20 năm ngổn ngang cụm, tuyến dân cư vượt lũ (Kỳ 1): Tiền tỉ phơi sương

Hơn 20 năm trước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, năm 2001, 2002, Chính phủ đã đưa ra chương trình “dân sinh vùng lũ”, trong đó lấy việc xây dựng “cụm tuyến dân cư” là cốt lõi, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đây là một chủ trương đúng và trúng, đầy tính nhân văn, nhờ đó mà hơn 20 năm qua, hàng triệu người dân vùng lũ Tây Nam Bộ đã thoát cảnh “màn trời chiếu đất”, có được điều kiện để an cư, phát triển kinh tế, con cái được học hành.

Thế nhưng, hiện nay, một phần do tính toán và thực hiện không đồng bộ; một phần do lũ gần như không còn nên nhiều cụm, tuyến dân cư đang rơi vào tình trạng lãng phí rất lớn: đất bỏ hoang, nhà bỏ trống, thậm chí nhiều dự án vẫn cứ “treo” dù lũ đã chẳng về.

Một ngày tháng Bảy, chúng tôi theo con nước sông Tiền để trở về Đồng Tháp Mười đón lũ. Dù đã bước qua những tháng “nước nhảy khỏi bờ”, vậy mà trên các cánh đồng, nước vẫn chưa chịu lé đé. Cánh hạ bạc mùa này lại sốt ruột chờ lũ.

Trong những ngày ngược xuôi con nước nán lại Đồng Tháp Mười, được sự giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến tuyến dân cư ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Đây là cụm, tuyến dân cư được đầu tư theo Chương trình Cụm, tuyến dân cư vượt lũ từ những năm 2000 theo chủ trương của Chính phủ.

Nằm dọc tuyến DT 819, tuyến dân cư vượt lũ ấp Cả Nổ khiến chúng tôi sững sờ vì ngỡ đang lạc vào chốn… “khỉ ho cò gáy” nào đó. Những dãy nhà nằm nép mình trong cánh rừng tràm, lau sậy; tường vách phủ rêu xanh; những cánh cửa rỉ sét, đóng im ỉm hàng chục năm.

Hàng trăm căn nhà tại ấp dân cư Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, Huyện Tân Hưng trong tình trạng bỏ hoang

Anh Huỳnh Văn Tuấn, một hộ dân trong diện được di dời vào cụm, tuyến dân cư từ ngày đầu cho biết, đây là một trong 165 dự án nhà vượt lũ của tỉnh được xây dựng từ năm 2002 với tổng số 175 căn. Thời gian đầu, mỗi căn được bán với giá ưu đãi từ 10 - 20 triệu đồng.

Vậy mà, vì nhiều lý do, người dân không mấy mặn mà vào ở, thậm chí có hộ vào rồi lại bỏ đi; cứ 5 căn thì có 2 căn bị bỏ hoang. Các căn nhà này chỉ mới được xây thô, qua tháng năm “dầm mình sương nắng” đã bắt đầu xuống cấp, mục nát.

Anh Tuấn cho biết:“Nhà bỏ trống nhiều lắm vì điều kiện đâu sống được đâu. Giờ người dân ở đây từ trước đến giờ chỉ mơ ước có công ăn việc làm, nếu huyện thành lập được bất cứ công ty gì mà một ngày chỉ cần thu nhập 100 – đến 200 ngàn thôi không cần nhiều là quý lắm rồi. Chứ giờ ở đây có khi phải bỏ nhà đi ra Bình Dương, thành phố làm công ty, công nhân. Nói chung dân ở đây không có nghề nghiệp gì để làm”.

Cách nhà anh Tuấn không xa là căn nhà nhỏ với 5 thành viên của gia đình chị Nguyễn Thị Thuý Diễm. Vừa ngơi tay trở về sau khi cắt lục bình ở con kênh 79 trước nhà, chị Diễm cho biết, ngoài việc khó mưu sinh thì con em nơi đây còn khó trên hành trình tìm đến con chữ. Trường học cách tuyến dân cư hơn 10km nên nhiều em nhỏ phải đành gác lại chuyện học hành, lao vào đời kiếm sống:

“Mấy nhà này có chủ hết nhưng mà không có vào đây ở, người ta mua người ta để đó vậy đó. Vì ở đây làm ăn không được nên người ta đi xứ khác để làm công ty. Con nhỏ thì không đi học, có nhiều người đi là chuyển con theo để đi học luôn, ở đây đi học xa xôi lắm”, anh Tuấn nói.

Nếu cụm tuyến dân cư ấp Cả Nổ thuộc vào dạng “tốp đầu” về tình trạng nhà bỏ hoang sau khi xây dựng thì cụm, tuyến dân cư ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại khiến người ta lắc đầu bởi sự lãng phí nguồn tài nguyên đất quá lớn. Triển khai quy hoạch gần 20 năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ, vậy mà dự án vẫn chỉ là những nền đất trống không, cỏ mọc quá đầu người. Hệ thống cống hộp, vỉa hè vốn đã được xây dựng từ sớm nhưng bị “bỏ quên” dẫn đến sụt lún, cỏ cây che khuất.

Nói về dự án, ông Phạm Phương Tùng – Phó Trưởng Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Mộc Hóa cho biết, dự án quy hoạch từ rất lâu rồi: "Trước đây dự kiến là đất này chuyển thành đất dự trữ không nằm trong chương trình cụm tuyến dân cư do đó không bố trí dân, sau khi huyện tách ra thì mới phát hiện cụm này bị nhầm tên do đó cụm này vẫn nằm trong cụm tuyến dân cư vượt lũ, thế nên mới tiếp tục đưa dân vào, bây giờ mới định hướng cho dân vào đây lại còn đấu giá thì bán được 21 lô rồi."

Những căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang, cỏ dại mọc cao, tường gạch mục nát

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Long An, qua 20 năm triển khai, toàn tỉnh hiện nay có 165 cụm, tuyến dân cư với tổng số nền thực tế là 34.600 lô, tổng mức đầu tư của chương trình là trên 938 tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, chỉ có 95 cụm, tuyến dân cư đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đạt 58%. Tỷ lệ người dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ chỉ đạt khoảng 50% đến 70%. Con số quá thấp so với chiều dài 20 năm triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng  cho biết: "Giai đoạn mà từ 2000 đến 2010 thì lũ mỗi năm rất lớn nhưng mà từ giai đoạn 2010 đến 2020 thì lũ nhỏ các năm gần đây thì hầu như không có lũ luôn, cho nên nhu cầu người dân cũng không có nhiều như giai đoạn trước. Chủ yếu là huyện chưa sắp xếp được nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thôi, nếu mà hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường, trạm, điện, nước rồi thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh thì chắc chắn là cụm này sẽ thu hút được người dân.”

Thực tế, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL của Chính phủ là chương trình trọng điểm Quốc gia với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng có ý nghĩa tổng hợp về nhiều mặt, trong đó ưu tiên đảm an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ, bởi có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, 7 tỉnh vùng lũ thuộc ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang đã triển khai kịp thời kế hoạch, giúp hàng ngàn hộ dân thoát khỏi cảnh ngập chìm trong nước mỗi khi có lũ tràn về.

Thế nhưng, không ít bất cập đã nảy sinh từ trong thực tiễn thực hiện, dẫn đến những tuyến vượt lũ phải “treo” từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Những cụm vượt lũ “3 không”: không hệ thống y tế, không hệ thống giáo dục, không hệ thống giao thông dẫn đến hàng trăm căn nhà bỏ hoang ròng rã, xuống cấp, mục nát, gây lãng phí rất lớn đến tiền của nhà nước và nhân dân.

Những quy hoạch chưa hợp lý, những giám sát chưa chặt chẽ, việc triển khai chưa đồng bộ, thiếu đầu tư, thiếu tầm nhìn, chậm xử lý; rồi nhiều năm qua lũ không về… đã đẩy những cụm, tuyến dân cư đi vào hoang lãng, trở thành những công trình làm nghèo đất nước.

Mời độc giả đón xem kỳ 2: Bao giờ dân mới an cư