Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/3, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đóng cửa trong sắc xanh. Khô đậu bất ngờ là mặt hàng dẫn dắt cả nhóm với mức tăng 3.2%, trong khi dầu đậu cũng tăng hơn 2% nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của dầu thô.

Lực mua đối với đậu tương được đẩy mạnh ngay đầu phiên nhưng diễn biến giằng co đến cuối phiên khiến giá đậu tương chỉ tăng gần 2%. 

Ảnh nh họa

Theo S&P Global, giá đậu tương giao ngay tại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục mới trong ngày hôm qua. Mức giá mới này cao hơn 3% so với tuần trước và 10% so với tháng trước. Nguyên nhân khiến giá tăng cao là do đà tăng của chi phí vận tải và nguồn cung bị thắt chặt.

Tuần trước, Trung Quốc đã mua 55 – 60 lô hàng dự kiến được giao trong cả ngắn và trung hạn. Bên cạnh đó, trong báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales), Mỹ đã bán 132,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và 126,000 tấn đậu tương niên vụ 21/22 cho một nước giấu tên.

Thông tin trên đã giúp lực mua được duy trì trong suốt phiên và có thời điểm đã vượt lên trên mức kháng cự tâm lý 1700 cents.

Trong khi đó, lúa mì đã lần đầu tiên suy yếu sau nhiều liên tiếp tăng kịch trần. Giá lúa mì đã giằng co và biến động rất mạnh trong biên độ lên tới 200 cents. Các yếu tố cơ bản và lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại biển Đen đang hỗ trợ giá lúa mì tháng 05 chỉ giảm nhẹ 0.6% nhưng đối với các hợp đồng tháng xa giá đã giảm rất mạnh từ 4 – 5% sau khi Ukraine tuyên bố không còn muốn gia nhập NATO như trước.

Đối với ngô, giá cũng giằng co mạnh trong phiên tương tự như các mặt hàng khác trong nhóm nông sản, với biên độ lên đến 30 cents, nhưng đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0.3% lên mức 753.00 cents/giạ.

Năng lượng

Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua do các thông tin về lệnh cấm vận của của các nước phương Tây đối với ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3.6% lên 123.7 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng tăng 3.87% lên 127.98 USD/thùng.

Dầu thô giằng co nhẹ trong phiên sáng hôm qua khi thị trường chờ đợi thêm các thông tin mới từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Tuy vậy đến phiên tối giá bật tăng mạnh mẽ trước thông tin Tổng thống Mỹ Biden tiến hành cấm nhập khẩu một loạt các nguyên liệu hóa thạch từ Nga, như dầu thô, sản phẩm từ dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng bị cấm đầu tư vào ngành năng lượng của Nga.

Mặc dù Mỹ thực chất không nhập khẩu quá nhiều dầu từ Nga, tuy nhiên cũng mở đầu cho các nước khác hành động tương tự. Tiếp theo Mỹ, nước Anh cũng bắt đầu lên kế hoạch cắt hoàn toàn lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong cuối năm nay.

Điều này cũng kích hoạt một loạt động thái đáp trả từ phía Moscow. Theo đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt nhằm cấm xuất khẩu các hàng hóa quan trọng với mục địch “đảm bảo an ninh Liên bang Nga”, chỉ 1 ngày sau khi đe dọa cắt đứt dòng khí khí tự nhiên cho châu Âu tại đường ống Nord Stream 1.

Nếu Nga quyết tâm đáp trả châu Âu có thể sẽ phải tiếp tục hứng chịu khủng hoảng năng lượng trong năm nay. Các thông tin này đã khiến cho giá WTI tăng 6-7 USD/thùng trong phiên tối. Tuy vậy, lực bán chốt lời đã đẩy giá giảm trong phiên tói.

Các diễn biến mới trên thị trường làm lu mờ tác động của Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 3 của EIA rạng sáng nay. Do độ trễ của dữ liệu và thông tin, báo cáo chưa đánh giá được hết tác động của các lệnh cấm vận đối đối với Nga, báo cáo của EIA vẫn dự đoán cán cân cung-cầu dầu thế giới sẽ đạt cân bằng trong quý II/2022.

Với việc EIA điều chỉnh tăng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 từ 100.52 triệu thùng/ngày lên 101.61 triệu thùng/ngày, và với việc nguồn cung thị trường khả năng cao sẽ chịu nhiều gián đoạn, có thể thấy rằng khả năng cao thị trường dầu sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trong các tháng tới.

Mặc dù Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu tăng 2.8 triệu thùng, đặt trong trong bối cảnh hiện tại, mức tăng này không có nhiều ý nghĩa.