Bất an những bến đò ngang không phép

Với đặc điểm địa hình sông nước chằn chịt, ngoài những chiếc cầu treo được thiết kế bằng sắt để giải quyết nhu cầu đi lại thì bến đò ngang là phương tiện chính yếu để vận chuyển hành khách hằng ngày phục vụ cho việc đi lại, giao thương, mua bán của người dân ĐBSCL.

Quan trọng là vậy, nhưng hiện nay, nhiều bến khách rất “đơn sơ”, chỉ một chiếc chẹt và một cái máy để vận hành mà không có một thiết bị phòng hộ nào. Thậm chí, những bến khách này còn hoạt động khi chưa được cấp phép, đồng nghĩa với việc chưa đảm an toàn.

Những ngày đầu tháng 7, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa tỉnh Cà Mau, kiểm tra tình hình hoạt động của các bến khách ngang sông trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp mới cảm nhận hết nỗi “bất an” của hành khách mỗi khi qua lại trên chuyến phà “3 không” này: không giấy phép, không đăng ký đăng kiểm, không thiết bị an toàn.

Dừng chân tại Thị xã Giá Rai tỉnh Bạc Liêu và xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đoàn kiểm tra 6 bến khách ngang sông thì cả 6 bến đều không có quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Là phà ngang sông nối liền 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nhưng thật ra chỉ là một chiếc chẹt được gắn thêm 2 “cái mỏ” tự chế ở hai đầu, làm chỗ lên xuống và 1 chiếc máy cule để vận hành. Trên chiếc chẹt này cũng không hề được trang bị áo phao hay bất kỳ dụng cụ cứu sinh nào khác.

Bến đò ngang là phương tiện chính yếu để vận chuyển hành khách hằng ngày của người dân ĐBSCL

Khi đoàn lập biên bản buộc đình chỉ hoạt động thì ông Lê Hồng Châu – chủ bến đò tại xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho hay, bản thân ông cũng không biết quy định này: "Bên xã mình (xã Tân Thạnh) không có kiểm tra nhắc nhở, có sao mình nói sự thật vậy thôi. Còn bên xã An Xuyên thì có nói mình qua bên đó xin cái giấy phép."

Chính vì sử dụng máy cule và chẹt để vận chuyển hành khách nên chủ phương tiện càng không “quan tâm” đến việc phải có chứng chỉ chuyên môn và đi đăng kiểm phương tiện. Cứ thế, có ai gọi “đò ơi” là đò “nổ máy” chạy đến rước. Chủ bến còn quá “mơ hồ” về việc cập nhật những quy định bắt buộc liên quan đến các điều kiện hành nghề.

Bà Hồ Bích Liên – chủ bến khách tại xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Bên Bạc Liêu hướng dẫn lên Phòng Đô Thị xin giấy phép, xin bên Bạc Liêu xong rồi mới làm hồ sơ qua phía Cà Mau xin thêm một lần nữa. Mà tôi toàn giao cho nhân viên đi làm, không biết nó qua Cà Mau đi tới đâu để xin giấy phép nữa."

Tuyến kênh Quảng Lộ - Phụng Hiệp nối hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau có ít nhất 12 bến đò liên tỉnh nhưng bất cập được Đoàn kiểm tra chỉ ra là địa phương thiếu sự liên kết trong công tác tuyên truyền hướng dẫn chủ bến thực hiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo điều kiện hoạt động. Do nhu cầu thiết yếu đi lại của bà con, học sinh nên một số chủ bến hằng ngày vẫn đưa khách qua sông như một “nghĩa vụ”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy – Phó Chủ tịch xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau lý giải về việc này:

"Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng chỉ ra những bến đò đưa đón khách ngay vị trí 5 ngã sông, ở vị trí này rất khó để cấp phép. Bên cạnh đó, đối với một số bến đò của đơn vị bạn đưa đón khách sang bên An Xuyên thì quá trình hướng dẫn trình tự thủ tục cấp phép chúng tôi vẫn chưa thực hiện thường xuyên được."

Tai nạn, rủi ro trên đường thuỷ thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Để ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường thuỷ, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh, lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra các bến khách ngang sông. Quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của các chủ phương tiện.

Các chủ phương tiện cần tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, có trách nhiệm nhắc nhở hành khách mỗi khi lên phà sang sông, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ.

Cùng với  nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.

Có bến cũng trang bị áo phao nhưng lại không đăng kiểm và không có giấy phép

Ông Nguyễn Thanh Bằng – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết: "Về lâu dài chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với các ngành đi khảo sát, chọn vị trí, rồi họp dân để gom các bến này lại ở những vị trí có thể cấp phép được để chủ bến có điều kiện hoạt động đúng quy định mà phụ vụ cho nhu cầu đi lại của người dân."

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại tại địa phương thì các bến đò này phải tồn tại. Tuy nhiên, đã hoạt động thì phải tuân thủ các quy định. Hiện một số bến đã được tạm đình chỉ để bổ sung giấy phép. Chủ bến nên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để tái hoạt động, đảm bảo an toàn cho hành khách qua sông.