Một nhà đầu tư bên ngoài trúng đấu giá với mức giá hơn 60.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm gần 10.000 đồng/cổ phần.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện còn 7 doanh nghiệp quản lý bảo trì đường thủy mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51% vốn điều lệ). SCIC đã có kế hoạch sẽ thoái hết phần vốn này trong năm 2022.
Như vậy, sắp tới tất cả các doanh nghiệp quản lý bảo trì đường thủy quốc gia từng trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt nam sẽ trở thành doanh nghiệp cổ phần tư nhân.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, toàn quốc có 15 đơn vị quản lý đường thủy quốc gia được thành lập cách đây từ hơn 30 năm trở lên, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp nhà nước, với nhiệm vụ chính là quản lý bảo trì hạ tầng luồng tuyến và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Theo chủ trương cổ phần hóa, năm 2005, 5 đơn vị phía Bắc được chuyển sang mô hình công ty cổ phần mà Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ; đến năm 2015, 10 đơn vị còn lại được chuyển sang doanh nghiệp cổ phần hóa. Thời điểm chuyển đổi mô hình, giá trị tài sản của các doanh nghiệp từ 5-15 tỷ đồng.
Đến nay, 8/15 công ty lần lượt được SCIC thoái hết phần vốn Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc thoái hết phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể dẫn đến thay đổi về tổ chức bộ máy, nhân sự, song cũng tạo sự chủ động cao hơn cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoàn toàn được chủ động cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, hiện nay cơ chế để nhận việc bảo trì đường thủy đều thông qua đấu thầu nên các đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp phải năng động hơn trong tổ chức bộ máy và sản xuất kinh doanh./.