Nhiều chủ nhà đã tự ý đặt các chướng ngại vật để ngăn chặn ô tô dừng, đỗ thiếu ý thức. Tuy nhiên, nếu phương tiện khác đang lưu thông trên đường vô tình va phải những vật cản này mà để lại hậu quả nghiêm trọng, câu chuyện trên không hề nhỏ.
Ngày 17/12/2023, theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, quanh khu vực Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội xảy ra việc một số người tự ý đặt chướng ngại vật để ngăn cản không cho các phương tiện khác đỗ tại khu vực mình mong muốn. Các chướng ngại vật này có thể là thùng sơn được đổ bê tông bên trong, hoặc là xe máy, hay cũng có thể là chậu cây cảnh,... Vỏ bên ngoài là thùng sơn, nhưng ruột là bê tông, nếu không may va phải chướng ngại vật này thì để lại hậu quả không hề nhỏ cho các phương tiện. Chia sẻ với VOV Giao thông, anh Phạm Văn Ca – Lái xe Taxi G7 bày tỏ, việc cửa hàng kinh doanh mất nhiều tiền để thuê nhà mặt phố kinh doanh ai cũng hiểu, tuy nhiên nếu dùng biện pháp cực đoan như đặt chướng ngại vật để chiếm chỗ, ngăn cản không cho các phương tiện khác là ứng xử không đẹp. Để giải quyết chuyện này, người tài xế khi đỗ để lại số điện thoại trên xe và người chủ kinh doanh nhắc nhở là mọi chuyện yên ổn. Còn chị Phương Thúy - Chủ của hành kinh doanh trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho rằng, vỉa hè, lòng đường là của chung, ai cũng có quyền sử dụng, thay vì việc đặt vật cản chiếm chỗ, hoàn toàn giữa chủ kinh doanh và lái xe có thể thỏa thuận, hài hòa giữa cả 2 bên. Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các tổ chức cá nhân theo các giấy tờ về quyền sử dụng đất, những diện tích sử dụng riêng, sử dụng chung thì được pháp luật quy định rất rõ ràng trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Còn đối với lòng đường, vỉa hè thì diện tích sử dụng quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, mọi người đều có quyền sử dụng như nhau, nhiều người nghĩ rằng lòng đường, vỉa hè trước của nhà mình là mình có quyền sử dụng riêng thì đó là suy nghĩ rất lạc hậu và không có căn cứ pháp luật và chính bởi những người có suy nghĩ cũ như vậy đã biến lòng đường vỉa hè thành tài sản riêng của mình. "Theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 12, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người thực hiện hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức." - Tiến sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh. Không chỉ đặt trụ bê tông, một số nhà còn khoan vỉa hè, lắp đặt vòm sắt. Sau khi thực hiện đặt vòm sắt, đây là chỗ khá lý tưởng để xe máy, kê bàn ghế, vỉa hè thành của riêng? Việc giữ chỗ đỗ xe ô tô đôi khi không chỉ dừng lại ở việc đơn giản là đặt chướng ngại vật, mà vô tình biến hóa thành những hành động khác. Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, hành vi sơn, vẽ vào phương tiện giao thông của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, thì người tự ý gây thiệt hại đến tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ở một góc khác trong khu vực Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội, một số nhà huy động cả cả chậu hoa, cây cảnh để giữ chỗ. Khoảng cách một số người đặt chướng ngại vật chiếm chỗ có độ dài hơn 5m, thoải mái cho ô tô đỗ và vừa bằng mặt tiền của một nhà mặt phố. Giá gỗ pallet cũng được đem ra để giữ chỗ cho riêng mình. "Bằng gì cũng được, miễn là họ giữ được vị trí trước của nhà mình", một số người dân chia sẻ. Việc đặt chướng ngại vật dưới lòng đường, trên vỉa hè là hành động ứng xử thiếu văn hóa trong môi trường văn minh. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe sai quy định, chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh hoàn toàn có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu tài xế có nhu cầu muốn đỗ xe chỉ cần quan sát khu vực xung quanh, để lại số điện thoại hoặc có lời với chủ nhà, mọi việc có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng./.