Một món ăn đang “làm mưa làm gió” trên khắp các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây là gỏi gà măng cụt xanh. Chính vì điều này mà dân buôn tới tấp lùng mua, rao bán măng cụt xanh trên các chợ mạng. Giá thành của loại trái cây này vì thế mà cũng được đẩy lên cao chót vót. Nhiều nhà vườn trồng măng cụt cũng được lợi khi chẳng phải vất vả tìm đầu ra, lợi nhuận thu được cũng tăng cao đáng kể. Tuy vậy, cũng có một bộ phận nhà vườn nói không với việc bán trái còn xanh.
Theo nhiều người, nếu măng cụt chín được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây với hương vị chua dịu, ngọt thanh, thì măng cụt xanh làm gỏi gà măng cụt được xem là “đệ nhất” của các loại gỏi. Măng cụt chín ngon 01 phần thì măng xanh trộn gỏi gà ăn ngon gấp 10 lần. Ruột măng vừa giòn vừa ngọt quyện với thịt gà dai dai… càng làm cho món gỏi thêm hấp dẫn.
Hiện măng cụt xanh loại 1 mua tại vườn có giá dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Một số nhà vườn, vựa trái cây làm thành phẩm, bán ruột măng cụt với giá 400.000 đồng - 600.000 đồng/kg tùy loại. Để có 1 ký măng ruột thành phẩm nhà vườn phải thu hái từ 4 – 5 kg măng xanh gọt bỏ vỏ. Nhiều nơi hút hàng, giá ruột măng cụt chạm ngưỡng gần cả triệu đồng mỗi ký. Chưa dừng lại, loại trái cây chưa kịp chín này thậm chí còn được nhiều người Việt ở Mỹ săn đón với giá lên đến hơn 120 USD/kg (hơn 2,8 triệu đồng).
Thực tế cho thấy, từ khi trái măng cụt xanh lên ngôi, nhà vườn cũng được hưởng lợi. Theo nhiều nhà vườn trồng măng cụt ở TP Cần Thơ, thương lái thu mua trái măng cụt sống không chỉ giúp nông dân giảm chi phí nhân công chăm sóc và thu hoạch trái mà còn góp phần giảm áp lực trong tiêu thụ sản phẩm khi bước vào mùa măng cụt chín rộ, hạn chế được tình trạng rớt giá.
Măng cụt khi thu hoạch trái sống có thể thu hoạch đồng loạt, còn thu hoạch bán trái chín, nông dân phải tốn nhiều công sức để tuyển lựa những trái chín. Không chỉ vậy, nghề ăn theo gọt vỏ măng cụt cũng tạo thêm công ăn chuyện làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cũng băn khoăn vì cây măng cụt có tuổi đời lên đến hàng trăm năm lại khó trồng, liệu thu hoạch măng sống có ảnh hưởng đến năng suất, quá trình phát triển của cây. Chị Tâm - Một chủ vườn tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, dù giá măng cụt xanh có cao, gia đình chị vẫn không hái bán: Mình không có bán trái xanh, phía trên trái măng cụt, tượt của nó có 2 trái, tới chín nó sẽ rớt ra, còn mình hái sống là ngắt cái lá đó luôn, vậy là năm sau nó sẽ không ra ở phần đó. Hái vậy hư cây hết à, ở đây có ăn trộm phá nó hái, chứ mình trồng là không hái sống vậy đâu.
Trước những quan điểm trái chiều của các nhà vườn, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu - Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả ền Nam khẳng định, không có việc hái trái măng cụt xanh sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng vụ mùa tiếp theo. Cùng quan điểm này, anh Huỳnh Văn Cầu Kè, ngụ quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết, nhà anh có vườn măng cụt 15 năm tuổi nên anh khá hiểu rõ loại cây này. “Trái măng cụt xanh được người ta hái làm gỏi gà về cơ bản đã thành trái và chuẩn bị chín.
So với trái chín chỉ khác màu xanh và vị ngọt đậm đà. Hơn nữa, trái măng cụt chín tự rụng cuống thì không còn giá trị kinh tế nữa. Người trồng thu hoạch trái măng cụt bằng cách hái từ trên cây, không phải chờ rụng mới nhặt đem bán”, anh Kè cho hay.
PGS.TS. Lê Vĩnh Thúc - Trưởng khoa Khoa học cây trồng (thuộc Đại học Cần Thơ) dẫn chứng, những loại cây ăn trái gần như có một chu kỳ năm trúng, năm không. “Chúng ta có thể lý giải điều này là do năm trúng, cây trồng đó phải mất nhiều sức để nuôi dưỡng trái trong một thời gian. Do đó, để dưỡng những trái tốt nhất phải bỏ bớt trái còn non, xanh đi. Sau khi thu hoạch xong, nếu người trồng không bón phân, chăm sóc phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây dẫn đến năng suất giảm”.
Nói như các chuyên gia, việc thu hái măng cụt sống để bán sẽ không đáng lo ngại đến năng suất mùa vụ tiếp theo. Còn đứng ở góc độ người tiêu dùng, sau thời gian hưởng ứng món gỏi gà măng cụt, nhiều người tỏa ra băn khoăn, liệu trái măng cụt sống có gây hại cho sức khỏe hay không? Bởi việc thưởng thức một món ăn vừa ngon vừa an toàn mới thực sự là mấu chốt để quyết định loại trái này có hút hàng lâu dài không hay chỉ là bột phát nhất thời.
Theo đó, Bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ, măng cụt sống có thể ăn tươi, ép lấy nước hay làm gỏi đều rất ngon và an toàn: Chưa có nghiên cứu nào nói về sự độc hại của măng cụt đến ngày thu hoạch nhưng chưa chín. Măng cụt non không có độc hại, có chăng chỉ là ít dinh dưỡng hơn ăn măng cụt chín. Chúng ta có hoàn toàn có thể sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Hiện nay, việc xuất khẩu trái măng cụt của nước ta còn hạn chế và măng cụt Việt Nam phải cạnh tranh với măng cụt của Thái Lan ngay trên sân nhà. Mùa măng cụt chín của Thái Lan thường đến sớm hơn so với măng cụt của Việt Nam nên họ có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang nước ta. Chính vì thế, việc bán được trái măng cụt sống là tín hiệu vui cho người dân, giúp đa dạng kênh tiêu thụ và mở ra triển vọng trong nâng cao giá trị cho vườn măng cụt.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ trái măng cụt sống tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế do nhiều người vẫn còn thiếu thông tin và chưa rành về cách sử dụng và chế biến món ăn từ trái măng cụt sống. Thực tế cho thấy, trái măng cụt sống chủ yếu được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội và hình thức bán hàng online, chứ lượng măng cụt sống được bày bán tại các chợ và điểm bán trái cây cố định vẫn hạn chế và sức tiêu thụ cũng khá chậm.
Do vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nắm bắt và phát huy việc tiêu thụ trái măng cụt sống bền vững và lâu dài. Chú ý đẩy mạnh tiêu thụ trái măng cụt sống gắn với phát triển du lịch. Nâng cao khả năng bảo quản, chế biến và xuất khẩu trái măng cụt để giúp nông dân trồng măng cụt thoát khỏi điệp khúc “rộ mùa, rớt giá”.