Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường cũng như an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024, nhiều giải pháp đang được các cơ quan chức năng triển khai. Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
PV: Thưa bà, dịp Tết Nguyên đán 2024 đã cận kề, bà đánh giá như thế nào về sức mua cũng như tình hình biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm?
Bà Lê Việt Nga: Trong tháng này, các hệ thống phân phối hiện đại đều đang họp để xây dựng chiến lược phân phối thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp rất tự tin về nguồn cung đầy đủ cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như khách du lịch quốc tế và chắc chắn giá cả không có nhiều biến động.
Về dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp đang tiếp tục nắm bắt thông tin từ tín hiệu thị trường và tâm lý người tiêu dùng để có những điều chỉnh kịp thời. Làm sao hàng hóa luôn luôn đầy đủ, nhưng cũng không dự trữ quá nhiều để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
PV: Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng được dư luận xã hội hết sức quan tâm, nhất là vào dịp cuối năm, khi các chương trình khuyến mãi, mua sắm online phát động rầm rộ. Vậy Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới?
Bà Lê Việt Nga: Triển khai chỉ thị số 17 của Ban Bí Thư về việc tăng cường an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch, phân công cho các đơn vị chức năng trong Bộ để xây dựng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã giao cho các đơn vị là Vụ thị trường trong nước, Tổng Cục quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Vụ khoa học công nghệ để cùng đồng hành, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, kiểm tra, kiểm soát các hệ thống phân phối thực phẩm an toàn từ hệ thống phân phối truyền thống như các chợ, cửa hàng tạp hóa cho đến các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi, siêu thị bán buôn, bán lẻ thực phẩm.
Với những hoạt động đồng hành như truyền thông, kết nối cung cầu, xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm, đặc biệt logistic lạnh để hỗ trợ việc phân phối, lưu thông thực phẩm an toàn ngày càng được mở rộng.
PV: Cuối năm cũng là thời điểm tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường gia tăng rất mạnh. Theo bà, điều này ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đối phó như thế nào?
Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương luôn tập trung nguồn lực để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách tốt nhất. Tổng Cục quản lý thị trường thời gian vừa qua cũng phát huy rất tốt trên phạm vi toàn quốc với lực lượng mạnh mẽ và chuyên sâu, đặc biệt đã ứng dụng công nghệ số để thanh tra, kiểm tra, xử lý nhanh các vấn đề vi phạm trên thị trường trong đó có vi phạm sở hữu trí tuệ, vấn đề về hàng giả, hàng nhập lậu và xử lý không có vùng cấm.
Thời gian vừa qua đã phát hiện ra rất nhiều vi phạm và xử lý, nhờ đó đã giúp thị trường ngày càng trở nên nh bạch hơn bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như bảo vệ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
PV: Xin cảm ơn bà.