói Việt Nam trong thế kỷ 20.

Kịch của Lưu Quang Vũ đã đánh trúng vào tâm lý, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa có ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân (Ảnh: dulichgiaitri.vn)

Vào TP.HCM, tôi cà chúng ta diễn ngày ba xuất, tại Nhà Văn hóa Công đoàn, xuất diễn nào cũng phải kê thêm ghế phụ. Tôi và chúng ta phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa phe bảo thủ và những người mong muốn thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, lề lối làm việc bằng ngôn ngữ chính kịch.

Đây là vở diễn đầu tiên cổ vũ cho công cuộc đổi mới đất nước. Những lời khen ngợi của báo chí và dư luận  khiến Bí thư Thành ủy TP.HCM khi đó là  ông Nguyễn Văn Linh phải đi xem.

Tiếp đó Lưu Quang Vũ viết Khoảnh khắc và vô tận được cho là tập 2 của Tôi và chúng ta. Vở kịch ở mức cao hơn như “mệnh lệnh” của cuộc sống, nếu không đổi mới đất nước chúng ta sẽ tiếp tục nghèo đói. Tại TP.HCM, Đoàn kịch Hà Nội đã đón khán giả thứ 100.000 đến xem.

Sự đón nhận của khán giả cả nước và đặc biệt trong cuộc gặp gỡ năm 1987 giữa  Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ được cho là cởi trói cho văn nghệ sĩ đã thôi thúc ông lao vào viết. Thật khó có thể tin được trong căn nhà chỉ rộng có 6,5 mét vuông ở 96 phố Huế với  bốn người sinh sống mà từ 7 đến 10 ngày ông viết xong một  kịch bản. Chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi bước vào sân khấu cho đến khi nằm xuống, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, hầu hết đã được dàn dựng.

Kịch bản của ông không chỉ có một đoàn  dựng mà cùng một lúc có rất nhiều đoàn kịch trên cả nước cùng dàn dựng và diễn dòng dã hàng tháng trời đã tạo ra  cơn sốt kịch Lưu Quang Vũ. Vì sao  kịch của ông được khán giả đủ các tầng lớp đón nhận?

Trước hết các vở đều  mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống, phản ánh những vấn đề bức thiết của thời đại. Về lối viết, kịch bản nào cũng rất hấp dẫn. Đặc biệt là ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật  hóm hỉnh, không sáo rỗng, rất  đời thường mà sâu  sắc.

Những kịch bản của ông đều đã trên dưới 40 năm nhưng ngày  nay dựng lại vẫn hấp dẫn vì có tính văn học, các  vấn đề xã hội là những căn bệnh của xã hội nên kịch không hề cũ.

Ảnh nh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

TIN YÊU

- UBND Thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận 4 điểm du lịch gồm Di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh; Đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); Điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch; Điểm du lịch Kim Lan ((xã Kim Lan, huyện Gia Lâm)

- “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là Ngày hội lớn của Nhân dân Thủ đô, được tổ chức vào ngày 6/10/2024 tại hồ Hoàn Kiếm với quy mô khoảng 10.000 người. Chương trình được tổ chức tại sân khấu chính là khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại khu vực: Vườn hoa Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Ngã tư Lê Thái Tổ – Bà Triệu – Tràng Thi – Hàng Khay.

- Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội 2024 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với 50 đội và 800 người tham gia. Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13/10/2024 (thứ Bảy và Chủ nhật) tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, mặt nước Hồ Tây, trục đường Thanh Niên (phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ).

- Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc – 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 13-8, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ. Đặc biệt trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra hoạt động diễu hành xiếc đường phố.

- Festival sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất sẽ diễn ra vào đầu tháng 9/2024, quy tụ 1.014 tác phẩm cây ảnh nghệ thuật. Thời gian dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2/9 đến ngày 18/9 tại khu trường đua F1 (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).