Áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu, Việt Nam có bị tác động?

Quy tắc thuế DN tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận với hơn 140 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng thuế tối thiểu DN toàn cầu đang được đánh giá tạo ra những tác động lớn đến môi trường đầu tư của VN.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Với thoả thuận này, các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam phải chịu tác động Quy tắc về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (trụ cột 2), dự kiến áp dụng vào năm 2023. Cụ thể, DN FDI có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên đều phải đóng thuế ở mức 15%.

Các chuyên gia cho rằng, nhìn nhận về mặt tích cực, việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI.

TS.Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: "Việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp FDI, song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng".

Áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến môi trường đầu tư Việt Nam. Ảnh: Công thương

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu ở một góc độ nào đó cũng mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế: "Việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tránh được các quốc gia đưa ra những “cạnh tranh về đáy” thuế suất ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi, cùng với đó tăng tính nh bạch trong thu hút đầu tư giữa các quốc gia, cũng thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta ứng phó tốt, sẽ cho thấy sự “dám chơi, biết chơi và khéo chơi” của VN trong thu hút đầu tư".

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: "Nhìn chung, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu vốn hơn là nước nhập khẩu vốn như Việt Nam. Ảnh hưởng khả năng thu hút FDI của Việt Nam, hiện nay vai trò của FDI với nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó, vai trò quyết định của Việt Nam ít. Việt Nam có thể không áp dụng trụ cột 2 nhưng không ngăn cản được các quốc gia khác áp dụng".

Cũng đánh giá về thách thức với VN, ông Đặng Ngọc Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hiệu quả ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài; ảnh hưởng quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của MNE đang hoạt động tại VN và các DN vệ tinh khác; làm giảm động lực đầu tư của các MNE mới đang có kế hoạch vào VN.

"Chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài làm giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, qui mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp qui mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối", ông Đặng Ngọc Minh nói.

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu không chỉ tạo ra những cơ hội mà còn tạo ra những thách thức với môi trường kinh doanh của VN và cả những DN đang được hưởng ưu đãi thuế của DN. Vậy, làm sao để chúng ta giảm thiểu những tác động tiêu cực? Nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.

Thông tin trong nước và quốc tế

Người dân ĐBSCL thu hoạch lúa.

# Trong Nghị quyết vừa được ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân người dân ĐBSCL vượt 146 triệu đồng (khoảng 6.300 USD). 

# Vào ngày mai (21/6), tại Cần Thơ, sẽ diễn ra hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. 

# Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm, tổng trị giá XNK hàng hoá của VN đạt hơn 306 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng hơn 42 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. 

# Vào ngày mai, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức Phiên tư vấn XK sang thị trường Lào và Thái Lan tại Tây Ninh (kết hợp hình thức trực tuyến). 

# Còn vào ngày 23/6 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội thảo hỗ trợ DN Việt tham gia chuỗi cung ứng tại Anh, tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA. 

# Cũng theo bộ Công thương, để hạ nhiệt giá xăng-dầu, ngoài thuế bảo vệ môi trường, có thể giảm thêm các loại thuế khác như thuế nhập khẩu. 

# Và trước diễn biến của giá xăng tăng gây áp lực lên người lái xe, nhiều hãng xe công nghệ đang tìm mọi cách giữ chân tài xế bằng các chương trình hỗ trợ, giảm chiết khấu khi khó có thể tăng giá dịch vụ. 

# Với lĩnh vực BĐS, trong tháng 6, giá chung cư vẫn tăng sau ồn ào đề xuất thời hạn sở hữu chỉ từ 50-70 năm. Cụ thể, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP.HCM tăng 5%. 

# Còn ở thị trường du lịch, trung tuần tháng 6 cũng là cao điểm du lịch hè, giá tour các tuyến đường bộ và đường hàng không đã được điều chỉnh tăng 3-5% so với đầu tháng. 

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

# Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đang tập trung vào việc ổn định giá cả và nếu số liệu như kỳ vọng, Fed dự kiến sẽ tăng tiếp lãi suất vào tháng 7. 

# Và theo khảo sát của The Econost, có tới 51% người Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế. 

# Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang phải đối mặt với một vấn đề đau đầu mới khi Nga vừa quyết định hạn chế xuất khẩu khí hiếm (loại khí được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn). 

# Đáng chú ý, sức ép giá nhiên liệu và thiếu hụt nhân sự đang khiến giá vé máy bay toàn cầu liên tục tăng cao. Như tại Mỹ, giá vé máy băng tăng tới hơn 30% tính từ đầu năm.

Thông tin thị trường chứng khoán

# Chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1.180,4 điểm, mất 36,9 điểm so với phiên trước và cũng là mức giá thấp nhất trong phiên.

# Trên HOSE có đến 407 mã mất điểm, trong đó 149 mã giảm kịch sàn. Rổ VN30 có 27 mã giảm, chỉ số VN30 giảm 2,58%. Nhóm vốn hóa trung bình thấp chịu áp lực bán giá thấp mạnh hơn khiến chỉ số VNMidcap và VNSmallcap giảm đến 4,11% và 4% điểm số.

# Theo SSI Reseach, thanh khoản thị trường không tăng mạnh, chỉ duy trì ở mức 14 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HOSE. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên -602 tỷ đồng trên sàn này./.