Cà phê, dầu thô tăng mạnh nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu

Kết thúc tuần giao dịch 24/05 – 30/05, chỉ số MXV-Index công nghiệp tăng mạnh 3,07% lên mức 1722,14 điểm. Trong đó, cà phê là mặt hàng đáng chú ý nhất khi giá cà phê Arabica và Robusta đồng loạt tăng rất mạnh 7-8%, lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây

Giá cà phê được hỗ trợ do các vấn đề liên quan tới nguồn cung, sau khi chính phủ Brazil đưa ra cảnh báo khẩn cấp về hạn hán trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 tại các khu vực gieo trồng chính.

Theo hãng tin Bloomberg, nguồn cung cà phê trên thế giới niên vụ 21/22 dự đoán sẽ thiếu hụt khoảng 11,6 triệu bao do sản lượng của Brazil giảm xuống.

Trong khi đó, chỉ số MXV-Index Năng lượng cũng tăng mạnh 3,32% lên mức 2915,99 điểm, nhờ kỳ vọng của giới phân tích về việc nhu cầu dầu sẽ phục hồi lên mức 100 triệu thùng/ngày trong quý III, do hoạt động đi lại của Mỹ và châu Âu sẽ tăng trong mùa hè, sau khi chương trình tiêm vaccine COVID-19 được mở rộng. 

Nga cho rằng OPEC cùng đồng nh, tức OPEC+, nên tính đến kịch bản trên khi cân nhắc hành động tiếp theo. OPEC+ đang đưa 2,1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường cho đến tháng 7, nới lỏng hạn chế sản lượng xuống còn 5,8 triệu thùng.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến vào ngày mai (tức 01/06).

Đối với nhóm nông sản, các mặt hàng diễn biến trái chiều và hầu như không có thay đổi nào đáng kể trong tuần vừa rồi. Thời tiết thuận lợi trở lại ở hầu khắp các vùng gieo trồng chính của ngô và đậu tương ở khu vực Trung Tây (Midwest), Mỹ là yếu tố gây sức ép lớn lên giá 2 mặt hàng này.

Tuy nhiên, giá dầu thô tăng mạnh kéo theo giá các mặt hàng dầu thực vậy, đã hỗ trợ tích cực và giúp dầu đậu tương cùng với đậu tương giữ được sắc xanh khi kết thúc tuần.

Trong khi đó, nhu cầu cao đối với ngô Mỹ của Trung Quốc kết hợp với hạn hán ở Brazil giúp cho giá ngô chỉ giảm nhẹ 0.42% về mức 285,55 USD/tấn.

Đối với lúa mỳ, việc chi số Dollar Index giữ được mức hỗ trợ quan trong 90 điểm, khiến cho giá lúa mỳ Mỹ chịu nhiều sức ép cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tại châu Âu và các nước quanh khu vực biển Đen đều có mưa với lượng tương đối lớn, giúp hỗ trợ mùa vụ và cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến giá.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, lạm phát Mỹ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái dường như chỉ là hiệu ứng tạm thời do thiếu nguồn cung vật liệu trong bối cảnh kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19. Lạm phát tăng dẫn đến lo ngại Fed tăng lãi suất sớm hơn dự báo.

Ngân hàng trung ương Mỹ thừa nhận áp lực giá đang tăng từ chuỗi cung ứng tại Mỹ. Fed đặt mục tiêu lạm phát thường niên 2% trong thập kỷ qua nhưng hiếm khi đạt.

Lo ngại về lạm phát là yếu tố chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng kim loại quý đều tăng trở lại trong tuần vừa rồi.