Các mặt hàng kim loại công nghiệp tiếp tục nối dài đà tăng nhờ những kỳ vọng tiêu thụ

Diễn biến trái chiều quay lại đối với thị trường kim loại quý, giá bạc giảm 0.4% còn 23.8 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng gần 2% lên 1045 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 3 tháng.

Các thông báo thắt chặt chính sách tiền tệ của FED gây sức ép trực tiếp lên hai mặt hàng kim loại có vai trò trú ẩn cao nhất là vàng và bạc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên 1.87%, cho thấy dòng vốn thoát khỏi thị trường trái phiếu và cũng là một thị trường trú ẩn khác.

FED vẫn chưa thông báo thời gian cụ thể về việc tăng lãi suất, tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell cũng cho biết tình trạng lạm phát vẫn có thể duy trì trong ngắn hạn, và FED sẽ cần thời gian để thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ hiện nay. Vì thế, mức giảm của phiên hôm qua đối với giá bạc không mang tính đảo chiều xu hướng, mà có thể chỉ là một phiên giảm điều chỉnh. Trái lại, giá bạch kim lại biến động như một kim loại công nghiệp trong phiên hôm qua. Bạch kim vốn là kim loại quan trọng và được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất ô tô, và đặc biệt nhiều hơn trong lĩnh vực xe điện, nên việc Tesla có doanh số bán hàng cao kỷ lục cũng là một yếu tố rất tích cực hỗ trợ cho giá tăng trong phiên hôm qua.

Giá đồng cũng đóng cửa cao hơn 1.5% ở mức 4.515 USD/pound. Những kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện là yếu tố hỗ trợ rất tốt đối với giá. Bất chấp những khó khăn trong triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và sự suy yếu của ngành bất động sản do doanh số bán nhà yếu kém, sức mua trên thị trường vẫn áp đảo, tuy nhiên khó thể khẳng định đây là một đà tăng bền vững.

Giá quặng sắt tăng phiên thứ năm liên tiếp lên 137.7 USD/tấn, trong bối cảnh hai công ty sản xuất lớn là BHP và Rio Tinto cho biết tình trạng thiếu hụt lao động sẽ khiến cho các hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc bang Tây Australia, khu vực có trữ lượng quặng sắt lớn nhất thế giới chậm trễ trong việc mở cửa có thể khiến cho tình trạng sản xuất bị đình trệ nghiêm trọng hơn và hỗ trợ cho giá sắt.

NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch 26/01, toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago đồng loạt biến động mạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc các mặt hàng trong nhóm đậu tương đã đồng loạt tăng hơn 2%. Hãng tin Reuters đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina xuống còn 43.6 triệu tấn giảm 3% so với báo cáo trước đó. Còn ở Brazil, Mạng lưới Kỹ thuật Hợp tác xã (RTC) dự báo năng suất trung bình của Rio Grande do Sul sẽ ở mức 31 bao/héc-ta, giảm mạnh so với năng suất ban đầu 60.2 bao/héc-ta. Các thông tin về thiệt hại trên đã khiến giá đậu tương tăng 2.3% lên mức 1440 cent/giạ, cao nhất kể từ tháng 06 năm ngoái đến nay.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng và giá dầu cọ Malaysia thiết lập mức đỉnh lịch sử, cũng giúp giá dầu đậu tương tăng mạnh 2.3% lên mức 63.93 cent/pound. Còn đối với khô đậu, bất chấp diễn biến trái chiều với dầu đậu, nguồn cung đậu tương eo hẹp và sản lượng DDGs giảm cũng giúp giá mặt hàng này tăng 2.2% lên mức 400.5 USD/tấn Mỹ.

Ngô cũng tiếp tục duy trì đà tăng lên mức 627.0 cents/giạ, cao nhất trong vòng 7 tháng. Mặc dù sản lượng ethanol giảm cùng với tồn kho ethanol tăng mạnh trong báo cáo tuần này của EIA, nhưng đà tăng chung của giá dầu thô và nhóm đậu tương đã hỗ trợ tích cực cho mặt hàng này.

Tuy nhiên đà tăng của ngô bị hạn chế bởi việc giá lúa mì đã giảm mạnh gần 3% trong ngày hôm qua, xóa đi phần lớn mức tăng tích lũy trong 2 phiên đầu tuần. Mặc dù vẫn còn những lo ngại đối với tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga, Ukraine và các nước phương Tây, giá đã giảm mạnh khi nhu cầu của Trung Quốc dự báo sẽ suy yếu. Theo một số chuyên gia, nếu giá duy trì đà tăng hiện tại, lượng lúa mì dùng làm thức ăn chăn nuôi trong niên vụ 21/22 của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ nằm trong khoảng 10 – 24 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 40 triệu tấn trong niên vụ 20/21.