Cấm chặn đánh giá của người tiêu dùng trên Facebook, Shopee...

Cấm chặn đánh giá của người tiêu dùng trên các nền tảng số như Facebook, Shopee,… là một trong những nội dung mới được quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, đã được Quốc hội biểu quyết thông qua mới đây.

Cụ thể, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số sử dụng biện pháp ngăn hiển thị (chặn, ẩn, xóa…), hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số (trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội).

Liệu quy định này có khiến các chủ doanh nghiệp bán hàng trên các nền tảng số có ý thức và trách nhiệm hơn với những sản phẩm hay dịch vụ mình đang kinh doanh hay không, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Cao Trí, người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

PV: Với cương vị là người đã có nhiều năm kinh doanh trên nền tảng số, anh có cái nhìn như thế nào về quy định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng này sẽ không được chặn các đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của mình?

Anh Nguyễn Cao Trí: Đối với mình điều này mình hoàn toàn đồng ý. Vì bản thân những phản hồi, đánh giá đấy nên được phát huy đúng cái tác dụng, để cho những người mua hàng sau có thêm thông tin về những đơn hàng trước.

Tuy nhiên điều mình quan tâm bây giờ là mình không biết chế tài xử lý nó sẽ như thế nào đối với những trường hợp vi phạm. Bởi nói về chế tài thì thực ra là bán hàng online khoảng tầm 10 năm đổ lại đây đang phát triển rất là mạnh mẽ, và có rất nhiều vi phạm đã bị bỏ qua.

Bởi vì là thứ nhất là nó mới và thứ hai là về mặt luật pháp của mình chưa theo kịp được. Nên là theo mình, điều quan trọng nhất đấy là cái văn hóa mua hàng của người mua hàng thôi, người mua hàng cần phải càng ngày càng thông nh và văn hóa hơn để bài trừ những nhà bán hàng vi phạm.

Bên cạnh đấy, đấy là sự giúp sức của nền tảng, tại vì nói thật là nếu mà không có nền tảng gọi là bật đèn xanh thì nhà bán hàng cũng khó có thể vi phạm được. Còn sau cùng thì mới đến cái tính tự giác của các nhà bán hàng.

Ảnh nh họa 

PV: Vậy anh có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng khi lựa chọn địa chỉ để mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, hay mạng xã hội, ngoài việc thông qua các phản hồi, đánh giá về sản phẩm?

Anh Nguyễn Cao Trí: Đối với mình thì đánh giá vẫn là một cái nguồn tham khảo tốt, thứ nhất là như thế, còn bên cạnh đấy chúng ta cũng phải cân nhắc đến những cái đánh giá, cái tính đúng, sai của đánh giá. Bởi vì đánh giá về các đơn hàng có thể làm giả rất là dễ. Thứ hai là mình nên nhắn tin và trao đổi với các đơn vị, nhà bán hàng trước khi chốt đơn, để có thể biết được thái độ của nhà bán hàng đối với cái khách hàng của mình.

Bởi vì đối với mình thì khi mà những người bán hàng mà họ thật sự quan tâm đến sản phẩm, họ tự tin vào sản phẩm họ tốt thì họ cũng sẽ quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng hơn, so với những cái shop mà cảm giác hời hợt với việc chăm sóc khách hàng. Vì điều này nó lại cũng một phần nào thể hiện cái sự ăn xổi của shop đấy đối với những cái sản phẩm đấy.

Ngoài ra cũng cần chú ý đến giá thành của sản phẩm, xem có rẻ hơn nhiều so giá thị trường không ? Người bán có cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm không hay có chính sách bảo hành và hoàn tiền như thế nào? 

PV: Xin cảm ơn anh.