Ấn tượng đêm khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ

Tối 9/9, hàng vạn người dân Cần Giờ và du khách hân hoan thưởng thức màn khai mạc đầy ấn tượng của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2022 với chủ đề: “Cần Giờ xanh mãi biển quê hương”.

Câu chuyện của ngư dân ền biển với tín ngưỡng thờ Cá Ông được kể xuyên suốt chương trình thông qua nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc, đa dạng loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại.

Chương trình có sự tham dự của Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP, các Sở Ban ngành địa phương, đoàn đại biểu báo chí quốc tế, Hoa hậu Hoà bình quốc tế ba nước khu vực sông Mekong (Lào, Campuchia, Myanmar) và các doanh nghiệp lữ hành.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ

Phát biểu báo cáo mừng công ngư dân Cần Giờ năm 2022, ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, theo thông lệ truyền thống, hàng năm, cứ Tết Trung thu - Rằm tháng Tám âm lịch, người dân Cần Giờ cùng hướng về Lễ hội Nghinh Ông nhằm tri ân thần Nam Hải Đại Tướng Quân đã từng cứu giúp ngư dân khi có giông bão, giúp ngư dân có được những mùa nuôi trồng, đánh bắt bội thu.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ bắt đầu từ năm Quý Sửu (1913) và đã trở thành Tết biển - một nét đẹp văn hoá của người dân nơi đầu sóng ngọn gió duyên hải - Cần Giờ, là sự kiện văn hoá đặc biệt của TP HCM, đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. 

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu.

Ông Dương Anh Đức, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM

Ông Dương Anh Đức, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chúc mừng bà con Cần Giờ đã có được một mùa nuôi trồng, đánh bắt bội thu và nhấn mạnh, nhân dịp này, người dân dù đang làm gì, ở đâu cũng trở về tham dự Lễ hội, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống và hình thành lối sống, nếp sống phù hợp, thích nghi với điều kiện thiên nhiên của vùng đất Cần Giờ. Cùng với sự thành kính, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hoà bình, độc lập, tự do của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Ông Võ Văn Sáu 57 tuổi, ngư dân ngụ tại thị trấn Cần Thạnh đến với Lễ hội vui mừng: “Người dân ền biển duyên hải rất háo hức mỗi khi đến lễ hội này. Sự kiện này với người dân Cần Giờ còn quan trọng hơn cả Tết Nguyên Đán. Người dân Cần Giờ dù đi ngược về xuôi, xa xôi cách trở thì đến Rằm tháng Tám phải quay về dự Lễ, cúng rước Ông.

Mỗi gia đình ngư dân đều sửa soạn ghe xuồng sạch sẽ, sắm sửa nhang đèn, bông trái chờ đến đúng giờ đúng khắc đúng giờ để Nghinh Ông. Sau khi rước Ông về, cúng kiến đủ lễ thì mới tới phần bạn bè, người thân vui chơi”.

Ông Phạm Hồng Ngọc, 85 tuổi, chia sẻ: “Năm 2021 vì dịch bệnh không tổ chức được Lễ hội lớn nên ngư dân tự tổ chức lễ nhỏ ở nhà; năm nay Lễ hội quy mô hoành tráng hơn, đặc biệt mưa thuận gió hoà”.

Còn ông Phạm Hồng Ngọc, 85 tuổi, chia sẻ: “Năm 2021 vì dịch bệnh không tổ chức được Lễ hội lớn nên ngư dân tự tổ chức lễ nhỏ ở nhà; năm nay Lễ hội quy mô hoành tráng hơn, đặc biệt mưa thuận gió hoà”.

Lăng Ông Thuỷ Tướng - Một trong những nơi thờ cúng thần Nam Hải lớn nhất TP và vùng Nam Bộ mặc dù đã trải qua thời gian dài với bao biến động thăng trầm của lịch sử, do sự xâm thực của biển, sự tàn phá của chiến tranh nhưng không gian và hiện vật trong lăng vẫn còn theo năm tháng, đánh dấu thời kỳ quan trọng của sự phát triển cảng Cần Giờ và nghề đánh bắt thuỷ hải sản.

Trải qua hơn 2 thế kỷ, Lăng Ông Thuỷ tướng vẫn được nhân dân Cần Giờ trân trọng, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật của TP. 

Nghệ nhân Ưu tú Phan Văn Chấn – Hội phó hội Vạn Thạnh Phước Lạch (Đình Lăng Ông Thủy Tướng), thành viên Ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2022 cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông truyền thống của ngư dân Cần Giờ từ Cần Giờ - Gia Định vưa đến Cần Giờ -TPHCM ngày nay.

Đây là một lễ hội độc đáo, thuần Việt , mỗi chi tiết đều mang tính dân gian từ phần hội đến phần lễ, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng thủy thần của ngư dân TP HCM.

Việc tổ chức thả hoa đăng trên biển mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự tri ân với những người đã khuất, các tiền hiền, hậu hiền đến vùng đất này khai phá, và đặc biệt là hơn 700 chiến sĩ rừng Sác đã ngã xuống”.

Bên cạnh việc tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ rừng Sác và các nghi thức cúng đại lễ cổ truyền, hát bội, cúng bạn cũ lái xưa tại Lăng Ông Thuỷ tướng, tổ chức thả đèn hoa đăng trên biển còn có nhiều hoạt động khác như Tết Trung thu, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, phiên chợ hàng Việt, khu ẩm thực, trò chơi dân gian mang đậm truyền thống, ngành nghề vùng biển.

Đây cũng là dịp để Cần Giờ giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về lịch sử hình thành, phát triển, nét văn hoá đặc trưng, công trình kiến trúc nghệ thuật Lăng Ông Thuỷ tướng, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, rừng Sác - Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Cần Giờ -vùng đất nhỏ ven biển, chỉ vỏn vẹn có hơn 13km đường bờ biển nhưng mang đầy khát khao và hoài bão vươn ra biển lớn của cả thành phố lớn nhất ở phương Nam. Ở đây, cuộc sống luôn yên bình, đầy ắp niềm vui và sự kiên cường của những ngư dân vươn khơi bám biển, vì chủ quyền của Tổ quốc.

Và Lễ hội Nghinh Ông không chỉ là một nét đẹp văn hóa của TP HCM nói chung, Cần Giờ nói riêng mà đó cũng chính là một trong những phong tục truyền thống ngàn đời của dân tộc cần được gìn giữ và truyền trao qua các thế hệ.

Một số hình ảnh đặc sắc trong đêm khai mạc

Các hoa hậu tham dự đêm khai mạc
Người dân tập trung về Công viên Cần Thạnh để tham dự Lễ khai mạc
Sân khấu nhỏ ngoài trời - Nơi người dân có thể thưởng thức đờn ca tài tử và giọng hát phương Nam
Các bạn nhỏ thích thú với màn biểu diễn Lân sư rồng
Tiết mục biểu diễn Vovinam
---
---
---
---
---
---
---
---
---
Người dân nán lại muộn để thưởng thức hết tất cả các chương trình biểu diễn
Màn bắn pháo hoa khép lại đêm khai mạc