Tỷ giá ổn định, dự báo giảm trong thời gian tới góp phần hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp và sẽ giúp giảm áp lực tăng mặt bằng lãi suất, có thể kích cầu tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho biết thêm: "Tỷ giá giảm thì việc doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ thì áp lực của họ sẽ đỡ hơn. Gián tiếp thì khi mà tỷ giá giảm thì NHNN có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành xuống, khiến mặt bằng lãi suất giảm nhẹ hoặc ổn định, và các doanh nghiệp có thể vay được với mức lãi suất phù hợp".
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đã có lúc đồng Việt Nam mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến đầu tháng 8 này chỉ còn là 3,85%. Đây là kết quả do đồng USD đã yếu đi và hiệu quả từ việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính. Cùng với đó, tỷ giá hạ nhiệt giúp mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá: "Chúng ta sẽ có lợi khi trả nợ nước ngoài bằng đúng đồng USD đó, rồi có lợi hơn trong đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy chênh lệch lãi suất đã giảm đi, tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam".
Mặc dù đồng Việt Nam đã mất giá gần 5% so với USD, tính từ đầu năm 2024 và có thể tiếp tục mất giá trong quý 3, cho đến khi Cục dự trữ liên bang Mỹ FED hạ lãi suất, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, sau giai đoạn này, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định và đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được:
"Với cách điều hành của NHNN, tỷ giá vẫn đảm bảo sự ổn định và thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo các cân đối chung của ngoại tệ, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại, cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các DN và nhu cầu xuất nhập khẩu".
Dự báo về tỷ giá trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: "Áp lực đồng đô giảm, cũng như lợi suất tiền đô cũng có khuynh hướng giảm trong thời gian tới thì đấy là điều kiện mà tôi cho rằng, những tháng cuối năm, tỷ giá vẫn có khuynh hướng hạ nhiệt. Tất nhiên là vẫn không thể hạ mạnh được. Về cơ bản, chúng ta vẫn nên nhớ là hiện lãi suất đô cũng rất cao. Dự kiến từ nay đến cuối năm FED có thể chỉ có 1 lần hạ lãi suất duy nhất thôi, tức là áp lực về tỷ giá có thể không quá mạnh nhưng vẫn loanh quanh biến động ở mức 3,5% trong kỳ vọng của NHNN so với đầu năm. Tình hình có thể biến động trở lại không quá biến động như thời kỳ trước".
Tuy vậy, các ngân hàng thương mại cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá: "Nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao, chúng ta tăng nhập khẩu để tăng cường sản xuất, thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới, nhưng trong ngắn hạn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ giá".
Theo phân tích của các chuyên gia quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có thể hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.