Bán hàng trả góp – “mảnh đất” mới để tội phạm lợi dụng

Mua hàng trả góp là hình thức kinh doanh đang ngày càng phổ biến, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi sự tiện lợi. Tuy nhiên, do các chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng còn thiếu chặt chẽ nên phương thức giao dịch này đang bị nhiều kẻ xấu lợi dụng.

Đầu tháng 6, rộ lên thông tin hàng trăm sinh viên đang theo học các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ bỗng dưng thiếu nợ từ 10 đến 60 triệu đồng vì bị một người nhờ giả làm khách hàng đăng ký mua sản phẩm theo hình thức trả góp để chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và cửa hàng FPT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Một chiếc laptop để bắt đầu hành trình xin việc làm sau khi ra trường, một chiếc điện thoại để phục vụ việc học tập; tra cứu thông tin, một chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại hay một chiếc tivi, tủ lạnh… để phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, tất cả đều là nhu cầu chính đáng.

Nhưng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, không đủ tiền thanh toán một lần nên nhiều người chọn mua hàng trả góp, lãi suất 0%, tùy vào ưu đãi của từng cửa hàng.

Không phủ nhận, bán hàng trả góp là một trong những chính sách mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng. Trước mắt, không cần thế chấp tài sản, không chứng nh thu nhập, không công chứng giấy tờ. Chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ lại sở hữu được ngay một món đồ giá trị lớn mà không mất thời gian chờ đợi và tiết kiệm đủ tiền hoặc phải phiền toái đi vay mượn bạn bè.

Việc mua sắm trả góp giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng về tài chính khi phải chi trả nhiều chi phí sinh hoạt khác nhau. Việc chia khoản tiền lớn thành nhiều mảnh nhỏ và trả từng phần một sẽ khiến người tiêu dùng không có cảm giác mất mát cùng một lúc. Đây là phương án rất phù hợp đối với người có thu nhập thấp.

Nhưng cũng chính việc đơn giản hóa hồ sơ vay và dễ dãi trong khâu thẩm định chính là điểm yếu lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng. Thông thường, nhân viên chỉ nhìn qua loa các giấy tờ cá nhân, không có thiết bị soi chiếu nên không thể phát hiện giấy tờ giả mạo. Bên cạnh đó, nắm bắt được các thông tin mà nhân viên công ty sẽ xác nh nên nhiều băng nhóm lừa đảo có thể phân chia nhiệm vụ cho nhau để thực hiện hành vi lừa đảo.

Thông thường các đối tượng tội phạm thường mua CMND, bằng lái, sổ hộ khẩu ở tiệm cầm đồ và lợi dụng sơ hở của người thân để lấy giấy tờ làm hồ sơ vay. Riêng đối với 300 sinh viên trên địa bàn Cần Thơ bị lừa vì đứng tên hồ sơ mua hàng trả góp đó chính là hệ lụy của việc cung cấp thông tin cá nhân vô tội vạ.

Đối với người dân, dẫu biết có khó khăn thật nhưng cũng phải tỉnh táo tìm vay đúng nơi và mua đúng chỗ, chính chủ, trực tiếp, được nhà nước cấp phép. Tuyệt đối không mua hàng thông qua hình thức trung gian.

Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ vì chỉ cần một thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ là cũng quá đủ để các đối tượng phạm pháp “hành nghề”.

Doanh nghiệp cũng cần tập huấn, bố sung những quy định riêng nhằm bảo đảm chính xác hỗ trợ người khó khăn, không để kẻ gian lợi dụng lừa đảo gây thiệt hại tài sản doanh nghiệp.