Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Có những sản phụ chỉ mới 12 - 13 tuổi. Có những trường hợp, phá thai tới 10 lần!
Không chỉ là vấn đề của cá nhân, tình trạng nạo phá thai ở phụ nữ trẻ, nhất là vị thành niên đang tiềm ẩn các hiểm họa khôn lường cho chính họ, cho gia đình và cho sự phát triển bình thường của xã hội.
Cùng VOV Giao thông bàn luận câu chuyện này trong chương trình Tọa đàm phát thanh lúc 12h30' thứ Sáu (01/11), trực tiếp trên VOV Giao thông (tần số FM 91MHz) và vovgiaothong.vn với chủ đề: "Báo động tình trạng nạo phá thai và nguy cơ đe dọa chất lượng dân số".
Cùng sự tham gia của các vị khách mời: BSCKII. Đào Văn Thụ - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản & Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Ông Steve Bùi - Chủ tịch Quỹ từ thiện Vì Tương Lai (Next-G Foundation)
CƠN SÓNG NGẦM VÀ NHỮNG NỖI ĐAU ÂM Ỉ
Tháng 8 vừa qua, một thiếu nữ có thai 20 tuần tuổi đã suýt mất mạng khi lên Google tìm hiểu rồi mua thuốc phá thai tại nhà. Nạn nhân sau đó bị sốc nhiễm trùng và được Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cứu sống. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh đã huy động hiến máu, cấp cứu thành công một bệnh nhân bị băng huyết sau khi tự ý phá thai tại nhà.
Không đe dọa tới sức khỏe, tính mạng, nạo phá thai còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này khi đây chín lại chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh.
Với khoảng 300 nghìn ca nạo phá thai hàng năm thì 30% trong số này là phụ nữ từ 15-19 tuổi; 70% là học sinh sinh viên. Các báo cáo đã chỉ ra, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá khi thai đã to.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, phụ nữ nạo phá thai có tỷ lệ vô sinh cao gấp 3-4 lần so với người không có tiền sử nạo phá thai:
"Tỷ lệ vô sinh thứ phát do nạo phá thai chiếm đến 20% trường hợp vô sinh, trong đấy chiếm 70% là phá thai ở tuổi vị thành niên. Ở bệnh viện, hàng ngày gặp rất nhiều trường hợp mà sau chỉ nạo hút thai 1 lần thôi thì bệnh nhân dính buồng tử cung rồi vô kinh luôn, sau này không sinh em bé được".
Trên nhóm mạng xã hội "Mang thai ngoài ý muốn" có hơn 18 nghìn thành viên, mỗi ngày xuất hiện hàng chục bài viết mới tâm sự những lo lắng, băn khoăn khi phát hiện mang thai ở tuổi vị thành niên. Nhiều trường hợp trong đó không muốn cho gia đình biết, và sau đó là những bậc cha mẹ đau xót, lo lắng khi phải đưa con trẻ đi phá thai:
"Bây giờ con để 4,5 - 5 tháng, tôi lo lắng con thì mới ít tuổi, sợ rằng sau này vấn đề sinh đẻ khó khăn hơn".
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa sản Trung tâm y tế Thái Hà cũng chia sẻ, hơn 40 năm gắn bó với công việc, không ít lần bác sĩ cảm thấy vô cùng xót xa khi có những bào thai đã lớn nhưng vì người mẹ kiên quyết phá thai nên cũng đành chấp nhận. Phá thai không những đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tâm lý, dẫn đến những rối loạn sức khỏe tâm thần.
Hơn nữa, nhiều em ở tuổi còn quá trẻ nên chưa có ý thức và kiến thức trong việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản của bản thân. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung bày tỏ lo lắng, thực trạng này đang làm gia tăng thêm các gánh nặng về kinh tế và sức khoẻ đến cá nhân, gia đình cả cả xã hôi:
"Một bé chưa đủ trưởng thành mà có thai thì tai họa đấy nó trở thành một cú sốc không chỉ cho bản thân bé gái mà còn cả gia đình và cảm thấy rất đau khổ với việc đó dẫn đến những xáo trộn lớn trong cuộc sống. Chúng ta cũng nhìn thấy rằng, nhiều trường hợp khi có thai thì bỏ đi nhưng lúc muốn cai thai lại không hề dễ dàng".
CẦN ĐẢM BẢO SỰ SẴN CÓ, GIÁ RẺ CỦA CÁC DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
Để giảm thiểu tình trạng nạo phá thai, nhất là ở giới trẻ, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa sản Trung tâm y tế Thái Hà cho rằng, cần tăng cường truyền thông từ sớm về các biện pháp tránh thai và những hệ lụy có thai ngoài ý muốn:
"Điều cần nhất là chương trình giáo dục phải đưa vào nhà trường từ rất sớm, chứ không phải chờ đến dậy thì. Thứ 2 là vấn đề truyền thông cho các bà mẹ một cách cởi mở để họ tiếp nhận các thông tin và dạy cho con cái, làm thế nào để các bé gái biết quan hệ tình dục là chuyện tốt đẹp nhưng điều vô cùng quan trọng mà bố mẹ phải truyền đạt cho con là không được có thai ngoài ý muốn và không để có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục".
Bác sỹ Mai Xuân Phương, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Bộ Y tế mong muốn cải thiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo mọi người có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ này một cách ễn phí hoặc với chi phí thấp, đồng thời cung cấp các dịch vụ tư vấn từ gia đình:
"Chúng tôi rất mong hỗ trợ tâm lý và tư vấn, làm sao tư vấn cho những người gặp khó khăn nhằm giúp họ lựa chọn biện pháp tránh thai thật sự có hiệu quả. Xây dựng chính sách hỗ trợ gia đình như chăm sóc trẻ em, giáo dục giới tính và giảm áp lực lên các bậc phụ huynh trẻ. Khuyến khích nghiên cứu và đánh giá để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây ra tình trạng phá thai để có thêm các giải pháp phù hợp".
Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình giáo dục giới tính một cách toàn diện, Tiến sĩ Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng thì vẫn cần truyền thông thay đổi góc nhìn của xã hội về nạo phá thai và tình dục an toàn:
"Giáo dục giới tính hay giáo dục về tình dục cần được thay đổi, không còn là vấn đề nhạy cảm nữa, mà phải đảm bảo cung cấp thông tin, kiến thức để các bạn trẻ tiếp cận được, các thông điệp truyền thông cần tập trung vào trách nhiệm của gia đình, xã hội và bản thân các bạn trẻ thực hiện tình dục an toàn, xây dựng các mối quan hệ tình cảm tốt đẹp.
Một điều nữa là cần thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em như ngăn ngừa nạo phá thai không an toàn, đảm bảo có các dịch vụ chăm sóc về y tế phù hợp, thân thiện, chất lượng cao cho các bạn trẻ liên quan tới nạo phá thai".
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế cho biết về những định hướng của đơn vị này trong thời gian tới để giảm tình trạng phá thai:
"Thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để giảm thiểu tình trạng phá thai, truyền thông từ sớm, từ xa cho các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, không chỉ với vị thành niên nữ mà cả vị thành niên nam về các biện pháp không có thai, hạn chế quan hệ tình dục trước hôn nhân, sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với từng giai đoạn của người phụ nữ; truyền thông về áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình và truyền thông về phá thai an toàn.
Thứ 2 là nâng cao mạng lưới cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự sẵn có của các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thuận tiện cho mọi người dân, mọi lứa tuổi sử dụng. Thứ 3 là phát triển mạng lưới kế hoạch hóa gia đình, cung cấp các phương tiện và dịch vụ tránh thai và phá thai an toàn rộng khắp tới các tuyến y tế".