ATGT đường thủy: Phần lớn Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường hết hiệu lực

Lực lượng chức năng đã lập biên bản 352 trường hợp vi phạm, phạt tiền lên tới hơn 280 triệu đồng;  tăng 301 trường hợp vi phạm so với cùng kỳ 2018.

Lực lượng CSGT đường thủy - Công an tỉnh Phú Thọ lập biên bản một trường hợp vi phạm quy định về ATGT đường thủy.

Căn cứ theo kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa của Cục CSGT- Bộ Công an, tính từ 11/9 tới 24/9, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành kiểm tra 45 phương tiện hoạt động khai thác cát sỏi tại 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh; kiểm tra 108 bến thủy nội địa (gồm 71 bến bốc xếp hàng hóa và 37 bến khách ngang sông) và kiểm tra 545 lượt phương tiện tham giao thông. 

Thông qua công tác kiểm tra trên, lực lượng chức năng đã lập biên bản 352 trường hợp vi phạm, phạt tiền lên tới hơn 280 triệu đồng;  tăng 301 trường hợp vi phạm so với cùng kỳ 2018.

Công tác tuyên truyền, tuần tra và kiểm soát các phương tiện thủy còn gặp nhiều khó khăn bởi ý thức và nhận thức của một số chủ phương tiện thủy còn kém.

Đáng chú ý, Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường hết hiệu lực là lỗi vi phạm chủ yếu trong đợt tuần tra, kiểm soát lần này.

Lý giải về nguyên nhân hết hạn đăng kiểm, lái tàu Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Chúng tôi cũng biết đã hết hạn từ lâu, nhưng do điều kiện công việc trên sống nước, đi liên tục nên không có thời gian để làm thủ tục. Ngoài ra, thủ tục rườm ra quá, nên chúng tôi không có thời gian để làm lại..."

Bên cạnh công tác xử phat, lực lượng chức năng đã hướng dẫn 4 chủ phương tiện làm thủ tục cấp mới đăng ký, đăng kiểm phương tiện; 147 chủ phương tiện làm thủ tục đăng kiểm lại theo quy định; yêu cầu 93 chủ phương tiện khắc phục vi phạm kẻ số đăng ký trên phương tiện và sơn vạch dấu mớn nước ăn của phương tiện, sau khi khắc phục hoàn toàn mới được tiếp tục hoạt động.

Vỏ tàu xuống cấp, tàu quá cũ, có hoạt động được tiếp hay không vẫn do 'nhận định' của chủ phương tiện. Khi tình trạng hỏng hóc, sự cố xảy ra, chủ tàu sẽ liên hệ nhanh tới các đội sửa chữa trên sông...

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Thượng tá Lê Anh Huy – cho biết: "Do đặc thù với hơn 300 Km đường sông, giáp ranh với 5 tỉnh, thành phố, công tác kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, không ít phương tiện nhanh chóng tìm cảnh lẩn trốn sang địa bàn khác..."

Hơn thế, khi triển khai kiểm tra phương tiện, nhiều phương tiện thông báo cho nhau tạm dừng hoạt động, tập trung neo đậu và chờ đên tối đồng loại hoạt động, gây khó khăn.

Do vậy, bên cạnh công tác xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cần tổ chức tuyên truyền thông tin về ATGT đường thủy triệt để hơn nữa, đặc biệt là tới các chủ phương tiện, lái tàu trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức phối hợp cùng các đơn vị liên quan để triệt để xử lý các vi phạm.

Thông qua kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa của Cục CSGT- Bộ Công an, lực lượng CSGT đường thủy toàn quốc đã lập biên bản 3.180 phương tiện vi phạm trật tự ATGT đường thủy. Đồng thời ra quyết định xử phạt 2.901 trường hợp với hơn 3.200 lỗi vi phạm và phạt tiền lên tới hơn 2,6 tỷ đồng.