Bẫy chuột thành… bẫy người

Việc sử dụng điện để bẫy chuột nhằm bảo vệ mùa màng đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành ở khu vực ĐBSCL, nhiều nhất là các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Đáng nói, chính việc này lại đang gây ra tai nạn chết người, để lại những hệ lụy không gì có thể bù đắp…

Ngày 18/9/2024, ông Lê Thanh Tuyền (SN 1976, trú xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đi ra khu vực bờ ruộng dùng bộ xiệt điện để chuyển từ điện một chiều sang điện hai chiều và đấu nối vào hệ thống dây chì đã được giăng trước đó để bẫy chuột rồi về nhà.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, ông Tuyền đi ra thăm bẫy chuột thì phát hiện Nguyễn Văn Phương bị điện bẫy chuột giật chết. Lúc này, ông Tuyền đưa thi thể nạn nhân đến khu vực bờ ao cách hiện trường khoảng 50 mét rồi quay lại tháo bộ xiệt điện đem về nhà cất giấu. Sáng hôm sau, người dân phát hiện Phương nằm chết bất thường bên bờ ao nên trình báo công an. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an xác định và bắt giữ ông Tuyền.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang đã ghi nhận ít nhất 2 vụ chết người do vướng dây điện bẫy chuột

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng sử dụng điện để bẫy chuột dẫn đến chết người trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ghi nhận ít nhất 2 vụ chết người do vướng dây điện bẫy chuột.

Ông Dương Văn Dư, trú xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho rằng: “Gài như thế chuột ở ngoài chạy ào vào là vướng dây chết liền, không gài thì chuột nhiều lắm, cắn phá lúa. Cứ 7h tối giăng cho chạy điện, tới 10h khuya gỡ, vì chuột hay ăn giờ đó”.

Đã 8 năm, bà Nguyễn Thị Tính ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa nỗi đau mất mát to lớn của gia đình khi chứng kiến người con út ra đi mãi mãi vì tai nạn do dây gài bẫy chuột. Con trai của bà là anh Nguyễn Thanh Phong, sử dụng dây kẽm gày bẫy điện. Trong lúc đi thăm đồng, anh trượt chân té trúng dây kẽm, bị điện giật tử vong. Cái chết của anh Phong để lại người vợ đang mang thai tới kỳ sinh nở và nỗi tiếc thương, lẫn hối hận của những người thân trong gia đình. Hiểu ra sự nguy hiểm của điện đã quá muộn màng:

"Ruộng nương chuột cắn phá quá trời nên con cô nó mới gài điện, gài xong nó tự té rồi mất luôn. Cô đau lòng quá trời quá đất”.

Một vụ án chết người tại An Giang, được công an tỉnh yêu cầu bị can dựng lại hiện trường.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ dùng bẫy điện diệt chuột gây chết người ở An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Mọi người vẫn xem đây là hành vi vô tình, không thấy hết mức độ nguy hiểm của cái bẫy chết người ấy. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội hiện nay lại công khai chỉ nhau cách làm bẫy chuột bằng điện, đồng thời công khai rao bán các loại bẫy chuột bằng điện, bắt cá, ếch... bằng điện. Người xem có thể vô tư học theo và mang ra thực tế áp dụng. Thượng tá Nguyễn Văn Thông – cán bộ ngành công an tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo:

“Bẫy chuột như vậy thì nguy hiểm lắm, người nhà, người thân, chính mình và cả người xa lạ… bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân. Lúc chết người thì ân hận lắm, nên từ đầu chúng ta đừng gài bẫy như vậy”.

Mọi người vẫn xem đây là hành vi vô tình, không thấy hết mức độ nguy hiểm của cái bẫy diệt chuột “giết người”.

Gài bẫy chuột bằng điện nguy hiểm chết người, biết nhưng vẫn gài, điều này cho thấy sự chủ quan và  ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân cần chưa tốt.  Bên cạnh đó, công tác quản lý của địa phương cũng chưa sâu sát. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền và các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật nâng cao nhận thức của người dân.

Mỗi người dân cần biết rằng việc sử dụng điện để bẫy, bắt động vật nói chung, bẫy chuột nói riêng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Người dân cần nâng cao nhận thức, có biện pháp phù hợp để bảo vệ tài sản, mùa màng của gia đình, không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như tính mạng con người. Trong quá trình lao động, sản xuất, người dân cần phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối không sử dụng điện để đánh bắt cá; làm bẫy diệt chuột bảo vệ lúa, hoa màu trái phép.