Mương Kẻ Khế có chiều dài 1,7km. Dự án cống hóa mương Kẻ Khế vốn được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể môi trường sống của người dân.
Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
Theo ghi nhận PV, dự án cống hóa mương Kẻ Khế đoạn cuối làng Vạn Phúc, quận Ba Đình đã dừng triển khai từ rất lâu, gần 16 năm nay nhiều người dân sinh sống xung quanh đã phải sống chung với cảnh ô nhiễm.
Nhiều người dân dùng các tấm gỗ ép, bạt, bao tải,... che chắn ệng kênh mương lại vì bốc mùi hôi thối nồng nặc do bị ô nhiễm nặng nề.
Hàng chục năm nay, sống bên cạnh mương Kẻ Khế, ông Đạt không khỏi bức xúc về thực trạng ô nhiễm được báo động từ lâu: "Quanh năm nước mương ở đây đen kịt, bẩn, trời nắng thì mùi hôi thối bốc lên ngày đêm ảnh hưởng lắm. Rác rưởi mọi người xả ra đây vô tội vạ, ô nhiễm. Chúng tôi mong thi công sửa sang lại sạch đẹp cho dân yên tâm sinh sống".
Những dòng nước đen ẩn chứa hiểm họa khôn lường về sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân hai bên bờ. Hằng ngày, họ vẫn chịu đựng sự tra tấn bởi mùi hôi thối và tìm mọi cách đối phó với sự ô nhiễm.
Sống trong tình cảnh “éo le”, dân cư vẫn khắc khoải chờ đợi sự hồi sinh những tuyến kênh mương này. Bà Lan không ít lần chứng kiến cảnh nhiều người vô ý thức vứt rác xuống mương: "Con ngõ này nhiều cây cối lại có mương nước thải nên những người thiếu ý thức thường mang rác đến đây đổ trộm. Tôi còn thấy người dân vãng lai đi xe máy ngang nhiên ném túi rác vứt xuống mương”.
Có khu bếp sát cạnh mương bẩn Kẻ Khế, chị Uyên bức xúc nói: "Ngày mưa còn đỡ, vào ngày nắng nóng, oi bức, mùi hôi thối từ những cống nước đen ngòm tại các kênh mương bốc lên ngạt thở, người dân sinh sống gần các khu vực này mặc dù đã quen, nhưng nhiều lúc cũng thấy choáng váng đầu óc, mấy nữa dịch sốt xuất huyết thì ở đây không khác gì 1 cái ổ dịch nhà có trẻ con nên chị cũng lo lắm...”.
Người dân cho biết thêm, các nhà dân hai bên bờ kênh mương luôn trong tình trạng ẩm thấp, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật cao, nhất là sốt xuất huyết.
Dự án mương Kẻ Khế được phê duyệt từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay đã 16 năm vẫn “án binh bất động”.
Người dân sinh sống nơi đây rất mong cơ quan chức năng sớm có kế hoạch kiểm tra, cải tạo tuyến mương, đồng thời có biện pháp xử lý những đối tượng đổ rác, phế thải trên bờ mương, xuống lòng mương để bảo đảm vệ sinh môi trường.