Bất an những chuyến phà bất chấp

Đã nhiều năm nay, bến phà An Bình nối các xã cù lao huyện Long Hồ với thành phố Vĩnh Long đã trở thành điểm “nóng” về mất an toàn giao thông, thể hiện ở việc tự ý đưa đón xe ô tô, chở quá số người quy định và an toàn trật tự trên bến – dưới phà không được quan tâm.

Dòng sông Cổ Chiên rộng 700m là dòng sông lớn, lòng sông sâu, nước chảy xiết. Bến phà An Bình hằng ngày vượt con sông này để đưa đón khách từ 2 phía thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Lượt khách lên đến hàng nghìn người và phương tiện.

Thế nhưng, khi đứng trên bờ, nhìn từ xa, người ta không khỏi “thấp thỏm” khi thấy dòng người “cheo leo” bám ở mỏ bàn phà. Đây được ví là những “chuyến phà bất chấp”: Bất chấp chở quá số người quy định, bất chấp đưa ô tô sang sông và hành khách thì bất chấp chen lấn để xuống phà.

Mất an toàn giao thông và mất trật tự trên bến là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại bến phà An Bình (phía bờ thành phố Vĩnh Long). Khi phà vừa cập bến, phương tiện dưới phà chưa lên hết, thì trên bến, xe máy chực chờ chen chúc lao xuống bất chấp nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Phía đơn vị khai thác bến phà không bố trí nhân sự để điều tiết khu vực trên bến. Điều này đã dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên tại khu vực bến phà.

Chuyến phà bất chấp: Bất chấp chở quá số người quy định, bất chấp đưa ô tô sang sông và hành khách thì bất chấp chen lấn để xuống phà

Theo ghi nhận, vào các giờ cao điểm, do phà đã chật cứng như nêm, không còn chen lấn được nên người và xe phải đứng ở mỏ bàn phà. Dù vậy, phà vẫn rời bến vượt sông trong tình trạng người và xe “cheo leo”, vô cùng nguy hiểm. Mỏ bàn phà được vận hành bằng hệ thống dây cáp, trước đây, bến phà này đã từng xảy ra một vụ sụp mỏ bàn phà, làm cho nhiều người và xe rơi xuống sông, có người phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ông Nguyễn Tấn Phương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long khẳng định: "Có khách bộ hành và phương tiện còn ở mỏ bàn phà khi phà lưu thông thì vấn đề này là chưa đảm bảo an toàn giao thông. Bởi lưu thông thủy thì hành khách và phương tiện khi xuống phà sẽ được bảo vệ đóng cổng chỗ mỏ bàn phà lại để đảm bảo không còn người và phương tiện ở mỏ bàn phà mới đảm bảo đủ điều kiện vượt sông. Vấn đề này chúng tôi sẽ làm việc ngay với đơn vị khai thác bến phà để chấn chỉnh ngay."

Đáng nói, bến phà này không đủ điều kiện lên xuống xe ô tô vì phía bờ Vĩnh Long nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Cầu dẫn lên – xuống phà quá ngắn không có điểm an toàn để xe dưới phà rẽ vào đường chính tham gia lưu thông. Mặc dù đã có biển cấm xe ô tô nhưng ô tô vẫn ngang nhiên lên xuống và chủ phà chấp thuận đưa đón… như không có chuyện gì xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Phương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Trong hợp đồng ký kết giữa Phòng kinh tế hạ tầng huyện Long Hồ với đơn vị khai thác phà An Bình không có chở ô tô. Tuy nhiên thực trạng chở ô thời gian qua là sai hợp đồng. Nội dung này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra xử lý. Phòng KTHT chúng tôi cũng đã lắp bảng cấm ô tô tại 2 bến. Công an giao thông cũng tăng cường xử lý hành vi cố tình qua đò khi có biển cấm."

Bến phà An Bình đã từng gặp sự cố sụp mỏ bàn phà làm hành khách và phương tiện rơi xuống sông, phải cấp cứu

Tuy nhiên, liên đới trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng hoạt động mất an toàn giao thông tại bến phà An Bình thì ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho biết, rất khó vì thẩm quyền không thuộc về Sở GTVT hoàn toàn:

"Phà được chở ô tô nhưng bến thì không được phép cho nên thẩm quyền của Thanh tra Sở GTVT rất khó xử lý được “mấu chốt” ở cái bến. Chúng tôi đã đã ra quân kiểm tra xử lý rồi nhưng cũng chỉ xử lý ở việc trang bị áo phao hay phương tiện… còn về bến bãi chúng tôi không có thẩm quyền xử lý."

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, hành khách khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình. Như ông Phong thông tin, Thanh tra giao thông đã có nhiều đợt kiểm tra xử phạt, tuy nhiên thực tế ghi nhận, trên phà có trang bị dụng cụ nổi nhưng hành khách thường không tuân thủ theo đúng quy định. Khiến cho tình trạng “bát nháo”, mất an toàn tại bến phà vẫn không được cải thiện.

Hiện nay, UBND huyện Long Hồ đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Long xem xét bố trí nơi đón khách của phà An Bình điểm bờ TP Vĩnh Long ở vị trí mới, để phương tiện được đưa đón khách an toàn. Nhưng trước khi có quyết định này, ban – ngành chức phải phối hợp để kiểm soát tốt tình hình bến khách tại phà An Bình vì ĐBSCL đã bước vào cao điểm mùa mưa bão.