Bắt buộc đội mũ bảo hiểm; xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn; cải thiện đường sá; đẩy mạnh giáo dục ATGT… rất nhiều biện pháp đã được triển khai, nhưng TNGT với xe máy vẫn ở mức rất cao!
Tọa đàm phát thanh về chủ đề: "Tai nạn xe máy quá nhiều, cách nào kéo giảm?", vào lúc 12h30' thứ Sáu (15/11), trực tiếp trên VOV Giao thông tần số FM91 và vovgiaothong.vn.
Cùng với sự tham gia của các khách mời: ông Khuất Việt Hùng – Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT; cùng ông Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng.
TỶ LỆ TAI NẠN LIÊN QUAN ĐẾN XE MÁY CÓ THỂ TĂNG CAO
Soi chiếu số vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy vẫn chiếm đến 60% tổng số vụ TNGT xảy ra trong 10 tháng đầu năm do Cục CSGT đưa ra gần đây, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội chỉ rõ, đây mới là số liệu do lực lượng CSGT có mặt để giải quyết và thống kê, còn thực tế những vụ việc người dân tự thỏa thuận có thể còn nhiều hơn:
"Hạ tầng không đảm bảo, không đáp ứng được với sự gia tăng cơ học của phương tiện giao thông, đặc biệt là mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Hạ tầng không theo kịp, kèm theo ý thức chấp hành quy tắc giao thông, Luật giao thông còn hạn chế, do vậy dẫn đến va chạm, TNGT".
Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Hướng dẫn Luật và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT cũng dẫn chứng, trước đây số vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy thường chiếm khoảng 70% tổng số vụ TNGT xảy ra trên toàn quốc. Một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT liên quan đến xe máy vẫn chiếm tỷ lệ cao là do mức độ phổ biến của loại phương tiện này:
"Tình trạng điều khiển mô tô, xe máy gây ra tai nạn vẫn chiếm tỷ lệ cao, tuy không bằng tỷ lệ của những năm trước, song nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chúng ta biết, trường hợp đã xảy ra tai nạn với mô tô, xe máy thì nhiều vụ rất nghiêm trọng, hậu quả rất lớn".
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, mặc dù lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm, từ xử lý vi phạm nồng độ cồn; xử ý vi phạm với học sinh đi mô tô, xe gắn máy; tuy nhiên, với bối cảnh giao thông hỗn hợp như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào xử phạt của lực lượng chức năng và không có đột phá chiến lược thì không thể giải quyết được:
"Không chỉ là 60% số vụ TNGT liên quan đến xe máy, mà có thể còn tăng cao hơn nếu tình hình chấp hành pháp luật của người điều khiển mô tô, xe máy không được cải thiện, tốc độ gia tăng phương tiện này không được hạn chế, với những bối cảnh giao thông hỗn hợp như hiện nay thì chúng ta cũng biết trước được nếu không có đột phá chiến lược thì không thể giải quyết được".
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG phân tích, tỷ lệ sở hữu xe máy cao, song việc chấp hành các quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi đi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường… vẫn diễn ra thường xuyên, và thực tế cũng đã xảy ra không ít vụ TNGT từ việc không chấp hành các quy tắc giao thông cơ bản, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh:
"Trẻ em đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy ở đây là có dung tích nhỏ hơn 50cc. Theo quy định của pháp luật hiện tại thì nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển loại xe này độc lập mà không cần bằng lái. Cái nguy hiểm ở đây là đối với nhóm đó thì kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ, thế nhưng các em lại độc lập điều khiển trong một dòng giao thông hỗn hợp, phức tạp như người lớn. Điều đó đặt những trẻ em vào những rủi ro cao hơn".
Một số ý kiến cũng đánh giá, thời gian qua, Việt Nam triển khai thành công nhiều chương trình và chính sách quan trọng để cải thiện an toàn đối với người đi mô tô, xe máy, như: chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ cồn... tuy nhiên, tỷ lệ TNGT liên quan đến mô tô, xe máy gây ra vẫn rất cao.
Bởi vậy, cần có nhiều giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu hậu quả, thương vong do TNGT gây ra.
ĐỂ HÌNH THÀNH Ý THỨC, THỰC THI PHÁP LUẬT PHẢI NGHIÊM
Chỉ ra nguyên nhân khiến ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển mô tô, xe máy chưa cao, ông Vũ Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho hay, một phần trách nhiệm là do cơ quan quản lý, thực thi pháp luật. Bởi để hình thành ý thức, việc thực thi pháp luật phải nghiêm, liên tục, trong khi thực tế không đạt được điều đó:
"Ở đây nó có việc là mình đang sử dụng nhiều phương tiện giao thông ít kỷ luật, ví dụ đường sắt, rất kỷ luật, xe buýt có hành trình nhà nước duyệt, thì nó rất kỷ luật. Nhưng mình đang sử dụng ô tô cá nhân, đặc biệt là xe máy, thích là đi, đi giờ nào cũng được, đi ngày nào cũng được, mưa cũng được, nắng cũng được. Khi ta sử dụng phương tiện giao thông kỷ luật thì việc giảm TNGT sẽ thuận lợi hơn".
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó giáo đốc Sở GTVT Sơn La cũng, do địa bàn rộng, mức độ tiếp cận và nắm bắt các quy định của pháp luật về giao thông còn hạn chế nên tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên:
"Mặc dù lực lượng chức năng cũng xử lý nhiều, nhưng cũng không xuể. Địa bàn rộng nên việc tuyên truyền, đặc biệt trên này vùng sâu vùng xa, cách tiếp cận các quy định về giao thông cũng phần nào họ chưa tuân thủ".
Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, hướng dẫn Luật và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT lý giải, ý thức của người tham gia giao thông còn thấp, có nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi thực tế, việc tuyên truyền chưa được thực hiện một cách thường xuyên đến cơ sở, thôn, xóm, làng, bản. Cùng với đó, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm cũng chưa bao quát được hết các tuyến đường:
"Có những cái để chúng ta nói rằng đã được nâng lên từng bước, nhưng bây giờ, để giải quyết vấn đề cần tập trung mấy biện pháp: về công tác tuyên truyền là thường xuyên; thứ hai, kiểm tra, xử lý thường xuyên, cương quyết các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy vi phạm, sử dụng rượu bia lưu thông trên đường…"
Bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong châu Á kiến nghị, để giảm thiểu TNGT, chấn thương và tử vong liên quan đến xe máy gây nên, cần sự phối hợp đồng bộ, trong đó có sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, các đơn vị thực hiện các hoạt động trong an toàn giao thông, doanh nghiệp sản xuất mô tô, xe gắn máy…
"Sự phối hợp đó sẽ giúp chúng ta đưa ra một giải pháp tổng thể về hạ tâng, về hành vi an toàn lái xe, cũng như các hành vi mà mình có thể can thiệp để mang lại an toàn cho người lái xe, đơn giản như đào tạo an toàn cho người lái xe và ở đây trong tỷ lệ dân số có rất nhiều người trẻ và người trẻ sử dụng xe gắn máy như một phương tiện giao thông chính".
Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông với xe máy có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao hiệu quả giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ nói chung. Đồng thời là căn cứ để chỉnh sửa, hoàn thiện các giải pháp lâu dài trong tương lai nhất là bối cảnh hạ tầng đường bộ không ngừng hoàn thiện và mở rộng.