Cá thát lát Hậu Giang lên đường xuất ngoại

Cá thát lát là một trong những đặc sản của Hậu Giang được người tiêu dùng gần xa yêu thích. Không chỉ dừng lại việc tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng trong nước, giờ đây, bà con Hậu Giang còn đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm từ cá thát lát để chinh phục các thị trường nước ngoài.

Đến thăm HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang những ngày này, dễ dàng cảm nhận không khí sản xuất của các công nhân tại đây rộn ràng hơn trước để kịp cho các đơn hàng mùa sản xuất cao điểm cuối năm và xuất khẩu. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX cho biết nhờ sở hữu 3ha nuôi cá thát lát và vùng nguyên liệu liên kết gồm 26 thành viên, diện tích khoảng 12ha nên đơn vị luôn chủ động được nguồn cá thát lát đầu vào.

HTX hiện có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Trong đó, cá thát lát có 10 sản phẩm. Ngoài cung cấp cho các cửa hàng, hệ thống các siêu thị Co. op Mart, Mega Market đơn vị còn gia công sản phẩm để  xuất khẩu sang thị trường Mỹ…  Điều này cũng giúp những bà con xa quê dễ dàng thưởng thức đặc sản quê nhà.

Bà Nguyễn Kim Thùy, chia sẻ: Chuyến rồi là 10 tấn, chuyến tới là 20 tấn, đi Mỹ thì tiêu chuẩn nó cao hơn Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Đi Mỹ hiện nay chị nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, cá của chị đầu vào kiểm 8 chỉ tiêu kháng sinh cấm đầu vào đạt, đầu vào mình đạt….

Cũng theo bà Thùy, nếu hình thành được vùng nuôi cá chuyên canh kết hợp chế biến và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm từ cá thát lát theo chuẩn VietGAP thì giá cá sẽ ổn định và cao hơn. Để chuẩn cho việc phát triển trong tương lai, HTX sẽ mở rộng nhà xưởng, kho lạnh và vùng nguyên liệu…để đưa cá thát lát Hậu Giang vươn xa.

Bà Thùy bày tỏ: Sản xuất mô hình nhỏ hoặc lớn mình phải áp dụng theo quy trình sạch, để mình có nhiều sản phẩm sạch, cái đó mới đủ, đáp ứng cho thị trường lớn và cái đó là thế mạnh của địa phương mình. Hậu Giang nhiều sông, rạch và thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, bản thân HTX ngành thủy sản cũng muốn định hướng đến bà con mình làm sao hiểu được sản phẩm sạch như thế nào sẽ đồng hành với HTX để phát triển vấn đề này.

Cá thát lát Hậu Giang (ảnh: haugiangtivi.vn)

Hiểu được nhu cầu của thị trường nên những người chuyên nuôi cá thát lát như ông Lê Hoàng Duyên, cũng chuyển sang nuôi theo hướng an toàn, quy mô lớn. Hiện, ông Duyên đang sở hữu trại nuôi cá nước ngọt rộng khoảng 7,5ha với 17 ao, trong đó phần lớn nuôi cá thát lát, còn lại là cá sặc rằn, cá trê vàng, cá rô, cá lóc…

Ông Lê Hoàng Duyên, cho biết: Nếu mà con cá thát lát của Hậu Giang nếu mà được quảng bá thương hiệu lên, được sản xuất ở nước ngoài, hút hàng lên cho con cá phát triển lên nhiều nữa thì tụi tui gắn bó với nó lắm luôn, không bỏ được. Đầu ra hiện giờ đang ổn định. 85 ngàn/kg. Nếu mà được như vầy không có thể làm giàu được à.

Cá thát lát ở ĐBSCL không hiếm, nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng nhất là cá thát lát Hậu Giang. Vì vậy, nuôi và chế biến cá thát lát được xem là nghề “ăn nên làm ra” của nhiều bà con nông dân. Nhờ ưu điểm thịt cá săn chắc, giòn, dai nên thị trường thát lát Hậu Giang ngày càng rộng mở. Diện tích nuôi và HTX chuyên về cá thát lát cũng ngày càng nhiều.

Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hậu Giang cho biết: Hiện, có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cá thát lát. Đây là tín hiệu vui vì khách hàng chấp nhận, thị trường chấp nhận, có nhu cầu thì mới có nhiều nhà sản xuất mới tham gia vào thị trường. Càng nhiều càng tốt thì xem như cũng là động lực để mình phát triển.

Cá thát lát là 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang. 9 tháng qua, diện tích nuôi cá thát lát của tỉnh gần 72ha. Dự kiến đến cuối năm nay đạt khoảng 100ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ... Trong đó, có một số hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá thát lát và có nhiều HTX với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, cung ứng thức ăn cho các xã viên, liên kết bao tiêu đầu ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi cá thát lát 150ha, sản lượng cá thát lát 13.500 tấn. 

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình nuôi thủy sản thích nghi tại địa phương và có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cá thát lát. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, hộ dân, HTX xây dựng mô hình quản lý cộng đồng các hoạt động sản xuất thủy sản, trong đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, áp dụng quy trình GAP. Xây dựng mô hình sản xuất công nghiệp, mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp nuôi thủy sản với các doanh nghiệp chế biến, các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có khả năng tiêu thụ sản phẩm...

Hy vọng với những nỗ lực của ngành chức năng cùng sự chung tay, đồng lòng của doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân Hậu Giang sẽ giúp con cá thát lát ngày càng vươn xa. Sản phẩm từ cá thát lát không chỉ chinh phục thị trường Mỹ mà xa hơn sẽ là những thị trường lớn khác, mang về thu nhập khá cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.