Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.

Ảnh nh họa

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.

Theo tính toán, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng, nhưng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. 

Không chỉ thuế GTGT, mà những diễn biến ‘đảo chiều’ của mặt bằng lãi suất cũng đang rất được quan tâm:

Theo đó, tuần đầu tháng 5, hàng loạt ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, song mức tăng không nhiều.

Khảo sát cho thấy, lãi suất tiết kiệm kì hạn 13 tháng trong hệ thống ngân hàng dao động quanh ngưỡng 4,4-9,5%.

Chuyên gia VinaCapital cho rằng lãi suất không cần phải tăng hơn 100 điểm cơ bản để hỗ trợ tỷ giá USD/VND vì thặng dư thương mại của Việt Nam đã tăng từ 6% GDP năm 2023 lên 8% GDP trong quý I/2024 và giải ngân vốn FDI tăng mạnh (Ảnh: Thị trường tài chính tiền tệ)

VinaCapital dự báo lãi suất tiền gửi trong hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm có thể tăng 0,5-1%. Đây sẽ là diễn biến ngược chiều với cả năm 2023, khi lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể so với trước đó.

Và lãi suất biến động cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường BĐS:

Bước sang tháng 5, trong khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ thì một số nhà băng vẫn giảm lãi suất cho vay mua nhà:

Với nhóm các NH quốc doanh, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi trong tháng 5 đang dao động trong khoảng 5 – 6%, đối với 6 – 36 tháng vay đầu tiên.

Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi đối với nhóm khách vay cũ của các ngân hàng quốc doanh dao động từ 9 – 10%, ngân hàng tư nhân hầu hết trên 12%.

Đối với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay dao động trong khoảng 5 – 6,5%, tùy kỳ hạn. 

Tương tự với đà tăng của mặt bằng lãi suất, việc giá USD vẫn đang tăng mạnh, khiến ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn, quý vị ạ!

Cụ thể, theo một số đơn vị nhập khẩu, giá USD giao dịch trên thị trường đã lên khoảng 10% trong 6 tháng qua. Đây là mức biến động lớn, có thể ảnh hưởng đến ngành hàng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như di động, điện máy.

Một số đơn vị bán lẻ dự báo, nếu tỉ giá vẫn tiếp tục neo ở mức cao, dự kiến thị trường đồ công nghệ như smartphone, laptop có thể tăng giá đầu vào khoảng 2-3%. 

Với thị trường giao dịch hàng hóa, thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày 2/5 với diễn biến phân hoá. Sắc xanh phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng. Trong khi đó, lực bán áp đảo thế trên nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp.

Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế kéo Chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ 0,23%, nối dài chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp xuống mức 2.250 điểm. Mặc dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt gần 5.200 tỷ đồng, cao hơn 9% so với ngày trước đó. Dòng tiền gia tăng tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. 

Có tới 5 trên 6 mặt hàng nông sản tăng giá. Giá ngô nhảy vọt lên 2%, và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy các trận mưa lớn có thể xuất hiện tại khu vực Vành đai ngô vào tuần sau và gây cản trở quá trình gieo trồng.

Ảnh: Stockbiz

Thị trường chứng khoán

TTCK Mỹ khởi sắc trở lại với dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Công nghệ. Chỉ số Nasdaq +1,51%, S&P 500 +0,91% và DJIA +0,85%. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi số liệu báo cáo việc làm tháng 4 vào cuối tuần này.

Còn ở trong nước, VNIndex đóng cửa tại 1.216,36 điểm, tăng +6,84 điểm (+0,57%). KLGD khớp lệnh ở mức thấp, đạt 513,7 triệu đơn vị.

Theo SSI Reseach, VNIndex đang trên đà tăng hướng đến vùng 1.220 - 1.222. Tín hiệu kỹ thuật ở vùng trung tính yếu. Qua đó, chỉ số VNIndex có thể tiếp cận khu vực trên nhưng có rủi ro đảo chiều trở lại.