Bệnh đau mắt đỏ bùng phát diện rộng: xin đừng chủ quan

Bắt đầu có chiều hướng gia tăng từ tháng 06/2023, đến nay, bệnh đau mắt đỏ đã lan nhanh tại các tỉnh, thành ĐBSCL; một số địa phương ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mỗi ngày. Trong trường hợp không điều trị kịp thời bệnh có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mù lòa.

Chị Hà Thị Diễm ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ có công việc là tiếp nhận các đơn hàng thực phẩm online và giao tận nơi cho các quán ăn, nhà hàng. Vài ngày trở lại đây, chị đã phải hạn chế nhận đơn để chăm sóc cho con trai 3 tuổi, nghỉ học ở nhà vì đau mắt đỏ.

Chị cho biết, dù đã nắm bắt được thông tin bệnh đau mắt đỏ gia tăng, gia đình đã rất cẩn trọng bảo vệ sức khỏe nhưng cuối cùng bé nhỏ nhất trong nhà cũng nhiễm bệnh: Bé 3 tuổi. Nó mới bị đau mắt đỏ từ ngày hôm qua. Nó đi học về, thấy bé nó hơi hừng hừng, ấm ấm như là muốn sốt vậy đó. Tưởng bé nó bị cảm, nó ngủ một giấc, thức dậy, thấy mắt nó tèm nhem à. Mắt nó chảy nước mắt, đổ ghèn mà tròng mắt nó đỏ tươi hà, thấy tội nghiệp lắm.

Thấy xót cho con, gia đình đã hỏi han kinh nghiệm từ bạn bè, người thân và được chỉ nhiều cách điều trị từ đơn thuốc cá nhân đến kinh nghiệm dân gian, nhưng cuối cùng, để an toàn, gia đình quyết định đưa bé đến bệnh viện thăm khám sớm và tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

Chị Diễm cho biết thêm: Cũng chỉ làm theo hướng dẫn của bác sĩ thôi, cho thuốc uống rồi giữ vệ sinh mắt cho bé. Nhỏ mắt cho bé, nhỏ ở bên mạnh trước rồi bên bệnh thì nhỏ sau, rồi cho bé uống thuốc đúng liều, tăng cường vitan C cho bé để tăng cường sức đề kháng, cho mau khỏi.

Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, hiện đang bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước và ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Đáng chú ý, năm nay đợt dịch này kéo dài hơn so với các năm trước, một phần nguyên nhân là do bệnh bùng phát trùng với thời điểm trẻ trở lại trường.

Tại Sóc Trăng, tính từ đầu tháng 9 đến nay, địa phương này đã có đến hàng chục ngàn lượt người đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, ghi nhận hơn 14.500 học sinh, giáo viên, nhân viên mắc bệnh. Trước tình hình này, Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn thường xuyên cho học sinh rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền cho học sinh không đưa tay vào mắt, mũi, ệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ…

Tương tự, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận nhiều trường hợp đau mắt đỏ, đặc biệt là các bệnh nhân lứa tuổi học sinh. Theo Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, tính đến tháng 9/2023, đã có 291 trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám bệnh tại Trung tâm, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận từ 15 - 20 trường hợp, số lượng này đã tăng trên 10 lần so với thời gian trước. Ngoài ra, các trạm y tế phường, xã cũng đã ghi nhận trên 650 trường hợp bệnh đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn Thành phố.

Tại trường tiểu học Nguyễn Trãi trên địa bàn phường 7, thành phố Mỹ Tho, từ sau đợt nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, Trường đã ghi nhận hơn 20 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Ngay sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với trung tâm y tế thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiến hành khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường vào những ngày cuối tuần để tiêu diệt mầm bệnh.

Thầy Trần Minh Tân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ: Trước tình trạng bệnh này, đối với trường tiểu học Nguyễn Trãi, chúng tôi đã tổ chức triển khai thực hiện 1 số việc để góp phần hạn chế bệnh đau mắt đỏ trong trường. Hàng tuần, vào giờ chào cờ, giáo viên phụ trách công tác y tế của trưởng chúng tôi tuyên truyền cho tất cả học sinh nhận biết được bệnh đau mắt đỏ, cũng như biết được các kỹ năng cần thiết để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ này.

Còn tại An Giang, theo báo cáo của Sở Y tế Tỉnh, tính từ đầu năm đến hết ngày 29/9, toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 23.600 ca đau mắt đỏ, trong đó có khoảng 18.300 ca trong trường học, 5.300 ca trong cộng đồng. Bệnh xuất hiện ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố; cao nhất là các huyện Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn...

Trước tình hình này, ngày 2/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lê Văn Phước đã ký Công văn chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ và bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị. Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, huy động quần chúng Nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Nói về cách phòng ngừa, chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ tại nhà, Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Ngọc Minh Tú – Phó giám đốc Bệnh viện mắt Tiền Giang chia sẻ: Thường thì mình không đưa tay lên quậy trên mắt, trước khi đưa tay lên mặt thì mình phải rửa tay bằng xà phòng. Nếu ngừa thì mình dùng nước muối sinh lý để nhỏ. Thật ra nhỏ không phải để ngừa mà mình nhỏ để giữ sạch mắt thôi chứ còn gọi là ngừa thì không ngừa được. Ví dụ người bị mắc bệnh rồi thì mình tránh sử dụng chung khăn, gối,… chung với những người đó. Rồi vệ sinh cho mắt, nếu như nó có ghèn thì mình rửa bằng nước muối sinh lý. Nếu như ghèn nhiều thì mình phải đi khám bệnh, rồi vệ sinh tay cho nó. Trước và sau khi chăm sóc cho nó thì mình phải rửa tay.

Cũng theo các y, bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, giao mùa, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan dễ dàng, dễ bùng thành dịch.

***

Là một bệnh cấp tính, dễ lây và có phương án điều trị nhưng đau mắt đỏ lại gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Vì vậy, không ít người có tâm lý hoang mang và nôn nóng trị dứt bệnh càng sớm càng tốt, từ đó tìm đến các cách thức dân gian mà không biết rằng những biện pháp điều trị sai lầm, phản khoa học có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Trước khi bàn đến giải pháp điều trị đau mắt đỏ, trước hết chúng ta cần hiểu đúng về căn bệnh này. Theo các chuyên gia, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, nguyên nhân là do vi khuẩn, virus hay do phản ứng dị ứng với một số tác nhân như hóa chất và môi trường.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau đó lây sang mắt còn lại với các triệu chứng như: Đỏ mắt, ngứa rát cộm mắt, nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt, chảy nước mắt, nhiều ghèn bám dính chặt hai mắt, nhất là lúc mới ngủ dậy, khó nhìn nhưng thị lực không giảm, vùng mắt hơi sưng nề, ngoài ra người bệnh còn có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau, họng đỏ, adan sưng to. Đáng chú ý, một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.

Trước đợt dịch đau mắt đỏ đang lan nhanh như hiện na, nhiều người đồn thổi cho rằng việc nhìn vào mắt người bệnh có thể gây lây lan. Nhưng trên thực tế, những thông tin này không chính xác. Bệnh lây do thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào ệng vô tình mang virus từ bên ngoài vào cơ thể. Bên cạnh đó, những quan điểm sai lầm trong việc phòng ngừa, điều trị cũng khiến cho bệnh càng dễ lan rộng trong cộng đồng cũng như gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Một ví dụ điển hình về phương pháp phòng trị sai lầm của nhiều người là lấy giấy ăn, khăn ướt để lau mắt bị đau và coi đó là cẩn thận, sạch sẽ mà không biết rằng loại giấy này có chứa hương liệu phụ gia có thể gây hại cho mắt. Một số người khác thì cẩn trọng hơn, dùng khăn mùi xoa để lau mắt, sau đó lại nhét vào túi vì nghĩ rằng chỉ một mình dùng sẽ không lây cho ai. Thế nhưng, việc làm này cũng không nên vì đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, quẹt vào mắt dễ gây bội nhiễm.

Dân gian có câu “có bệnh thì vái tứ phương” nhưng trên thực tế, không phải “phương” nào cũng có thể nghe theo. Trong khi các cơ quan báo chí chính thống nỗ lực truyền thông, khuyến cáo về các phương pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách cho cộng đồng thì trên các nền tảng mạng xã hội lại lan truyền nhiều bài đăng chia sẻ về các cách thức dân gian trị nhanh bệnh đau mắt đỏ như đắp các loại lá thuốc, xông hơi lá trầu, thấm nước cốt chanh lên mắt, nha đam thậm chí là bôi nước tiểu, sữa mẹ, mật gấu, đắp thịt ếch nhái vào mắt. Đây đều là những sai lầm nghiêm trọng trong điều trị và có thể để lại hậu quả khôn lường.

Những con số thống kê về trường hợp đau mắt đỏ được công bố không nhằm mục đích làm người dân hoang mang, mà ngược lại, đó là lời cảnh báo để cộng đồng hiểu được mức độ nguy hiểm, từ đó chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và chúng ta như lạc giữa “ma trận thực hư”, thì có lẽ mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học, theo dõi những kênh tin tức chính thống để không phải từ người không bệnh thành có bệnh và bệnh nhẹ lại hóa nặng chỉ vì thiếu hiểu biết.