Con hẻm nhỏ có căn nhà của cố Nghệ sĩ tài hoa, cùng quán cà phê cóc phía đầu hẻm ngắm nhìn những đổi thay của thành phố hơn 300 năm tuổi. Quán cà phê tấp nập thuở nào, giờ đã nép mình lại một góc vỉa hè nhưng những hồi ức về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lòng những con người đã phải lòng âm nhạc của ông vẫn còn mãi.
Sớm tinh mơ, sau cơn mưa mang theo cái cảm giác se se lạnh của một sáng cuối thu ở Sài Gòn, chúng tôi ghé lại quán cà phê Hẻm Trịnh tại số 47 đường Phạm Ngọc Thạch (Đường Duy Tân cũ). Quán cũng chẳng bảng tên hay biển hiệu, thế nhưng nhắc đến cà phê hẻm Trịnh thì hầu hết giới văn nghệ sĩ hay người yêu thể loại nhạc Trịnh đều biết đến quán.
Cà phê hẻm Trịnh là cái tên thân thương được đặt bởi những khách lâu năm ở quán, bởi sâu trong con hẻm là ngôi nhà số 47C, nơi cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng sinh sống và làm việc cho đến những ngày tháng cuối đời.
Ngồi xuống chiếc ghế nhựa của quán cà phê cóc đầu hẻm, nhâm nhi ly cà phê sữa đá mang đậm phong vị Sài Gòn chúng tôi có dịp trò chuyện cùng vợ chồng chú Trần Công Hoành và cô Lê Thị Yến, những người đã khai sinh ra quán cà phê Hẻm Trịnh.
Qua lời kể của đôi vợ chồng gốc Huế, rời Cố Đô vào Sài Gòn lập nghiệp, dù xuất thân là nhân viên ngân hàng và giáo viên, 2 cái nghề chẳng hề liên quan đến nghệ thuật. Thế nhưng, bằng tình yêu với thể loại âm nhạc đã dung dưỡng tâm hồn mình từ thuở niên thiếu và cơ duyên với cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chú Hoành và cô Yến đã về con hẻm nhỏ này và mở ra quán cà phê song hành cùng mảnh đất Sài Gòn ngót nghét gần nửa thế kỷ.
Thoáng chút hoài niệm sâu trong đáy mắt cô Yến kể lại cho chúng tôi nghe về cơ duyên đã mang cô đến với Hẻm Trịnh này: "Cô mà tới bán ở đây cũng là từ cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gợi ý để cho cô tới đây, cô mở ra quán cà phê phía trước đó. Bản thân cô là giáo viên, trong thời gian bao cấp thì khi đó, anh mới thấy như vậy anh nói, em tới đây em bán rồi có anh đây giúp đỡ".
Cũng góc phố, cũng con hẻm ấy, thế nhưng giờ đây lượng khách cũng đã dần thưa vắng. Góc hẻm nhỏ thuở nào, điểm hò hẹn quen thuộc của nhiều tầng lớp trong xã hội. Thế nhưng điểm chung của những người thường xuyên lui tới đây đều là những tâm hồn trót phải lòng âm nhạc của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Qua lời kể của chú Hoành, thuở trước, con hẻm nhỏ lúc nào cũng chật nêm khách, những chiếc ghế nhựa “ Chợ Lớn” đỏ choét vừa để ngồi vừa là chiếc bàn để cà phê, những lúc đông khách chẳng còn đủ ghế ngồi, nền đất cũng trở thành bàn. Những chủ đề về âm nhạc, về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dĩ nhiên là chủ đề thu hút và được luận bàn nhiều nhất bởi những nhà “ Trịnh Công Sơn học”, những con người mang hồn nghệ sĩ , yêu và hiểu thần tượng của mình đến kinh ngạc.
Và vì vậy, khách hàng quen thuộc của quán cà phê “cóc” này đa phần là giới văn, nghệ sĩ, dần dà cũng trở thành nét chấm phá đặc trưng của quán.
Ngoái người nhìn về con hẻm phía sau lưng, chút bồi hồi về những tháng ngày xưa cũ, trong ánh mắt của người đàn ông đã ngoài cái độ tuổi sáu mươi có chút ửng đỏ, cùng tông giọng hơi lạc đi, chú Hoành tâm sự: “Kỉ niệm của mình mà, hơn 40 năm, cả nửa đời người mà. Lúc nào mình đều nghĩ thời gian thì nó thay đổi thôi nhưng mà mình thấy mình cũng buồn tại vì quán hồi xưa đông và vui lắm. Rất là đông.”
Nhắc nhớ về những hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, dù đã lìa xa cõi trần hơn 20 năm, thế nhưng những bóng hình của cố Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trong lòng của 2 người em, 2 người hâm mộ trọn đời của ông vẫn chưa hề phai nhạt. Chẳng thể giấu nổi những cảm xúc khi nhắc về người cố Nhạc sĩ tài hoa thuở nào, những kí ức như ùa về trong tâm khảm của cô Yến. Từ những ngày đầu về đây, được ông chở che, bảo bọc rồi đến ngày chẳng còn được nhìn thấy bóng hình thân thuộc thuở nào.
Chút bùi ngùi pha lẫn chút mất mát cô Yến tâm sự: “Đó là một cõi trời mình cứ nhớ mãi. Trong cái góc trời này, hình bóng của anh đi chiếc xe PC sáng nào cũng đi qua 81 Trần Quốc Thảo bên chỗ hội văn nghệ rồi trưa về. Chồng cô coi như là ra Hoành ơi chở anh đi một đoạn qua bên kia chập chi rồi chở anh về. Ngoài cái mình bán trong đó có cái tình anh em, tình thân.”
Lên xe ra về, trời Sài Gòn lại có những hạt mưa phất phơ bay cùng tiết trời se se lạnh, tạm biệt hẻm Trịnh, gác tạm lại những hồi ức về cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn qua những lời kể của đôi vợ chồng vẫn ệt mài lưu giữ những hoài niệm về ông. Và Hẻm Trịnh vẫn ở đó, vẫn là nơi gìn giữ những kí ức về ông trong lòng những người hâm mộ, những anh em, bè bạn.
Và giữa lòng Sài Gòn rộng lớn, vẫn có một hẻm Trịnh lặng yên ở đó, để những ai trót phải lòng âm nhạc của ông sẽ vẫn luôn có một nơi để tìm về, để yêu, để nhớ.
SỐNG Ở SÀI GÒN: Dai dẳng chuyện đỗ xe ở thành phố phát triển
Thiếu không gian trông giữ xe luôn là vấn đề nóng và làm cánh tài xế phải ngao ngán mỗi khi di chuyển đến các quận trung tâm tại TP.HCM. Điều này tạo nên hình ảnh “nhếch nhác” ở một đô thị đang phát triển mạnh bởi việc đỗ xe bất chấp, ngổn ngang trên nhiều tuyến đường. Cùng với đó là nhiều hệ luỵ về mất an toàn giao thông, hình thành các điểm trông gửi xe chui “chặt chém”...
Cứ thế qua thời gian dài, thiếu bãi đỗ xe trở thành “căn bệnh” khó trị ở thành phố nhộn nhịp, tấp nập người và xe.
Ở một đô thị đông dân như TP.HCM thì việc ùn tắc vào giờ cao điểm là điều khó tránh khỏi. Trong số đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng kẹt xe: số lượng phương tiện tăng cao và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp, tai nạn xảy ra bất chợt, thiếu bãi trông giữ xe dẫn đến các phương tiện dừng đỗ ngổn ngang, bất chấp...và còn rất nhiều nguyên nhân khác.
Xét một trong số nguyên nhân gây ùn ứ giao thông và tạo sự phản cảm đối với người khác đó là dừng đỗ sai quy định. Vấn đề này sẽ không khó bắt gặp ở các tuyến đường tại TP.HCM và đặc biệt ở các quận trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc dừng đỗ ngổn ngang số ít là do ý thức chưa tốt còn phần lớn là vì thiếu nơi trông giữ xe.
“Bài toán” thiếu bãi giữ xe kéo dài dai dẳng từ nhiều năm qua và ngày càng trở nên khó giải, bởi dân số và lượng phương tiện ngày một tăng dần theo sự phát triển của thành phố. Điều này gây ra sự phiền toái đối với người dân và những người làm dịch vụ đưa đón.
Theo khảo sát đối với một vài người dân “gốc” thành phố, việc tìm nơi “tin cậy” để gửi xe mỗi khi vào các quận trung tâm là điều hết sức đau đầu và gian nan, mặc dù đường xá, thói quen, tập quán...họ nắm trong lòng bàn tay. Người “kì cựu” ở thành phố còn vất vả tìm nơi gửi xe, vậy thì người rìa ngoài và du khách đến thành phố sẽ tìm kiếm ra sao?
Vấn đề tìm kiếm nơi trông giữ kể cả xe máy và ô tô sẽ càng thêm phức tạp mỗi khi trung tâm thành phố có sự kiện thu hút mọi người khắp nơi đến tham gia. Mặc dù trong các quận trung tâm thành phố có những bãi giữ xe thu phí và một số điểm nhà xe của nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, tổng diện tích trông gửi xe ấy còn quá khiêm tốn và hạn chế so với nhu cầu của người dân, và thế là những bãi gửi xe “uy tín” thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải.
“Cơn khát” thiếu nơi gửi xe ở thành phố cứ thế diễn ra nhiều năm và dần bị “biến chứng” thành mánh khoé kiếm tiền bất hợp pháp của một số người. Thiếu sự quản lý, một số người tự tiện phân chia “lãnh địa” và luật ngầm với nhau, từ đó “biến” vỉa hè, lòng đường trở thành nơi giữ xe với giá trên trời. Người dân vì không biết hoặc vờ như không biết nhằm thuận lợi cho mục đích của mình, mà cứ thế tìm đến những địa điểm như vậy để gửi gắm tài sản vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ.
Đã có nhiều vụ bị kẻ gian trộm gương, chủ nhà tạt sơn bởi dừng đỗ che hết lối đi...vì gửi xe ở những điểm tự phát. Sau mỗi lần như thế, truy đến trách nhiệm thì người “coi xe” biệt tăm biệt tích. Thế mới thấy thiếu bãi gửi xe ở thành phố phát triển gây ra nhiều hệ luỵ và phức tạp như thế nào, và sau cùng người thiệt thòi vẫn là người dân.
Giải “cơn khát” bãi đỗ xe đó là xây dựng những mô hình nhà đậu xe cao tầng ở nhiều quận huyện trong thành phố là vấn đề đã được nhà quản lý đô thị tính đến và dự kiến xây dựng trong tương lai. Tuy nhiên thời điểm hiện tại cần có những phương án phù hợp để giải quyết những bất tiện hiện hữu do thiếu bãi gửi xe.
Đẩy mạnh phương tiện công cộng, tuy nhiên trong đó phải cho thấy được sự tiện ích, tiện lợi nhằm thu hút người dân sử dụng. Từ đó giảm bớt lượng phương tiện cá nhân, nhu cầu trông gửi...Đó là một phương án mà hiện thành phố đang có như xe buýt điện, xe đạp và đặc biệt là đường sắt tốc độ cao. Ngoài ra, cần mạnh tay hơn trong xử phạt các hành vi dừng đỗ sai quy định và những người thu lợi bất chính từ việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ xe. Đối với vấn đề này cần truy trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa phương để từ đó có sự kiểm soát chặt chẽ.
Trong tưởng tượng, đường xá TP.HCM sẽ đẹp và dễ chịu khi được thông thoáng, không còn cảnh phương tiện dừng đỗ hợp pháp và không hợp pháp hai bên đường.
TIN YÊU
# Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch, dự kiến hoàn tất việc di dời trước ngày 30/4/2025. Những dự án này là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng ền Nam và thống nhất đất nước, trong đó dự án rạch Xuyên Tâm là dự án trọng tâm, với quy mô di dời 2.215 căn nhà.
# UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo, đồng ý đề xuất của Sở Văn Hoá –Thể Thao TP.HCM về chủ đề các hoạt động lễ hội nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đó là “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa”. Cùng với đó, UBND TP.HCM cũng đồng ý đề xuất về thiết kế Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025.
Theo đó, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay sẽ gồm 4 đoạn, 5 đại cảnh, 4 trung cảnh và 31 tiểu cảnh. Đoạn 1 với chủ đề “Truyền thống” (khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh); đoạn 2 “Kết đoàn” (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Thất Thiệp); đoạn 3 “Chuyển mình” (từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Ngô Đức Kế) và đoạn 4 “Phát triển” (từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Ngô Đức Kế)… Các hình ảnh trang trí tập trung thể hiện vẻ đẹp đất nước, vẻ đẹp và con người TP.HCM cũng như nhịp sống, sự phát triển của thành phố bên cạnh hình ảnh linh vật rắn.
# Tính đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận hơn 300 tỷ đồng từ sự chung sức của rất nhiều đơn vị doanh nghiệp, cá nhân để kịp thời đóng góp, hỗ trợ đồng bào ền Bắc.
# Theo UBND quận 3, quận này sẽ tổ chức Lễ hội đua ghe ngo quận 3 mở rộng lần thứ 2 năm 2024 vào ngày 10-11 tới đây tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Sự kiện sẽ có sự tham gia của 12 đội dự thi đến từ quận 3 và các tỉnh thành khu vực phía Nam.