Bờ kè 90 tỉ tan hoang vì sạt lở

Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định đầu tư dự án kè chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình với tổng chiều dài 850m, kinh phí hơn 90 tỷ đồng và giao Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Thế nhưng, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì bờ kè này đã “5 lần 7 lượt” bị sạt lở.

Đầu tháng 5 này, một đoạn kè ven rạch Cái Dầu (nằm trong Dự án kè khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện tình trạng nghiêng, sụp lún với chiều dài khoảng 30m.

Theo người dân, chuyện “chạy lở” ở công trình kè chống xói lở Bình Thành không phải là chuyện mới. Vì vào tháng 4/2022, bờ kè này đã trượt phần đỉnh kè ra bờ sông. Thậm chí, tháng 4/2021 trước đó, thủy triều đã “nuốt trọn” 60m chân kè trong sự lo lắng, bàng hoàng của nhiều người.

Công trình bờ chống xói lở này đã tiêu tốn ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ nhưng vẫn chưa phát huy công năng, người dân vẫn ngày đêm "chạy lở"

Trước khi xảy ra 3 vụ sạt lở gần nhất, cũng ở công trình này thời điểm mới đưa vào sử dụng, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2020, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt chi trên 18 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở đầu tiên.

Như vậy đã có trên 5 lần, công trình bờ kè 90 tỷ đồng với chức năng chống “xói lở” lại liên tiếp bị sạt lở. Cứ mỗi lần xảy ra sự cố là đường giao thông bị chia cắt, người dân khó khăn trong giao thương. Quá nhiều bất an, người dân đã đặt cái tên cho công trình này là “bờ kè bất ổn”.

Ông Trần Chí Tâm – người dân sống tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình cho biết: "Sợ lắm, nhà mình kế bên bờ kè, ban đêm, mưa xuống, mềm đất nó sạt nữa là khổ nữa. Người trong nhà thì nhiều. Năm ngoái sụp thì đã sửa lại 03 lần. Năm nay sụp nữa nhưng chưa thấy sửa. Mà tôi thấy đất nó đã bị lung lai xề ra sông chừng 4m nữa rồi đó."

Khi đề cập đến nguyên nhân khiến bờ kè trăm tỉ tan hoang vì sạt lở thì Chủ đầu tư dự án cho rằng xuất phát từ một công trình khác đã tác động đến bờ kè hiện hữu. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai xây dựng đường D8 (đường nối KDC Bình Thành với chợ Bình Thành), trong này có hạng mục cầu Cái Dầu. Vị trí cầu nằm ở đoạn cuối của công trình kè, trong quá trình thi công cầu đã làm sạt bờ kè.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp, Chủ đầu tư dự án kè chợ Bình Thành cho biết: "Do cọc đóng của cầu Cái Dầu đóng ở độ sâu 38m, trong khi thiết kế bờ kè của mình độ sâu có 11,7m thôi, nền đất thì yếu, phạm vi đóng giữa mố cầu và bờ kè cách nhau chỉ có 6m, khoảng cách đóng cọc cầu với kè cách nhau có 10m nên độ chói rất lớn, tạo ra xung chấn làm lệch đỉnh kè, nên gây sụt lún kè."

Tuy nhiên, thực tế chính kiến từ người dân sống gần khu vực kè thì nguyên nhân không phải duy nhất do công trình cầu Cái Dầu tác động. Bằng chứng là cách nay mấy năm, bờ kè này đã sạt mấy lần.

Anh Nguyễn Thanh Sang – ngụ tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình cho biết: "Cái này diễn ra nhiều lần lắm rồi, nạo vét dòng sông nên tạo độ sâu hẳm nên nó sạt mấy lần. Người dân ở đây nhiều người sống nghề ghe thuyền, neo đậu gần bờ để tránh sóng mà mỗi làn sạt lở là họ chạy lên bờ. Mấy trại buôn bán ven sông bị sạt mấy lần. Mình sống gần cũng lo lắm, biết nó sạt lúc nào mà né."

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình bờ kè chợ Bình Thành có 3 gói thầu xây lắp thì Công ty CP Nhân Bình (trụ sở Hà Nội) thi công cả 3 gói thầu, trong đó có 2 gói thầu được chỉ định thầu “xử lý khẩn cấp công trình” (bao gồm, gói thầu số 6 xử lý khẩn cấp bờ sông có giá trị hơn 53,5 tỉ đồng thi công hoàn thành năm 2017 và gói thầu xử lý các hố xoáy phát sinh chân kè chợ Bình Thành trị giá hơn 18,9 tỉ đồng).

Riêng chỉ gói thầu số 7 xây phần kè bê tông cốt thép bảo vệ bờ, thì Công ty Nhân Bình trúng thầu thi công với giá trị hợp đồng gần 25 tỉ đồng.

Đã có trên 5 lần, công trình bờ kè 90 tỷ đồng với chức năng chống “xói lở” lại liên tiếp bị sạt lở

Công trình bờ kè chợ Bình Thành do liên danh giữa Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi ền Nam khảo sát địa hình, địa chất và thiết kế thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Đồng Tháp là đơn vị quản lý dự án và giám sát. Chi nhánh ền Nam của Công ty TNHH tư vấn Trường đại học Thủy lợi là đơn vị kiểm định độc lập.

Sau nhiều sự cố sạt lở làm cho dư luận bức xúc, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã có thông báo kết luận, giao Sở NN&PTNT khẩn trương tổ chức kiểm định độc lập để xác định rõ nguyên nhân lún, sạt trượt công trình và xác định trách nhiệm của các bên có liên quan.

Với tổng nguồn vốn đầu tư 90 tỷ và cộng với 2 quyết định xử lý khẩn cấp mất thêm 18 tỷ đã tiêu tốn ngân sách hơn 109 tỉ đồng. Nhưng đến nay, bờ kè vẫn tả tơi và người dân thì vẫn đêm ngày nơm nớp lo chạy lở…