Bến Tre: Khủng hoảng bãi rác An Hiệp

Trong những ngày qua, bãi rác An Hiệp, toại lạc tại Ấp Giồng Ao, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trở thành điểm nóng của ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc tiếp nhận và xử lý lượng rác thải hàng ngày của huyện Ba Tri và các vùng lân cận, kể từ khi nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đóng cửa vì ô nhiễm môi trường, bãi rác An Hiệp phải gồng mình tiếp nhận thêm khoảng 200 tấn rác từ Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành chuyển về gây quá tải.

Người dân nơi đây bức xúc chặn xe rác không cho vào bãi, kéo theo tình trạng rác thải ùn ứ dây chuyền. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bến Tre phải ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm môi trường của bãi rác lớn duy nhất của tỉnh này. 

Bãi rác tập trung của huyện Ba Tri (Bãi rác An Hiệp) được xây dựng tại xã An Hiệp, với diện tích khoảng 5 ha, được đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2009 với công nghệ xử lý chôn lấp hở. Ảnh: Kinhtemoitruong.vn

Nằm cách Trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 30 cây số về hướng Đông. Bãi Rác An Hiệp được xây dựng năm 2009 trên diện tích khoảng 5ha với công nghệ xử lý là chôn lắp lộ thiên, chủ yếu là để xử lý rác thải khu vực huyện Ba Tri và các vùng lân cận. Tuy nhiên kể từ ngày 20/10/2022, khi nhà máy xử lý rác Bến Tre chính thức bị đóng cửa, bãi rác An Hiệp phải gồng mình tiếp nhận lượng rác thải khoảng 200tấn/ngày từ Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành chuyển về. Chính điều này đã làm cho bãi rác lớn nhất của tỉnh Bến Tre ở thời điểm hiện tại sớm trở nên quá tải.

Là người đã từng sinh sống ở đây đã hơn 50 năm qua, chị Trần Thị Lượm, ngụ tại ấp Giồng Xoài, xã An Đức bức xúc nói:"Trời ơi nói thúi sao mà không có tưởng tượng nổi. Mỗi lần mình có ý kiến là thúi thì mấy ổng nói ủa sao bà con ý kiến có bao nhiêu đó? Vậy chứ chủ yếu chỉ có ruồi và thúi. Ai cũng có ý kiến về bãi rác là cũng chỉ có bao nhiêu đó thôi. Thì có bao nhiêu đó thì bà con ý kiến nhiêu đó chứ còn gì nữa giờ. Nhiễm quá trớn nhiễm, bây giờ là vô phương rồi. Ruồi thì chú thấy rồi phải không? Còn nước nó thảy ra nó đen thui đen kịnh. Mỗi lần xả cống thì nó ra, nó ra đen thui y như nước màu vậy đó."

Khi chúng tôi đến nhà của chị Trần Thị Thanh cách bãi rác An Hiệp khoảng 300m, cảnh tưởng đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là tình trạng ruồi nhặn bu đen kịt trên các nhành cây, ngọn cỏ hoặc thậm chí cả các đồ ăn thức uống và các vật dụng trong nhà.

Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Thanh cho biết: "10 ngày, nữa tháng nay là nhà tui không có dọn cơm, đứa mút 1 tô rồi ngồi 1 gốc chứ không có dọn luôn. Còn ban đêm thì 7, 8 giờ mới ăn, mới dọn thôi. Bởi vì ruồi như vậy đó, hơi đâu mà đuổi ruồi. Người bưng 1 tô ngồi 1 gốc tự ăn tự đuổi. Tới giờ con tôi học bài là nó la lang là “Mẹ ơi như vầy làm sao con học”. Nguồn nước ở đây bị ô nhiễm là mấy năm nay lận nhưng tụi tui là nông dân mà, có biết đi đâu. Còn con kênh này nước nó sệt y như nhớt vậy. Có kêu bên tài nguyên môi trường xã ra coi, nhưng mấy ổng coi thì coi chứ cũng đâu có giải quyết được gì."

Ngày 23/7/2023 UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri. Ảnh: Kinhtemoitruong.vn

Nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ dân nơi đây chủ yếu là chăn nuôi gà, vịt, bò, dê và nuôi tôm. Nhưng trong vài năm trở lại đây, nguồn sinh kế chủ yếu của người dân cũng bị ảnh hưởng theo và dần thu hẹp lại, thậm chí có một số người dân phải chuyển sang làm các nghề khác do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không thể trồng trọt, chăn nuôi được.

Quá sức chịu đựng của người dân, ngày 15/07/2023, một số người dân ở 2 xã An Đức và An Hiệp tổ chức chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại bãi rác An Hiệp. Từ đó tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn không chỉ ở bại rác An Hiệp mà còn tại Thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, đặc biệt là huyện Ba Tri. Hiện 1 lượng rác rất lớn đang bị ùn ứ trong phạm vi rộng do xe rác không thể thu gom vì không có nơi chứa.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp. Ảnh: Báo Nhân dân

Trước thực trạng trên, ngày 24/7/2023, UBND tỉnh Bến Tre phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp, tại công văn số 4408. Theo đó UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ban ngành tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố môi trường theo quy định. Ông Trần Trung Hiếu – Trưởng Ban Quản lý Công trình đô thị và Vệ sinh môi trường huyện Ba Tri cho biết:

"Tỉnh có chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Công ty Trần Nguyễn để phủ 1 lớp bạc khoảng 15.000 m2 – phủ bạc HPDE để nhằm hạn chế mùi hôi. Thứ 2 là khẩn trương tiến hành đào 1 hố chôn khoảng 7 ngàn mét và 1 hố chôn khoảng 871m để thu nước rỉ tạm thời.

Kế tiếp nữa là đang nối chấp hàng rào lền 4m bằng lưới B40 dài khoảng 243m để hạn chế rác bay trong mùa gió và gia cố bờ tường lại ngang 2m dài 255m để hạn chế nước rỉ sang các hộ dân. Trong chỉ đạo của tỉnh có hứa với dân là sớm  khắc phục trong thời gian sớm nhất, có thể là trước 1 tháng là chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành các nội dung đã đặt ra."

Tuy nhiên nay đã gần 10 ngày trôi qua mà tiến độ khắc phục sự cố môi trương tại bãi rác An Hiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh vẫn còn rất chậm. Tính đến chiều ngày 01/8/2023, các đơn vị chỉ thực hiện được 1 phần công việc như đào hố chôn rác thải, đào hố thu nước rác rỉ, phủ bạc được 1 cụm núi rác, trong khi tường rào lưới B40 ngăn rác bay theo gió vẫn trong giai đoạn hàn nối trụ; vấn đề mùi hôi có giảm nhưng chưa triệt để, vần đề ruồi nhặn vẫn chưa được giải quyết. 

Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần nhanh chống khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp hiện nay một cách triệt để, sớm trả lại cuộc sống yên bình của người dân.