Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch 27/01, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago đóng cửa với các mức tăng giảm trái chiều. Lúa mì tiếp tục giảm mạnh kéo theo giá ngô, trong khi tổ hợp đậu tương vẫn duy trì được đà tăng từ phiên trước đó.

NÔNG SẢN

Bán hàng lúa mì Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/01 đạt gần 700,000 tấn, là mức cao nhất kể từ đầu niên vụ đến nay, tuy nhiên, lực bán vẫn áp đảo trong cuối phiên sáng và phiên tối. Nguyên nhân chủ yếu gây sức ép lên giá lúa mì là việc đồng Dollar tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 07/2020, sau khi FED tuyên bố chắc chắn sẽ nâng lãi suất từ tháng Ba tới.

Bên cạnh đấy, căng thẳng Nga – Ukraine không có dấu hiệu leo thang, khiến giới đầu cơ liên tục phải dừng lỗ đối với các vị thế mua trước đó, cũng góp phần đẩy giá về lại mức đóng cửa của cuối tuần trước.

Diễn biến của lúa mì đã tác động tiêu cực đến giá ngô, xóa đi toàn bộ lực hỗ trợ từ các số liệu bán hàng và giao hàng tích cực. Bán hàng ngô Mỹ trong tuần này đạt 1.4 triệu tấn, tăng gần 30% so với tuần trước vào cao hơn khoảng dự đoán, trong khi giao hàng ngô Mỹ đạt mức cao nhất niên vụ. Tác động trái chiều từ các yếu tố cơ bản đã khiến giá ngô rung lắc mạnh trong phiên tối và đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0.28%.

Đối với nhóm đậu tương, đà tăng mạnh của dầu đậu tương đã chững lại khi giá dầu thô bất ngờ suy yếu trong phiên tối. Mặc dù vậy, giá dầu cọ tiếp tục tăng mạnh và thiết lập đỉnh mới giúp cho giá dầu đậu vẫn tăng 0.64% kết thúc phiên. Lo ngại về nguồn cung đậu tương tại Nam Mỹ, khi bang Parana của Brazil hạ dự báo sản lượng đậu tương về mức 12.8 triệu tấn, thấp hơn 35% so với dự báo trước đó, giúp cho giá đậu tương tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Đối với khô đậu tương, đà tăng của đậu tương kết hợp với lực mua kỹ thuật sau khi giá vượt lên khỏi vùng 400 USD, giúp cho mặt hàng này tăng mạnh hơn 1% trong phiên hôm qua.

KIM LOẠI

Hai mặt hàng kim loại quý kết thúc phiên giao dịch thứ năm với mức giảm mạnh. Giá bạc giảm gần 5% về 22.676 USD/ounce, giá bạch kim đóng cửa với mức giảm khiêm tốn hơn, 2.3% còn 1021.8 USD/ounce. Sức ép lớn nhất đối với hai mặt hàng kim loại quý vẫn đến từ đồng bạc xanh.

Chỉ số Dollar Index tăng lên 97.3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Việc đồng USD lấy lại vị thế khiến cho vai trò trú ẩn của các mặt hàng bạc và bạch kim kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, mức lợi suất “cao ngất” của trái phiếu Chính phủ cũng thu hút dòng vốn hơn thị trường chứng khoán và thị trường hàng hoá trong giai đoạn này.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 7 điểm cơ bản về 1.8%. Khả năng cao FED sẽ siết chặt các chính sách tiền tệ ngay trong tháng 3 và tăng lãi suất nhiều hơn ba lần trong năm nay đã làm triển vọng của thị trường kim loại quý trở nên kém đi rất nhiều.

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng giảm khoảng 2% về 4.42 USD/ounce. Đà tăng của giá quặng sắt cũng dừng lại trong phiên hôm qua, giá đóng cửa ở mức 137.62 USD/tấn. Cũng như các mặt hàng kim loại quý, giá hai mặt hàng đồng và quặng sắt đều chịu sức ép từ đồng bạc xanh.

Ngoài ra, sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc khi kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh đang đến gần cũng khiến cho các nhà đầu tư gia tăng sức ép bán đối với cả hai mặt hàng. Ngoài ra, tâm lý e ngại rủi ro cũng là yếu tố khiến các quỹ của Trung Quốc sẽ đóng bớt các vị thế để tránh những biến động trên thị trường bởi các hoạt động bán hàng giao ngay sẽ giảm bớt và diễn biến của thị trường sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động đầu cơ.