3 năm thực thi CPTPP: Bước ngoặt hội nhập của kinh tế Việt Nam

3 năm thực thi Hiệp định CPTPP đã đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này minh chứng bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP liên tục duy trì ở mức 2 con số.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 26/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, đây là một trong những mốc đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương)

“Ngay trong năm đầu thực thi, xuất khẩu của chúng ta sang hai thị trường mới là Canada và Mexico đã tăng trưởng gần 30%. Trong năm đầu tiên, chúng ta đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đây là tiền đề để chúng ta đảm bảo những cân đối vĩ mô của nền kinh tế” - ông Thái thông tin và cho biết, những tháng đầu năm 2022 xuất khẩu sang khối thị trường này đã đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho thành tích chung về xuất khẩu.

Theo thống kê của Vụ Chính sách thương mại đa biên, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.

Để thực thi hiệu quả CPTPP, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp: Thứ nhất, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; thứ hai, tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thứ ba, tích cực trao đổi với các nước thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi.

Các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh Báo Công thương

Tuy nhiên theo ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), dù đã đạt được những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khá tích cực, nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia CPTPP.

Vì vậy, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu như những năm đầu tiên là một thách thức không nhỏ; trong đó, với thị trường châu Mỹ, khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu là khoảng cách địa lý xa xôi dẫn đến chi phí về logistics, chi phí vận tải gia tăng, nhất là sau tác động của dịch COVID-19.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ hiệp định này, ông Hoàn khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung để giải quyết những khó khăn để Hiệp định CPTPP tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

 

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

Với chủ đề 'Tận dụng ưu thế của người đi đầu', Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP diễn ra 2 phiên Tọa đàm và đối thoại trực tiếp. Phiên thứ nhất có chủ đề “Tự tin chinh phục thị trường”.

Các diễn giả đã chia sẻ về những tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp của Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ hiệp định, đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường mới của khu vực châu Mỹ.

Bên cạnh đó là những câu chuyện kinh nghiệm của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường các nước trong CPTPP; sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, kết nối của cơ quan thương vụ và vai trò chủ động của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu” do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức

Năm 2023, trước những khó khăn từ thị trường, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đều cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các nước chưa có các mặt hàng của Việt Nam để thâm nhập, đi theo ngách của thị trường sẽ cạnh tranh tốt hơn.

Để có thể thâm nhập tốt vào thị trường trong khối CPTPP nói riêng và FTA khác nói chung, trước hết doanh nghiệp cần phải chú trọng quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình tới các đối tác, đầu tư nhiều hơn trong quy trình sản xuất, nâng cao hàm lượng chế biến sâu và nâng cao giá trị hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, kết nối các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khối CPTPP để tận dụng được hiệu quả về ưu đãi thuế quan.